Xây cầu để... họp chợ, xây chợ để... đá cầu

Thứ Bảy, 06/05/2006, 14:44
Nạn họp chợ trên cầu ở TP Hồ Chí Minh từ lâu đã thành căn bệnh. Bị đẩy đuổi nhiều lần nhưng các hộ kinh doanh ở mặt cầu vẫn chứng nào tật nấy, không buôn bán được trên mặt cầu thì xuống chân cầu. Dẫn đến nhiều cây cầu thường xuyên bị ách tắc giao thông.

Nhiều cây cầu vừa khánh thành hôm trước, hôm sau đã có người đến bày hàng họp chợ. Thậm chí có những cây cầu xây chưa xong đã bị các thành phần hàng rong đeo bám.

Cầu Quang Trung (thuộc quận 12 và Gò Vấp) là một điển hình, cầu còn dở dang đất đá, nhựa, xi măng nhưng cứ đến chiều là đủ loại mặt hàng được đưa lên cầu buôn bán. Người mua, kẻ bán ồn ào, nhếch nhác, khiến cho đường qua cầu đã khó nay càng khó thêm. Nạn họp chợ trên cầu ở TP Hồ Chí Minh từ lâu đã thành căn bệnh. Nhiều cây cầu thường xuyên bị ách tắc giao thông cũng do nạn họp chợ mà ra. Bị đẩy đuổi nhiều lần nhưng các hộ kinh doanh ở mặt cầu vẫn chứng nào tật nấy. Không buôn bán được trên mặt cầu thì quanh xuống chân cầu và rồi từ đây tạo ra những chợ "nhiều rễ khó nhổ" như khu cầu Ông Lãnh (quận 1), cầu Tân Thuận (quận 7), cầu Kênh Tẻ (quận 4), cầu Phú Xuân (huyện Nhà Bè)…

Bức xúc nhất là khu cầu Ông Lãnh. Lưu lượng giao thông ở đây rất lớn nhưng từ sáng tới chiều các hộ bán hàng rau, củ, quả cứ liên tục đeo bám chân cầu khiến cho giao thông nơi đây luôn bị đặt trong tình trạng thiếu an toàn. Công an phường Cầu Ông Lãnh quận 1 đã cắt cử riêng một tổ kết hợp với dân phòng của phường làm công tác giữ gìn trật tự nơi đây nhưng vẫn chưa ổn. Tổ kiểm tra tới thì họ chạy vào trong hẻm, trong nhà. Tổ kiểm tra đi rồi thì "đâu lại vào đấy". Cầu trong khu trung tâm cũng chẳng khá hơn là bao: Cầu Thị Nghè là nơi bán hàng của các hộ kinh doanh hoa tươi; cầu Kiệu là điểm tập kết buôn bán chó cảnh, vật liệu xây dựng; cầu Đinh Tiên Hoàng là nơi bán trái cây. Không những họp chợ mà nhiều cây cầu ban đêm còn là nơi họp "chợ tình" của gái bán "hoa"…

Trong khi các cây cầu bị sử dụng sai mục đích thì các chợ lại liên tục bị bỏ hoang. Hiện thành phố có 39 chợ không phát huy được tác dụng. Cụ thể như khu chợ Tân Quy (gần cầu Ông Lãnh phía quận 7), tiền giải tỏa và tiền xây lên đến hàng tỷ đồng nhưng cũng chẳng mấy người vào đăng ký kinh doanh. Chiều chiều trẻ con vào đây đá cầu, đá bóng, đánh cầu lông. Trong khi đó, cầu Ông Lãnh lúc nào cũng tấp nập cảnh buôn bán tôm, cua, ghẹ, ốc…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghịch lý kể trên nhưng có 2 nguyên nhân chính: Một là chợ nằm ở vị trí không thuận lợi. Hai là thói quen đi chợ "lề đường" của một bộ phận dân cư vẫn còn tồn tại. Vì thế nếu không khắc phục được 2 nguyên nhân trên thì nghịch lý cầu, chợ vẫn mãi là "xây cầu để họp chợ, xây chợ để... đá cầu"

Ngọc Hân
.
.
.