Xâm nhập "công trường" khai thác vàng Tương Dương

Thứ Ba, 08/03/2011, 11:21
Vấn nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép ở huyện Tương Dương (Nghệ An) đã xảy ra từ hàng chục năm qua, rộ lên sau sự kiện một người dân đi rừng "nhặt" được cục vàng nặng 2,1kg. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhưng tình trạng xẻ núi, ngăn sông để tìm vàng vẫn rất nóng bỏng.

Đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán đến nay, người dân khắp nơi và dân bản địa đổ xô đi tìm vận may đã khiến Tương Dương trở thành một đại “công trường” khai thác vàng.

Đổ xô tìm vận may sau Tết

Từ cuối năm 2010 trở lại nay, vấn nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép ở Tương Dương chủ yếu diễn ra dọc hai bên bờ sông Chà Hạ và ngọn núi Pu Pen, nơi giáp ranh giữa 3 xã Yên Hòa, Yên Na và Yên Tĩnh. Sở dĩ khu vực này thu hút các phu vàng là bởi, ngoài việc nơi đây tập trung khá nhiều vàng sa khoáng thì để đến được phải men theo khe Pu, phải lội bộ gần 3 tiếng đồng hồ, với quãng thời gian như thế sẽ khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc đẩy đuổi.

Tại các địa điểm nói trên, ấn tượng đầu tiên khi xâm nhập bãi vàng là cảnh hàng trăm người cùng các dụng cụ thô sơ lẫn phương tiện máy móc ngụp lặn giữa các lòng sông, vách núi tìm vàng. Cùng với đó là sông suối bị cày xới nham nhở, với hàng chục hang hầm đào khoét. Giữa dòng Chà Hạ, có những đoạn sông bị những phu vàng dùng "vòi rồng" sục xuống hút đất đá để tìm vàng, để lại những hố sâu cả chục mét, vô hình trung tạo thành cái bẫy chết người cho những ai mon men đến khu vực này.

Máy móc hoạt động hết công suất để đãi vàng sa khoáng.

Để khai thác vàng, người dân bản địa gặp vùng đất vô chủ nghi có vàng là hì hục đào bới, đến độ sâu cỡ vài mét, gặp vỉa đá trắng thì dùng khoan để lấy đá rồi đưa ra máng đãi để lấy vàng. Còn với các công ty, tổ chức chuyên nghiệp hơn thì dùng máy Đông Phong lắp "vòi rồng" hút vào lòng sông, hút đất đá ra máng đãi. Cứ như thế, nếu may mắn thì một ngày, cả nhóm chia nhau mỗi người cũng được 100.000 đồng, gặp hôm xui xẻo chấp nhận trắng tay. Để có tiền chung độ các mỏ vàng, nhiều hộ dân thậm chí vay mượn, cầm cố nhà cửa để mua cả máy khai thác vàng, về đào xới các khe suối, khoét núi tìm vàng trái phép.

Ông Lô Hoài Thơm, Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết, từ sau Tết, xã đã triệu tập bí thư, trưởng bản họp để chấn chỉnh việc người dân đổ xô, ồ ạt đào vàng. Tuy nhiên, để chấm dứt triệt để nạn khai thác vàng thì rất khó vì tổ chức đẩy đuổi nơi này họ lại chạy đến nơi khác.

Thứ nữa, để vào đến nơi người dân khai thác, phải cần một lực lượng đủ đông, đủ mạnh và phải đi bộ vượt núi hàng tiếng đồng hồ, và nếu có lập được biên bản thu giữ máy móc thì cũng phải để lại đó vì không vận chuyển về được. Chính vì thế nên không riêng gì Yên Na mà Yên Hòa, Yên Tĩnh và cả "đại công trường vàng" ở Tương Dương vẫn đang trong cơn ngoắc ngoải bởi phu vàng suốt mấy năm qua.

Người dân khai thác vàng bừa bãi trên dòng sông Chà Hạ.

Phát sinh nhiều tệ nạn

Có một thực tế đã diễn ra từ lâu, ấy là trong khi vấn nạn khai thác vàng vẫn chưa tìm ra được cách giải quyết thì ở Tương Dương, nhiều tệ nạn đã phát sinh.  Vì tranh giành miếng cơm manh áo, nhiều vụ thanh toán nhau đẫm máu để tranh giành lãnh địa đã diễn ra. Biết bao nhiêu gia đình vì đổ xô vào cơn lốc vàng nên đã tan nát, bao nhiêu kiếp người bị ma túy, HIV/AIDS cướp mất sự sống.

Xã Yên Hòa, từ khi bùng phát nạn khai thác vàng trái phép, hàng trăm người dân đã mắc nghiện, đến nay 11 thôn bản đều có người nghiện và đã không ít người chết vì liên quan đến ma tuý và AIDS.

Hậu họa của vấn nạn khai thác vàng bừa bãi để lại ở xã Yên Tĩnh còn đau lòng hơn. Toàn xã theo thống kê chưa đầy đủ có gần 100 con nghiện, rất nhiều trẻ em trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi ma túy, mại dâm kéo theo HIV tràn qua bản.

Một hệ lụy khác từ việc khai thác vàng bừa bãi là nước khe Pu, dòng Chà Hạ ô nhiễm trầm trọng. Mặc dù Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tương Dương đã vào tận bãi khai thác vàng tịch thu máy móc, bắt các chủ lò ký cam kết không tái phạm nhưng khi cơ quan chức năng rút lui thì đâu lại vào đấy.

Theo ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương thì trên địa bàn có 3 đơn vị là Công ty cổ phần Khoáng sản Việt Lào, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bảo Lâm và Công ty cổ phần Gold Nghệ An được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản vàng. Bên cạnh đó, hiện có 4 đơn vị khác đang nộp hồ sơ xin phép đi vào khai thác. Thời gian qua, huyện đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, đã phát hiện 41 tổ máy và nhóm người, 10 chiếc máy múc, 11 dàn sàng và hàng chục tàu cuốc đang khai thác vàng trái phép.

Huyện cũng đã giải quyết dứt điểm nạn khai thác vàng ở các điểm nhỏ lẻ, đồng thời gấp rút thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và trực tiếp kiểm tra, tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ về kinh phí phối hợp với các lực lượng vũ trang ở cơ sở tiếp tục tổ chức bảo vệ khu vực có khoáng sản vàng nhằm hạn chế tối đa việc xâm nhập, khai thác trái phép, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi địa bàn. Tuy vậy, vấn nạn vàng tặc có lẽ đã vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền huyện Tương Dương. Và với sự thả lỏng như hiện nay, không chỉ dòng Chà Hạ, núi Pu Pen bị đe dọa mà không bao lâu nữa, nhiều vùng đất của huyện Tương Dương sẽ bị phá nát bởi "công trường vàng"

Nguyễn Thiên Thảo
.
.
.