Vượt tuyến - “liều thuốc” giảm tải cho các bến xe liên tỉnh

Thứ Tư, 19/12/2007, 09:40
Xe vượt tuyến mới xuất hiện khoảng 3 năm gần đây ở Hà Nội. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng phòng Vận tải công nghiệp, Sở GTCC Hà Nội, đây là một việc làm tất yếu. Việc cho một số xe chạy tuyến phía Nam lên đón, trả khách ở bến xe phía Tây hay phía Bắc đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải và hành khách.

Trước lượng khách, lượt phương tiện ngày càng tăng, bố trí xe vượt tuyến là một trong những giải pháp giải toả quá tải ở một số bến xe. Hiệu quả của việc làm này đến đâu và có bất cập gì trong điều kiện giao thông nội thành luôn trong tình trạng ùn tắc như hiện nay?

Sôi động thị trường vận tải khách liên tỉnh

Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh ở Hà Nội thu hút 64 doanh nghiệp và chi nhánh của các công ty tham gia. 369 luồng tuyến vận tải hành khách cố định từ Hà Nội đi đến các tỉnh, thành và ngược lại. Để công tác phục vụ được diễn ra trơn tru, đúng luồng, tuyến, các đơn vị vận tải đã đầu tư, trang bị 1.128 xe.

Chỉ trong 3 năm gần đây, thành phố đã xây dựng và đưa vào vận hành mới 3 bến xe. Đó là bến xe Lương Yên, Mỹ Đình, Nước Ngầm. Qua đó, giảm tải lượng xe, hành khách tại các bến xe cũ vốn dĩ đã trở nên quá tải như Giáp Bát, Gia Lâm.

Hiệu quả của việc này đã rõ song những bất cập tại các bến xe mới này không phải không có. Bến xe Mỹ Đình được xây dựng tại khu vực có kiến trúc đô thị hiện đại của thành phố. Ai cũng tin đây là bến xe thể hiện rõ nhất sự hiện đại, văn minh khi nó được xây dựng trong khuôn viên rộng, quy mô.

Tuy nhiên, sau khi vận hành nó không còn như trông đợi của nhiều người bởi một số hạng mục được xây dựng kém chất lượng sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp.

Điển hình là nhà vệ sinh công cộng đã không làm được bổn phận... giữ vệ sinh. Nước bẩn ngấm qua tường, nước bẩn chảy lênh láng.

Với lưu lượng 200 chuyến xe/ngày hiện nay, bến xe Mỹ Đình đã và đang phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại của một số người dân đi tuyến phía Tây. Tuy nhiên, nếu không có sự chấn chỉnh kịp thời trong tương lai gần, bến xe có hệ thống cơ sở vật chất khá đồng bộ này sẽ rơi vào tình trạng xuống cấp nhanh giống các bến xe cũ khác trong thành phố. 

Theo kế hoạch trong năm 2008, sẽ có 1.850.000 lượt xe với khoảng 26.700.000 lượt hành khách xuất phát từ Hà Nội đi các tỉnh, thành trong cả nước và ngược lại. Con số này dự báo cho biết lĩnh vực vận tải hành khách liên tỉnh của thành phố tăng trưởng tốt.

Đồng thời cũng nêu ra bài toán về sự cần thiết của việc phát triển cơ sở hạ tầng. Có như vậy mới tạo ra sự phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ.

Vấn đề này đang cần sự quan tâm đặc biệt của UBND thành phố, Sở GTCC và bản thân các doanh nghiệp vận tải hành khách.

Vượt tuyến là tất yếu

Xe vượt tuyến mới xuất hiện khoảng 3 năm gần đây ở Hà Nội. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng phòng Vận tải công nghiệp, Sở GTCC Hà Nội, đây là một việc làm tất yếu. Việc cho một số xe chạy tuyến phía Nam lên đón, trả khách ở bến xe phía Tây hay phía Bắc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải và hành khách.

Ông nêu ví dụ nếu trước đây, sinh viên các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An... học ở một số trường ở quận Cầu Giấy mỗi khi về quê phải ra bến xe phía Nam thì nay chỉ cần ra bến xe Mỹ Đình. Chiều đi và chiều về đều tiện lợi cho hành khách, tiết kiệm chi phí đi lại... Chính vì vậy, việc xe chạy tuyến Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nghệ An... không nhất thiết chỉ bố trí ở bến xe nằm ở 4 cửa ngõ vào thành phố. Việc làm này giúp giảm chi phí cho hành khách, giảm phương tiện cá nhân lưu thông trên đường.

Theo ông Linh, việc bố trí xe vượt tuyến còn góp phần làm giảm nạn bến cóc, xe dù. Trước đây, một số nhà xe nắm bắt nhu cầu đi lại của một bộ phận hành khách đã lập ra các bến cóc trong nội thành. Việc làm này đã gây ra tình trạng lộn xộn, làm ảnh hưởng đến TTATGT, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Bố trí xe vượt tuyến đã góp phần đáp ứng được nhu cầu của người dân nên hạn chế tình trạng này.

Nếu trước đây, xe khách chạy tuyến Hà Nội - Lạng Sơn tự phát lập bến cóc ở phố Hàng Khoai, Phùng Hưng thì nay đã hạn chế nhiều. Hành khách không cần sang bến xe Gia Lâm mà đến bến xe Lương Yên là có thể đón xe lên Lạng Sơn rất thuận tiện.

Vấn đề đặt ra là việc cho xe vượt tuyến có gây nên tình trạng gây ách tắc giao thông trong tình trạng giao thông nội đô đang là vấn đề nóng hiện nay. Mới đây, chúng tôi theo chân lực lượng CSTT của Công an Hà Nội đi làm công tác xử lý xe đón, trả khách sai quy định và gặp một số xe khách vượt tuyến vi phạm. Xe khách từ bến xe Lương Yên đi Quảng Ninh đón khách ngay trên đê Trần Nhật Duật. Xe rời bến Mỹ Đình đi Thanh Hóa thản nhiên bắt khách ở đường Phạm Hùng. Tại sao có hiện tượng nêu trên?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tượng trên khá phổ biến đối với các loại xe khách hoạt động chứ không chỉ với riêng xe vượt tuyến.

Tết Nguyên đán sắp đến, nhu cầu đi lại của người dân tăng vọt, chúng tôi mong rằng cơ quan quản lý, các doanh nghiệp vận tải cần bố trí bến bãi, luồng, tuyến hợp lý để phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng

Cao Hồng - Hồng Hạnh
.
.
.