Vượt qua “nỗi đau axít” trở thành cô giáo

Chủ Nhật, 10/12/2006, 09:29

"Tôi chưa bao giờ nghĩ là sẽ có ngày tôi lại được trở về với nghề dạy học. Tôi lại càng không nghĩ được sẽ có một người nào đó cảm thông với tôi để có thể lấy tôi làm vợ". Đó là tâm sự của một cô giáo khiếm thị.

Lê Thị Ánh Dương sinh năm 1979. 6 năm về trước chị từng là giáo viên của Trường THCS Quảng Thọ, Quảng Xương (Thanh Hóa), là nạn nhân của vụ tạt axít do một tên mất nhân tính gây nên. Dù khuôn mặt bây giờ đã là khuôn mặt khác, đôi mắt cũng là đôi mắt khác nhưng không vì thế mà chị không thể đứng lên. Đớn đau về thể xác rồi lại tiếp tục đớn đau về tinh thần, đã có nhiều lắm những ánh mắt nhìn chị rồi vội vã quay đi...

Trải qua 16 cuộc phẫu thuật, lấy da ở bụng, ở đùi để vá lên mặt, khuôn mặt Dương giờ cũng đã đỡ đi nhiều. Nhưng đôi mắt không nhìn thấy được nữa. Điều đó cũng có nghĩa chị không thể tiếp tục đứng lên bục giảng làm cô giáo dạy Anh văn. “Đó là những tháng ngày buồn của tôi, chỉ có nước mắt và nước mắt, tưởng như tôi đã hoàn toàn gục ngã. Nhưng trong tôi lúc đấy vẫn khát khao được đi dạy, dù biết điều đó thật mơ hồ”, Dương nghẹn ngào tâm sự.

Thật may mắn, niềm khát khao của chị đã thành hiện thực. Năm 2002, nhờ có sự quan tâm của các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là của Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện cho chị đi học lớp giáo viên dạy chữ nổi ngoài Trung ương Hội. Với chị đó là niềm an ủi vô cùng lớn lao nhưng cũng thật khó khăn cho chị. Chị bảo, lúc đầu sờ vào chữ nổi, nghĩ mình không thể học được. Nhưng rồi chính chị lại động viên mình, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng.

Nghề dạy học lại là nghề chị yêu thích từ nhỏ nên không thể từ bỏ dễ dàng được. Năm 2003, chị trở về lớp học khiếm thị của Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa. Hôm đầu tiên lên lớp, chị được mẹ dẫn đến như một đứa trẻ. Bước vào lớp học, chỉ là một màu đen. Cô không nhìn được mặt trò, trò không nhìn được mặt cô. Dương chỉ muốn khóc. Hình ảnh về một lớp học không khiếm thị bỗng hiện về trong Dương. Rồi để tự trấn tĩnh lại mình, chị “bật” ra được một câu duy nhất “các cháu có muốn nghe cô hát không?”. Cả lớp đồng thanh có. Và Dương đã hát. Chị vừa hát vừa chảy nước mắt.

Dạy chữ cho người bình thường đã khó, dạy chữ cho người khiếm thị càng khó hơn, học chữ, nhận chữ đều dựa hết vào đôi tay. Dương bảo, phải thật sự yêu nghề, tâm huyết với nghề thì mới có thể đến với các em được. Trong cảm nhận của Dương, cái đáng yêu của học sinh khiếm thị là sự ngây thơ mà đôi khi khiến ai đó thấy mủi lòng.

Cô giáo Dương trong giờ lên lớp.

Dương kể, có những cháu bị mù bẩm sinh, không nhận biết được màu sắc. Nhiều khi hỏi cô giáo những câu rất ngộ nghĩnh như: “Cô ơi, quyển sách này màu gì?" trong khi cô cũng không nhìn thấy. Lúc đó, chị vừa cảm thấy thương cho số phận của các cháu, vừa thương cho chính bản thân mình.

Ba năm, thời gian chưa dài nhưng cũng đã có rất nhiều kỷ niệm. Những ngày đầu tiên lên lớp, nhiều trò may mắn còn thấy lờ mờ đã “xung phong” dẫn chị đi. Nhớ nhất là kỷ niệm với cô học trò tên là Hương. Hương cũng chỉ thấy lờ mờ thôi nhưng lần đó vẫn bảo để em dẫn cô đi. Lúc bước xuống bậc thềm thì hai cô trò ngã. Lúc đó, cả cô, cả trò chỉ biết ôm nhau khóc. Rồi có những hôm đi xuống dưới lớp, cô giáo sờ vào học sinh của mình thì mới thấy em gục đầu xuống bàn ngủ từ lúc nào...

Lớp học của Dương bây giờ thực ra chỉ là một cái hội trường nhỏ. Hiện chị đang dạy lớp xóa mù cho 26 em. Cuộc sống của các em ở đây phần lớn là khó khăn, có gia đình có tới 3 người con bị mù. Cơ sở dạy và học còn thiếu thốn, đặc biệt là thiếu sách giáo khoa. Trong lớp học của chị, có em bị mù bẩm sinh, có em bị thiểu năng trí não, có em chưa một ngày đến lớp nên việc dạy của cô và việc tiếp thu bài của các em gặp nhiều trở ngại.

“Được gặp các cháu, tôi thấy cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn, đã thấy tự tin hơn, ý nghĩa hơn” - Chị nói - “Tôi mong sao các cháu được gần như những người mắt sáng, có ích cho xã hội, làm được những công việc mà lâu nay người mù chưa làm được”.

Hiện tại cuộc sống của cô giáo Dương đã thay đổi. Chị đã lập gia đình. Chồng của Dương, có lẽ trong cảm nhận không chỉ của riêng tôi mà của rất nhiều người khác nữa, đều rất cảm phục anh. Anh là Nguyễn Đình Cường, kém chị một tuổi. Cường cao to, đẹp trai và có một đôi mắt lành lặn. Đôi mắt ấy đã nhìn thấy sự thống khổ của Dương, nỗi buồn đau của Dương, nghị lực của Dương, có lẽ vì vậy mà anh đã về bên Dương, bỏ qua sự phản đối của người thân, bạn bè và những dị nghị của biết bao người.

Ngày ấy, gia đình Cường càng ngăn cản quyết liệt bao nhiêu thì tình yêu của anh dành cho Dương càng mãnh liệt bấy nhiêu. Tình yêu ấy kéo dài 2 năm. Tháng 3/2005, hai người làm lễ cưới. Một  đám cưới không nhộn nhịp, ồn ào. Tình yêu ấy, cuộc hôn nhân ấy mãi đến sau này mới được gia đình nhà chồng chấp thuận.

Tôi cho đó là một tình yêu đẹp, đáng trân trọng. Trong lúc buồn đau nhất, Dương tìm thấy một tình yêu chân thành. Ngày Dương bị tai nạn, gia đình phải bán cả nhà cửa để chữa bệnh cho chị, rồi sau đó ra ngoại thành mua đất làm nhà. Gia đình bán đất lại chính là nhà chồng chị bây giờ. Dương - Cường gặp nhau, rồi cảm thông, chia sẻ, cùng gắn kết với nhau từ dạo đó. Hiện Cường đang làm công việc giữ xe ở Trường THPT Đào Duy Từ. Và vẫn đều đặn sáng sáng đưa vợ đến cơ quan, chiều đón vợ về.

Cuộc sống bình dị mà ấm áp. Nhưng dường như hạnh phúc vẫn chưa được trọn vẹn. Giọng buồn, Dương bảo với tôi: “Bọn em cưới nhau đã gần 2 năm mà chưa có con”. Nhưng tôi tin với một tình yêu đẹp, một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, điều kỳ diệu sẽ đến với gia đình anh chị

Hoàng Việt Anh
.
.
.