Vùng kinh tế mới Trảng Rộng - Quảng Trị: Nhiều hộ bỏ về quê cũ

Thứ Ba, 25/07/2006, 09:11

Thôn Trảng Rộng, xã Hải Thái là vùng kinh tế mới miền Tây của huyện Gio Linh có trên 40 hộ gia đình đã tình nguyện thực hiện dự án di, dãn dân tái định cư trong những năm 1992 với hy vọng thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, sau gần 15 năm bám trụ, cái nghèo vẫn không suy chuyển đã làm cho không ít gia đình trở về quê cũ hoặc bỏ đi nơi khác.

Không gian tĩnh tại dọc theo con đường duy nhất dẫn đến thôn Trảng Rộng làm cho người ta có cảm giác gần gũi và đồng cảm hơn với thiên nhiên. Nhưng cuộc sống nơi này vốn dĩ bình lặng nên những cư dân sở tại ít khi nhận thấy, hoặc có nhận thấy thì đối với họ cũng không quan trọng(?!).

Cũng trên con đường ấy, hàng ngày người ta thường gặp những nhóm phụ nữ, mỗi nhóm dăm bảy người kiên nhẫn bồng con chờ đợi  bốc gỗ thuê. Phụ nữ ở Trảng Rộng cầm chừng cuộc sống của mình bằng việc làm thiết thân như thế. Những thanh niên trai tráng trong thôn cũng chẳng khá hơn là mấy, họ lặn lội vào rừng tìm kiếm phế liệu chiến tranh, mang về bán cho những người buôn đồng nát, mỗi ngày kiếm được vài chục nghìn đồng.

Cả thôn Trảng Rộng không một gia đình nào có đất đai sản xuất, mặc dù họ định cư trên một vùng gò đồi… cò bay thẳng cánh! Theo như lời giải thích của bà con, đất ở đó đều có chủ. Chủ là các cán bộ trồng rừng, cán bộ giữ đất?! Ông Lê Thanh Tứ, Chủ tịch UBND xã Hải Thái không mấy mặn mà khi hỏi về thôn Trảng Rộng. Nhưng trên thực tế ông chỉ biết duy nhất một điều, cả thôn hiện còn 29 hộ dân đều thuộc diện đói nghèo! Mà số hộ đói nghèo này thì tiến thoái lưỡng nan, bởi từ sau ngày giải phóng đến nay có không ít gia đình đã 2 lần đi kinh tế mới, bà con không thể chuyển nhà thêm lần nữa…

Trở lại quá khứ, khu kinh tế mới Trảng Rộng là dự án khu kinh tế mới Nam sông Bến Hải được Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 1992. Theo đó, huyện Gio Linh huy động nhân lực và cùng với tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm đường sá, cầu cống, trường học với kinh phí trên 1 tỉ đồng.

Ngoài ra, một số dự án khác như dự án 327, dự án OXFAM và kênh xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) cũng đã triển khai nhằm tăng cường hỗ trợ cho các hộ gia đình có điều kiện cải tạo đất sản xuất và từng bước ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, mọi nỗ lực nhằm XĐGN dường như còn nằm ở phía trước. Đã có tới 3 đợt làm việc giữa lãnh đạo 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ về vấn đề quỹ đất 400ha cho vùng kinh tế mới Trảng Rộng nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Người dân không được giao đất hợp pháp thì họ sẽ không có sổ đỏ, không vay được tiền và dĩ nhiên là không yên tâm đầu tư sản xuất, nói đúng hơn là họ không có gì để đầu tư cho sản xuất. Phải chăng, tâm lí bấp bênh đã tàn phá đi hiệu quả của nhiều dự án phối hợp đầu tư ở Trảng Rộng mà đơn cử là dự án trồng trên 100ha cao su tiểu điền với kinh phí đầu tư 5,5 triệu đồng/ha cơ bản đã bị xóa sổ.

Rồi số tiền vay theo kênh XĐGN, vay ưu đãi hỗ trợ ban đầu..., rốt cuộc người dân vẫn không tính được một kế sinh nhai khả dĩ  nào mang tính lâu dài…

Nhưng có lẽ điều làm người ta băn khoăn hơn cả là tương lai của con em ở Trảng Rộng. Gần 15 năm nay, ở đây mỗi năm chỉ tồn tại 4 lớp học, mỗi lớp có vài học sinh. Liệu trong điều kiện kinh tế khó khăn, các em - những chủ nhân tương lai của đất nước có tiếp tục kiên nhẫn được với “cái chữ” không là điều đáng phải quan tâm

Phan Thanh Bình
.
.
.