Vươn khơi, bám biển Hoàng Sa mùa cuối năm

Chủ Nhật, 17/01/2016, 09:02
Những ngày này, có mặt tại cảng cá Kỳ Hà (Núi Thành, Quảng Nam), chúng tôi chứng kiến hàng chục tàu thuyền ngư dân địa phương đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, ngư cụ… để vươn khơi đánh bắt vụ cá cuối năm. Dự kiến, chuyến đi biển này sẽ kéo dài tới 25 tháng Chạp, ngư dân mới trở về đón Tết cổ truyền Bính Thân…


Ngư dân Huỳnh Văn Chinh (trú thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) cũng là chủ tàu cá QNa 90609TS, thổ lộ: “Năm nào cũng vậy, vào tầm thời gian này là anh em tui tranh thủ chuẩn bị ngư cụ, lương thực để ra khơi đánh bắt hải sản, với hy vọng trúng được mẻ cá lớn cuối năm để có nguồn thu nhập mua sắm, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Năm nay, giá dầu giảm nên mỗi chuyến đi biển chi phí ít tốn kém hơn nên hy vọng có lãi trong chuyến đi biển này”.

Còn chủ tàu cá QNa 90779TS - ngư dân Phạm Văn Tám, bày tỏ: “Trong chuyến đi biển này, tàu tui đã bỏ đến 100 triệu đồng để mua xăng dầu, lương thực, thực phẩm và hơn 1.000 cây đá. Tuy thời tiết năm nay, gió thổi theo hướng Tây Bắc, nên việc đi biển cũng khó khăn, nhưng bù lại có nhiều loại hải sản như tôm, cá, mực… Dự kiến, đến ngày 25 tháng Chạp, tàu tui trở về đất liền với hy vọng trúng đậm hải sản để anh em bạn thuyền có thu nhập, đón Tết sum họp bên gia đình”.

Ông Nguyễn Tin, Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang, Núi Thành, cho biết thêm: Tam Quang có tổng số 370 chiếc tàu cá lớn, nhỏ; trong đó có 110 chiếc tàu công suất lớn đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Trong năm 2015, tàu cá trên địa bàn xã đánh bắt được hơn 17 nghìn tấn hải sản. Ngay từ đầu năm 2016, hàng chục tàu cá của ngư dân ở xã đã ra khơi đánh bắt hải sản, còn một số tàu cá đang chuẩn bị sửa soạn lại dụng cụ cũng chuẩn bị vươn khơi.

Ngư dân huyện Núi Thành, Quảng Nam, đang chuẩn bị lương thực, ngư lưới cụ để vươn khơi, bám biển Hoàng Sa.

“Để sát cánh cùng ngư dân, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Tin nói.

Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, nhiều tàu cá ngư dân miền Trung bị tàu nước ngoài đâm chìm, phá ngư cụ. Tuy nhiên, không vì thế mà ngư dân bỏ biển. Ngược lại, họ càng thể hiện ý chí và quyết tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước. Riêng Hội nghề cá tỉnh Quảng Nam luôn động viên ngư dân và triển khai các lớp tuyên truyền giúp ngư dân biết được những tình huống và cách đối phó trên biển khi gặp sự cố.

“Các cơ quan chấp pháp trên biển cần liên tục tuần tra kiểm soát; tăng cường công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ ngư dân, để ngư dân vững lòng bám biển, vươn khơi…”, ông Tấn bày tỏ.

An Khang
.
.
.