Vượt khó làm giàu từ... 380 nghìn đồng

Thứ Năm, 27/03/2014, 09:50
Sinh ra từ một gia đình nghèo, đông con nên học chưa hết lớp 5, Trọng phải xếp bút nghiên để đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Năm 25 tuổi, Trọng một thân, một mình vào TP HCM tìm kế mưu sinh; khi đặt chân xuống Bến xe Miền Đông trong túi Trọng chỉ vỏn vẹn 380 nghìn đồng…Thế nhưng, sau 19 năm bươn chải, giờ đây Trọng đã trở thành một trong những thanh niên giàu nhất ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (nay là TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).

Lê Văn Trọng trú ở xóm II, thôn Phổ An, xã Nghĩa An. Năm nay anh đã bước vào tuổi 39. Những ngày cuối tháng 3 này, theo chân người dân địa phương chúng tôi đến cơ sở đan lưới của anh.

Tiếp chúng tôi, anh phấn khởi cho biết: “Cơ sở này của tui hiện có trên 40 lao động làm việc, sản phẩm làm ra cung cấp rộng khắp thị trường từ Bắc đến Nam, trong đó tập trung mạnh nhất là ở tỉnh Nha Trang, Vũng Tàu và Bình Thuận. Ngoài chi phí và trả lương cho công nhân, thú thiệt, mỗi tháng tui cũng thu được lãi ròng khoảng 40 triệu đồng”.

Không chỉ vậy. Trọng còn cho hay, tháng 11/2013, anh đóng và mua mới 2 chiếc tàu trị giá 4,8 tỷ đồng. Kể từ khi hoàn thành, 2 chiếc tàu cá của anh đi được 2 phiên biển, mỗi phiên anh lãi 200 triệu đồng/chiếc. Là công nhân tại cơ sở đan lưới của anh Trọng, chị Lê Thị Đầm, ở xã Nghĩa An tâm sự rằng, cách đây vài năm, sau một chuyến đi bạn, chồng chị bị đau cột sống, đi điều trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, tuy bệnh có thuyên giảm, nhưng không thể lao động được. Trong khi đó, 3 đứa con còn đang tuổi ăn học nên hoàn cảnh kinh tế rơi vào khó khăn cùng cực.

Anh Trọng cùng công nhân kéo máy quay dây cáp.

“Năm vừa rồi, nghe tin mấy đứa nhỏ sắp nghỉ học để phụ giúp gia đình, anh Trọng đã hỗ trợ vợ chồng tui ít tiền tiếp sức cho bọn trẻ đến trường; lại còn tiếp nhận tui vào làm, thu nhập cũng kha khá nên sinh hoạt gia đình cũng dần ổn định”, chị Đầm nói. Qua tìm hiểu, nhiều người dân địa phương cũng xác nhận, anh Trọng là người rất tốt, thấy công nhân nào khó khăn là anh giúp đỡ. Chính vậy anh được nhiều người quý mến.

Rời cơ sở đan lưới, chúng tôi đến nhà của anh Trọng cách đó khoảng 300m. Trong căn phòng khách đầy đủ tiện nghi, anh Trọng bộc bạch: Để có cơ ngơi như ngày hôm nay, tui phải vượt qua nhiều gian khổ lắm!”. Nhắc lại chuyện, khi đặt chân lên Bến xe Miền Đông, trong túi chỉ còn 380 nghìn đồng, anh Trọng dõi mắt xa xăm. “Chuyện hồi nớ tui còn nhớ như in. Đó là năm 2005, vợ tui có thai, nhưng vì kinh tế khó khăn, để có tiền nuôi vợ con, tui quyết định vào Sài Gòn tìm việc làm. Vay mượn được 5 triệu đồng, tui giao cho vợ 4 triệu để dành sinh con, còn mình cầm 1 triệu đồng lên đường…”, Trọng lắc đầu chua chát.

Rồi anh kể tiếp rằng, khi xuống Bến xe Miền Đông, anh được một người bạn nghèo ở cùng quê vào TP Hồ Chí Minh trước đó, chở đến ở tạm trong căn phòng trọ tại quận Bình Tân. Tại đây, được bạn cho mượn một chiếc xe đạp, anh bắt đầu đi bán áo quần vỉa hè. Miệt mài chịu khổ cực trong 4 năm, tích góp được ít vốn; anh “nâng cấp” kinh doanh bằng cách lấy hàng may mặc đem về bán lại cho tiểu thương ở Quảng Ngãi.

Nhờ làm ăn uy tín, anh Trọng đã thu hút được nhiều tiểu thương ở chợ Quảng Ngãi, sau đó anh chiếm lĩnh trị trường ở đây. Khi ấy nếu chỉ cần nhắc tới cái tên Trọng Ngọc thì tiểu thương ở chợ Quảng Ngãi ai cũng biết. Và, chỉ hơn 1 năm sau, anh thuê lại một cơ sở ở quận Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) để làm cơ sở may mặc. Ban đầu chỉ có 5 bàn may, rồi phát triển lên hơn 60 bàn may, với 70 công nhân…

Có được ít vốn, năm 2011, anh chuyển nhượng cơ sở may mặc, về lại xã Nghĩa An. Tại đây, nhờ sự giúp đỡ của một số người dân ở xã Tinh Khê, anh bắt đầu mở cơ sở đan lưới bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Tháng 11/2013, anh vay thêm 1,8 tỷ đồng từ Vietcombank đóng mới 2 chiếc tàu cá để đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa.

Nhận xét về Trọng, anh Đỗ Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, thán phục: “Phải nói, Trọng là một thanh niên rất có nghị lực. Việc vượt khó vươn lên của Trọng không chỉ giúp cho gia đình Trọng, mà còn giúp đỡ nhiều lao động nghèo trong xã có công việc và thu nhập ổn định, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương”

N.Thùy
.
.
.