Xác minh tài sản của các VIP PMU18 tại các địa phương

Thứ Tư, 05/04/2006, 07:32

Tâm điểm của cuộc xác minh là khối tài sản (được tố cáo là rất nhiều) của các ông Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng, Ngô Kim Quý, Vũ Anh Tuấn... Các điểm được xác minh gồm Hoa Lư, Ninh Bình (quê ông Tiến, đoạn gần QL10), Phú Thọ (khu vực dọc QL2), Bắc Ninh (dự án QL18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh), Chí Linh, Hải Dương (QL18 đoạn Hải Dương - Quảng Ninh)…

Sáng 3/4, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C14 - Bộ Công an) đã trực tiếp báo cáo lãnh đạo Bộ Công an về kết quả điều tra vụ tiêu cực tại PMU18, những sai phạm của ông Nguyễn Việt Tiến và các vấn đề liên quan đến hành vi "chạy án" cho Bùi Tiến Dũng. Theo một nguồn tin, tiến độ xử lý vụ việc này đang được gấp rút đẩy nhanh và CQĐT sẽ sớm quyết định.

Cũng trong ngày 3/4, CQĐT tiếp tục cử cán bộ điều tra đến các địa phương mà PMU18, Bùi Tiến Dũng và các quan chức lãnh đạo ở đây từng chỉ đạo thi công các công trình giao thông để xác minh sai phạm trong chuyên môn cũng như khối tài sản "chìm", "nổi" của những nhân vật này.

Theo các điều tra viên cho biết, ông Ngô Kim Quý, nguyên Phó Tổng Giám đốc PMU18 hiện đang có một biệt thự lớn trị giá nhiều tỷ đồng ở trong khu trang trại rộng 2,8ha ở xã Văn An giáp ranh với xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh (Hải Dương).

Khu biệt thự này có diện tích hàng trăm m2, cao 2 tầng, được thiết kế theo kiểu biệt thự Pháp ở Đà Lạt. Trong khuôn viên toàn cây ăn quả như vải thiều, nhãn. Khu biệt thự được nổi bật trên một triền đồi thoai thoải, cách đường nhựa vào không xa, có con đường lát đá hộc kè cẩn thận khoảng 300m chạy bao quanh. Bên ngoài tòa biệt thự này, chủ nhân đã cẩn thận mua rất nhiều các loại cây cảnh nhiệt đới để trồng, trong đó có những loại cây đắt tiền đưa từ nước ngoài về, bao bằng một hệ thống cỏ của Nhật Bản.

Tầng hầm của biệt thự có cả ga-ra ôtô đậu được mấy chiếc xe, bên trên, ngoài hàng chục phòng nghỉ còn có cả 1 bể bơi rộng khoảng 100m2 như của các khách sạn lớn tại Hà Nội. Phía sau biệt thự, ông Quý cho xây một bể chứa nước lớn dùng để lọc nguồn nước lấy từ suối về cung cấp cho bể bơi và việc tưới các loại cây chung quanh vườn.

Theo một nguồn tin, sau khi xây dựng xong ngôi biệt thự này, vì gia đình ông Quý chưa sử dụng đến nên đã có người nước ngoài đến xin thuê, trả 3.000USD/tháng nhưng ông Quý không đồng ý.

Cách trang trại và khu biệt thự của ông Quý không xa lắm là trang trại của ông Phạm Tiến Dũng, rộng 7ha và trang trại nghi của ông Nguyễn Việt Tiến (nhưng được đứng tên con rể là Nguyễn Nhật Anh) rộng 7,26ha. Khi các điều tra viên đến xác minh tại đơn vị quản lý rừng ở đây thì họ cho biết, việc cho khoanh nuôi rừng này được làm theo ý kiến của địa phương, họ tin tưởng vào các văn bản xác nhận có đóng dấu đỏ của chính quyền?!

Theo quy định, chỉ những người có hộ khẩu thường trú tại địa phương mới được nhận rừng để "khoanh nuôi", chăm sóc. Trong khi đó thì ông Ngô Kim Quý, Nguyễn Nhật Anh, Phạm Tiến Dũng và các quan chức PMU18 khác đều không ai có hộ khẩu ở Chí Linh, Hải Dương. Vậy thì ai đã đứng ra xác nhận "là người điạ phương" cho những người này "xẻ thịt" rừng? Còn nữa, việc xây dựng biệt thự trên diện tích rừng khoanh nuôi, biến nơi đây thành nơi nghỉ dưỡng là trái quy định pháp luật thì ai là người đã cấp phép?

CQĐT đã tiến hành làm việc với một số địa phương chủ quản để làm rõ điều này nhưng một số cán bộ liên quan vẫn chưa có thái độ hợp tác tốt, cố tình vòng vo, lẩn tránh trách nhiệm khi những sai phạm đã sờ sờ. Thậm chí, có địa phương còn "đổ thừa" rằng, vì tin tưởng vào ông Lê Tiến Thông (Giám đốc Công ty TNHH Thái Bình, người được coi là "môi giới đổi đất lấy công trình, tiền bạc giữa PMU18 với địa phương).

Ngày 3/4, điều tra viên Phạm Bá Trạc tiếp tục làm việc với ông Lê Tiến Thông về các vấn đề nói trên và ông Thông đã thừa nhận trách nhiệm trong việc giúp đỡ các quan chức PMU18 làm các thủ tục để có được trang trại ở Chí Linh (Hải Dương). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu chỉ với một mình ông Thông, công việc này khó mà hoàn thành được.

Theo một cán bộ điều tra thì hiện tại dấu hiệu gian lận và làm giả các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan đã khá rõ, trách nhiệm chắc chắn không chỉ thuộc về mỗi ông Thông. Đằng sau "chân chạy" này, tất có bóng dáng của những cán bộ địa phương khác và đó chính là điều mà CQĐT đang tập trung xác minh, làm rõ.

Hiện nay, CQĐT đang điều tra về sai phạm của các cơ quan cấp ủy chính quyền địa phương trong việc hợp thức hóa hồ sơ giấy tờ, cấp đất, cấp phép xây biệt thự… trái thẩm quyền cho các quan chức PMU18.

Tại Hoa Lư, Ninh Bình, một số vấn đề đang được làm rõ như chuyện "xà xẻo" tiền đền bù GPMB của người dân trong các dự án, chuyện lập hồ sơ khống để thanh toán sai gây nhiều bất bình trong quần chúng có liên quan đến những công trình của Bùi Tiến Dũng ngay quê hương ông Tiến.

Cũng liên quan đến sai phạm của các quan chức PMU18 tại các địa phương, có nguồn tin cho biết, có nơi đã đề nghị được đưa vụ việc giao cho địa phương tự giải quyết. Tuy nhiên, Ban chuyên án của Bộ Công an đã từ chối đề nghị này và cho biết sẽ tập trung lực lượng để bóc gỡ, làm rõ triệt để từng mảng

Nguyên Chi
.
.
.