Xây đài tưởng niệm liệt sỹ Tiểu đoàn 804 anh hùng

Thứ Hai, 09/12/2013, 12:34
Trong góc khuất của một con phố ồn ào giữa Hà Nội, người lính già nghẹn ngào khi nhắc đến những đồng đội năm xưa. Ông bảo: “Tôi và nhiều anh em khác may mắn được trở về, hưởng trọn cuộc sống hòa bình. Trong khi, còn nhiều đồng đội khác vẫn nằm lại đâu đó. Họ là những người con đến từ mọi miền đất nước, trong số ấy có rất nhiều chàng trai Hà Nội lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, theo lời kêu gọi kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn”. Họ là những chiến sỹ K4 - Tiểu đoàn bộ binh 804 anh hùng.Chiến công nơi “đất lửa” Trị Thiên.

Ông Lê Văn Tâm nguyên là chỉ huy Trung đội trinh sát K4 đưa tôi về với ký ức xưa. Tiểu đoàn 804 là Tiểu đoàn Bộ binh chủ lực ra đời vào ngày 30/4/1964 tại Nghệ An theo yêu cầu của chiến trường phân khu Bắc của Quân khu 5 với 590 người. Nhiệm vụ của K4 là chốt giữ Tây Nam địa bàn ở Động Truồi (Phú Lộc, Thừa Thiên), tạo thế giữ vững đường dây liên lạc với các vùng của thành phố Huế, huyện Phú Vang, Phú Lộc… vừa đánh địch, vừa giữ địa bàn, kết hợp phát động quần chúng khai thác lương thực, thực phẩm để đảm bảo hậu cần, trụ vững địa bàn, chuẩn bị lực lượng tham gia giải phóng Huế - Đà Nẵng vào năm 1975.

Trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968, K4 là đơn vị bộ binh, cơ động thuộc lực lượng chủ công cánh Nam Huế, tham gia tấn công chiếm thành phố ngay từ ngày đầu và đã giành thắng lợi, nhanh chóng làm chủ thành phố. Hiệp định Paris ký năm 1973, K4 được giao nhiệm vụ giữ vững địa bàn từ đồi La Hy (Hương Thủy) tới Dinh Lộc (Phú Lộc), bảo vệ đường dây về các vùng sâu. Trên tuyến chốt Nam Bắc đường 14 có một số điểm tranh chấp giữa ta và địch ở B2 khu Ba Mỏm, K4 được giao nhiệm vụ thực hiện mũi tấn công binh vận, tổ chức gặp trực tiếp quân địch, vừa tuyên truyền chính sách hòa hợp dân tộc của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. K4 đã giành được điểm cao B2 và bảo vệ vững chắc địa bàn. Đây là đơn vị duy nhất trong quân khu Trị Thiên thực hiện xuất sắc nhiệm vụ này.

Tháng 4/1974, K4 được giao đánh phối hợp với chủ lực quân khu trong chiến dịch Nam Bắc đường 14, giành được điểm cao 300, điểm cao 273 và giữ liên tục 60 ngày đêm cho tới khi được lệnh rút lui an toàn.

Trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, sau khi đánh và giải phóng hoàn toàn huyện Phú Vang, 10h ngày 25/3/1975, đơn vị tập kết ở ngã ba Sam, cùng các đơn vị tiến vào giải phóng hoàn toàn TP Huế ngày 26/3.

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, K4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên chiến trường Trị Thiên Huế. Tiểu đoàn đã diệt hơn 14.000 tên địch (trong đó có 1.850 lính Mỹ), bắt 376 tên ngụy. Trong đó diệt và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, 18 đại đội, 3 đoàn binh địch, phá hủy 275 xe quân sự (có 176 xe tăng và xe bọc thép), 19 khẩu pháo, 3 kho xăng, đạn, bắn rơi 20 máy bay, thu 797 súng các loại… Ngày 12/9/1975, K4 vinh dự được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đến nay, cán bộ và nhân dân tại Huế, Phú Vang, Nam Đông vẫn dành cho cán bộ, chiến sỹ K4 những tình cảm đặc biệt. Ở huyện Nam Đông, hậu cứ của K4 nơi huấn luyện quân chuẩn bị giải phóng Huế tháng 3/1975 có một làng được đặt tên là “làng K4”, một đập nước mang tên “đập K4”.

Họ xứng đáng được tôn vinh

Những người lính già trong đội quân năm ấy ngậm ngùi khi nhớ lại: Trong suốt thời gian hoạt động, cả tiểu đoàn có tới 21 đợt bổ sung quân. Tính ra có tới hơn 8.000 quân tham gia chiến đấu tại đơn vị K4. Thế mà, đến nay, những cựu chiến binh tự tìm lấy nhau, tập trung lại mới chỉ dừng ở con số hơn một trăm. Các đồng đội đã từng vào sinh ra tử trong cuộc chiến khốc liệt bảo vệ Tổ quốc nay gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Nước mắt dành cho ngày hội ngộ nóng hổi chảy tràn trên những làn da nhăn nheo, đồi mồi. Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, họ mới có dịp tìm lại với nhau trong cuộc gặp mặt mong chờ. Những cái tên được gọi ra, những kỷ niệm trong từng trận chiến được nhắc lại, ngậm ngùi khi đồng đội đã hòa vào đất mẹ. Không ai có thể biết chính xác từng người nằm lại nơi nào. Tại nghĩa trang huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có khoảng 300 ngôi mộ của các chiến sỹ K4. Còn nhiều nơi khác nữa… Đồng đội còn sống cứ lo một nỗi lo nhân tình thế thái. Họ lo rằng cái tên K4 sẽ không còn được nhắc tới, họ lo những cái tên của người nằm xuống chỉ lưu lại trong lòng người thân.

Các cựu chiến binh của Trung đội trinh sát K4 ngày hội ngộ.

Quá trình chiến đấu, K4 tập hợp cán bộ, chiến sỹ của hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước, tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên. Nhưng, số lượng những người con Hà Nội gia nhập đơn vị này lại lớn hơn cả. Ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội có 9 người trong một dòng họ cùng chiến đấu ở K4 và có tới 6 người không trở về. Trong số 6 đồng chí đã hy sinh thì mới chỉ một người được gia đình và đồng đội đưa hài cốt về quê.

Hiện nay trong khuôn viên của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Huế có dựng bia Tổ quốc ghi công, trên bia ghi rõ: “Nơi đây ghi nhận hai chiến công oanh liệt Mậu Thân năm 1968, giải phóng Huế 26/3/1975. Các chiến sỹ giải phóng miền Nam chiếm kho bạc đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Trong những người lính đã ngã xuống đó có những người lính của K4.

Dẫu không tìm được mộ, không tìm được hài cốt đồng chí đồng đội, người thân, nhưng các cựu chiến binh và gia đình hết lòng mong mỏi có một nơi dành riêng tưởng niệm cho các liệt sỹ, những người anh hùng của K4 đã ngã xuống vì mảnh đất Thừa Thiên - Huế, vì nền độc lập của dân tộc. Các cựu chiến binh (CCB) K4 đã làm hồ sơ, đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế tạo điều kiện để xây dựng Nhà bia tưởng niệm K4 tại thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang. Đó là nơi 7 tù binh Mỹ bị bắt sống. Đó cũng là nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt nhưng rất anh dũng của K4 trước khi giải phóng Huế.

Nguyện vọng của các CCB được đáp ứng. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có quyết định giao gần 400 mét vuông đất tại thôn Thanh Lam Bồ, thị trấn Phú Đa cho Hội CCB tỉnh Thừa Thiên - Huế để xây dựng Nhà bia tưởng niệm K4 – K10. Một công trình lịch sử sẽ được xây dựng trên mảnh đất lịch sử, ghi lại dấu ấn cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, thể hiện sự tưởng nhớ, lòng tri ân của đồng đội năm xưa cũng như của thế hệ hôm nay đối với những cống hiến to lớn của các liệt sỹ K4 anh hùng. Mỗi CCB của K4 đã thống nhất cùng nhau đóng góp xây dựng nhà bia tưởng niệm, nhưng mức độ đóng góp chỉ có hạn. Trong khi đó, theo dự toán, tổng kinh phí xây dựng là 1,4 tỷ đồng. Các CCB K4 đã thành lập Ban vận động kinh phí xây dựng nhà bia tưởng niệm K4-K10, mong muốn nhận được tấm lòng của các cơ quan, nhà hảo tâm có tấm lòng tri ân với các liệt sỹ để xây dựng một ngôi nhà chung cho những người lính K4 đã hy sinh. Kinh phí hỗ trợ xin gửi vào tài khoản: Hội CCB Thừa Thiên - Huế, số TK 5011100078007, Ngân hàng CP Quân đội Chi nhánh Huế

Việt Hà
.
.
.