Vượt trội trong kỳ thi PISA là cách khơi dậy trí tuệ Việt

Thứ Sáu, 06/12/2013, 15:54
Như CAND đã đưa tin về sự kiện, Việt Nam lọt vào tốp 20 nước có điểm chuẩn cao nhất khi tham gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế 2012 (PISA), trong đó ở nhiều phần thi, học sinh Việt Nam vượt xa các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, Úc. Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là tin vui đối với giáo dục nước nhà, cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của thầy và trò trong cả nước khi đến với một thang đo tương đối khắt khe và có uy tín về chất lượng giáo dục – thang đo “PISA”.

Trao đổi với báo giới về “thành tích bất ngờ” của các em học sinh Việt Nam đến từ 162 trường ở 59 tỉnh, thành phố, bà Lê Mỹ Hà, Giám đốc văn phòng PISA Việt Nam cho biết:

Việt Nam phải tuân thủ toàn bộ quy trình kỹ thuật của chương trình nghiêm ngặt của Hiệp hội các nước phát triển (OECD). Đây là chương trình có uy tín nhất đánh giá học sinh trên thế giới. Ví dụ chọn mẫu. Tất cả các nước phải xây dựng dữ liệu mẫu nộp cho OECD. Kỳ thi PISA này khác với kỳ thi Olympic quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi. Mẫu chọn là dân số ở tuổi 15. Các em học ở bất kỳ loại hình trường nào như chính quy, không chính quy, trường nghề, giáo dục thường xuyên, bổ túc ở tất cả vùng miền… thuộc vào hệ thống giáo dục quốc dân đều có thể được xây dựng mẫu và lọt vào mẫu chọn PISA.

Bà Lê Mỹ Hà.

Năm 2012, Việt Nam khảo sát chính thức trên mẫu với 5.670 học sinh ở162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố. Sau đó, Việt Nam gửi mẫu cho OECD lựa chọn và họ xây dựng hệ thống phân tầng. Vì vậy, những học sinh tham gia PISA, OECD sẽ xây dựng bìa đề thi được niêm yết tên tuổi, năm sinh của thí sinh. Nếu em nào không tham gia kỳ thi thì bìa đề thi đó giữ nguyên lại và mang về văn phòng PISA lưu giữ. 

PV: Đề thi của PISA được thiết kế ra sao thưa bà? PISA có cách giám sát học sinh làm bài như thế nào để kết quả trung thực, khách quan?

Các trường phổ thông cần tạo kỹ năng đọc hiểu, làm bài trắc nghiệm, giúp học sinh rèn phản xạ nhanh trước những bài thi tầm vóc quốc tế.

Bà Lê Mỹ Hà: Đề thi do OECD cung cấp và họ tập huấn cho Việt Nam về kỹ thuật lắp ghép các bài thi và các cụm đề thi để ra các bộ đề thi. Khi tham gia chu kỳ PISA 2012, Việt Nam có 13 bộ đề thi khác nhau về nội dung. Mỗi trường sẽ có 35 học sinh được chọn. Mỗi phòng thi chỉ lặp lại 2 đến 3 em có đề thi giống nhau nên không có chuyện học sinh trao đổi bài với nhau vì đề thi của mỗi học sinh đều khác nhau. Đề thi thiết kế theo ma trận, ví dụ có mức độ kiểm tra kiến thức phức hợp và có mức độ sử dụng toàn bộ kiến thức. Khi chúng ta nộp mẫu bài thi cho OECD, họ sẽ kiểm tra ngược là yêu cầu văn phòng PISA Việt Nam ngay lập tức gửi bài thi của thí sinh (phần mềm và phần cứng) theo danh sách ngẫu nhiên mà họ đưa ra. Số lượng bài thi và câu hỏi toán học: 56 bài thi, 110 câu hỏi thi; khoa học: 18 bài thi, 53 câu hỏi; đọc hiểu: 13 bài thi, 43 câu hỏi. Nếu OECD phát hiện 2 học sinh ngồi cùng trường có bài trả lời giống nhau thì kết quả chúng ta không được tin cậy. Tuy nhiên, những bài học sinh Việt Nam trả lời đều có cách trả lời khác nhau và họ công nhận kết quả của Việt Nam hiện nay. Đây là kết quả khách quan và đáng tin cậy.

PV: Vậy quy trình chấm bài thi PISA tại Việt Nam như thế nào?

Bà Lê Mỹ Hà: Chúng tôi tuân thủ theo quy định của OECD vì những đề thi đều được bảo mật. Những người tiếp xúc với đề thi VISA phải viết cam kết bảo mật không được sử dụng câu hỏi này với bất kỳ mục đích nào khác. Nếu như họ phát hiện ra quốc gia nào để lộ câu hỏi, không trung thực thì quốc gia đó bị hủy kết quả.

Chưa bao giờ giáo viên Việt Nam lại trải qua kỳ chấm nghiêm ngặt như vậy. PISA quy định về chấm bội và chấm đơn. 4 giáo viên chấm 1 bài, 1 câu học sinh và thêm 1 giáo viên chấm câu đơn. Như vậy mỗi 1 bài thi có 5 người chấm và nhập phiếu chấm song song vào phần mềm của OECD. OECD đã chất vấn Việt Nam trong vòng 2 tháng vì họ thấy kết quả khá bất ngờ vì theo quan niệm của OECD những nước có kinh tế thấp, kết quả thi sẽ ảnh hưởng rất nhiều, thường là kết quả không cao. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Kết quả của Việt Nam đã được công nhận vì trung thực và chính xác. Chi phí tham gia Việt Nam phải đóng là 160.000 euro cho mỗi chu kỳ tham gia để chi trả cho toàn bộ kĩ thuật mà OECD cung cấp. Theo thông tin chúng tôi được biết, ở Canada mỗi chu kỳ VISA chi phí mất 8 triệu USD.

PV: Thưa bà, trong đợt tham gia PISA lần này, học sinh Việt Nam còn điểm yếu gì cần khắc phục để chúng ta tự tin hơn khi bước vào chu kỳ PISA 2015 sắp tới?

Bà Lê Mỹ Hà: Lĩnh vực đọc hiểu có lẽ là điều các em còn hạn chế nhất. Đọc hiểu của PISA là đọc và trả lời các loại văn bản, nhiều loại hình văn bản nhật dụng như văn bản hành chính, văn bản toán học, văn bản khoa học, thậm chí vẽ hình thay vì viết câu trả lời... Văn bản mới lạ, nhiều tình huống xa lạ không giống như ở trường GV thường ra đề. Khi không hiểu rõ câu hỏi, không hiểu rõ văn bản, thời gian trả lời câu hỏi ngắn, HS đã không làm chủ tốc độ làm bài và bỏ lại 1 số câu hỏi. Có 1 số câu hỏi Đọc hiểu HS mình làm không được tốt lắm. Ví dụ: Câu hỏi yêu cầu học sinh vẽ hành trình đi đến điểm Cực Nam của ông Musel, thì HS cứ viết câu trả lời, do chưa được làm quen với yêu cầu cần thực hiện dạng này. Câu hỏi này không khó, hầu hết HS các nước OECD làm được nhưng HSVN lại không làm được.  Một số câu hỏi dạng biểu đồ, biểu bảng, HS VN không hiểu hết ý nghĩa hoặc không thạo việc đọc các biểu đồ, biểu bảng. Có 2 câu hỏi do dịch nghĩa chưa sát nên gây sự khó hiểu hoặc hiểu lầm của HS trong khi cần phải hiểu được ý nghĩa cả câu chuyện mới viết được câu trả lời.

PV: Vậy ngay từ bây giờ chúng ta sẽ làm gì để PISA trở thành một sân chơi trí tuệ quen thuộc với học sinh cả nước?

Bà Lê Mỹ Hà: Bộ GD & ĐT sẽ chỉ đạo các Sở GD và ĐT tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo PISA, cho HS làm quen với các dạng câu hỏi thi PISA, dạy học sinh kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm (vì học sinh một số nơi chưa biết đến các dạng câu hỏi thi trắc nghiệm). Đây là điểm mấu chốt giúp học sinh tự tin hơn khi làm bài thi PISA. Và điều này có tác động tích cực đến nhà trường, không phải là để đối phó với kỳ thi PISA mà tự giáo viên có khát khao đổi mới kiểm tra đánh giá theo PISA để dạy và học tốt hơn. Do vậy, việc giới thiệu PISA cho học sinh toàn trường là nhu cầu của các trường, toàn bộ học sinh của trường được nghe giới thiệu về PISA, các trường không tập trung giới thiệu riêng cho học sinh được rơi vào mẫu. Thực tế, khi các em biết mình được chọn tham gia PISA, thời gian đến ngày thi chỉ còn rất ngắn.

Khuyến khích học sinh tham gia kỳ thi khảo sát chính thức bằng cách đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trí tuệ Việt Nam vì các em là những học sinh đầu tiên tham gia PISA của Việt Nam và đại diện cho học sinh Việt Nam tham gia PISA, kết quả kỳ thi này sẽ xếp hạng giáo dục Việt Nam trên thế giới, nên các em cần cố gắng hết sức để làm bài cho tốt. Ngoài ra, có trường còn phát phần thưởng, giấy khen cho học sinh. Trường nào được chọn tham gia PISA đều thấy trách nhiệm và tự hào, nên học sinh trường đó cũng rất có trách nhiệm và tự hào.

PV: Xin cảm ơn bà về những chia sẻ thú vị này!

Thu Phương
.
.
.