Xã hội hóa bến xe khách, vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?

Chủ Nhật, 10/08/2014, 15:42
Thực tế tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, có hàng trăm đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng đang tồn tại, hiện tượng bến xe tự phát, bến xe chui, chở khách lụi, giả dạng hợp đồng, xe dù vẫn ngang nhiên lộng hành rất phổ biến gây nên tình hình trật tự an toàn giao thông rối loạn, nhưng đến nay TP vẫn chưa hề có một bến xe ôtô khách do tư nhân đầu tư.

Nhiều năm qua, Nhà nước và Bộ GTVT đã quan tâm phát triển đầu tư xây dựng mạng lưới bến xe ôtô khách với chất lượng dịch vụ ngày một nâng cao. Các bến xe trung tâm đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại đã mọc lên tại nhiều đô thị lớn như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, Lâm Đồng, TP Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai… Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGT Quốc gia cho biết, hiện cả nước có 457 bến xe (BX) ôtô khách, trong đó có 322 BX loại 4 trở lên đảm bảo phục vụ hành khách liên tỉnh theo quy định của Bộ GTVT. Bình quân mỗi tỉnh, thành phố có 7 BX, trong đó trên 70% số BX từ loại 4 trở lên. Tại 63 tỉnh thành phố, đã có 213/457 BX đã được xã hội hóa (hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005). Ưu điểm của bến xe xã hội hóa (BXXHH) là điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, doanh nghiệp (DN) chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong việc điều hành và tổ chức quản lý hoạt động của bến xe. Hầu hết 213 BXXHH được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ vận tải hành khách nhưng chưa khai thác, sử dụng hết năng lực.

Bến xe dù Miền Đông bị cưỡng chế.

Tại TP Hồ Chí Minh, bên cạnh các bến xe khách liên tỉnh như BX Miền Đông, BX Miền Tây, BX quận 8, BX An Sương… hành khách còn biết đến một dạng bến xe tự phát, “ăn theo” do tư nhân lập ra để tranh giành khách với các BX lớn. Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc BX Miền Đông từng kêu rằng: “Từ khi các bến xe “lụi”, bến “cóc” nở rộ thì mỗi ngày tại TP có hàng trăm chuyến xe “dù” vận chuyển khoảng 10.000 hành khách khiến cho lượng khách trong BX Miền Đông trung bình mỗi năm giảm từ 7 đến 10%. Hiện mỗi ngày, BX Miền Đông chỉ còn khoảng 800- 900 chuyến xe xuất bến, giảm 1/3 so với cách đây 3 năm. Từ năm 2010- 2013 xe chạy tuyến Bắc giảm 4.457 đầu xe và hơn 177.000 khách; Xe chạy tuyến miền Trung giảm 4.325 đầu xe và 88.500 hành khách… Trong số này, có một lượng lớn xe bỏ bến ra ngoài hoạt động tại các bến xe “chui”.

Vì sao tư nhân chưa mặn mà đầu tư bến xe ôtô khách? Theo chủ trương của TP Hồ Chí Minh, chủ đầu tư xây dựng BX có thể trực tiếp hoặc gián tiếp khai thác bến xe, nhà nước vẫn giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối đối với các bến xe quan trọng; BX được phép xây dựng với diện tích tối thiểu từ 500-15.000m2, lượng khách tối thiểu từ 2.000 - 5.000 lượt người/ngày và phải gần với đường giao thông công cộng, không được cách xa đường giao thông công cộng quá 200m và phải có đường nối… Tháng 4/2013, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, trong đó có xác định BX An Sương là một trong 11 đầu mối vận tải hành khách công cộng chính, là bến trung chuyển xe bus (hơn 70% tổng số xe lưu đậu) tại cửa ngõ Tây - Bắc TP và trong tương lai gần sẽ là bến cuối của tuyến tàu điện ngầm số 2 TP Hồ Chí Minh và tuyến bus nhanh số 3 (BX An Sương - BX Miền Tây). Tháng 4/2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản đồng ý với kiến nghị của TP Hồ Chí Minh về việc điều chỉnh quy hoạch mở rộng BX An Sương từ 1,6ha lên 4,8ha để phù hợp với quy hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt. TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch dời BX Miền Tây về khu E Phú Mỹ Hưng, 1 trong 5 khu đất của Khu đô thị mới Nam Sài Gòn thay vì xây mới tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) và BX Miền Đông ra khu vực Suối Tiên. Để đáp ứng yêu cầu mở một BX của tư nhân về diện tích, quy định hiện hành là không thể, không riêng TP mà ngay cả các quận huyện cũng rất khó. Theo tính toán, nếu DN tư nhân đầu tư vào BX, với mức đóng 10% doanh thu của một đầu xe, tương đương từ 3.500 đồng - 5.000 đồng/ghế (như mức thu hiện tại của BX Miền Đông) thì trong trường hợp BX đạt 70% công suất cũng phải mất ít nhất 10 năm, thậm chí 15 năm DN mới có thể hoàn vốn.

Bộ GTVT cũng sẽ nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của BX ôtô khách, tạo thuận lợi cho việc khai thác các bến xe, nâng cao hiệu quả đầu tư theo mô hình xã hội hóa. Cùng với đó là việc quản lý trật tự an ninh trong BX đối với các DN khai thác cũng là một mối quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay Nhà nước đang kêu gọi chủ trương xã hội hoá BX

Hoàng Châu
.
.
.