Vui chơi dịp lễ 30-4: Quá tải, đắt đỏ

Thứ Hai, 30/04/2007, 15:13
Giá cả dịch vụ ở Sầm Sơn tăng gấp đôi so với ngày thường, các khách sạn không còn phòng trống. Những khách sạn lớn đều đã được đặt phòng, người đến muộn may ra chỉ còn lại nhà trọ hoặc nhà nghỉ nhỏ.

Đúng như dự đoán, dịp nghỉ dài chưa từng có này khiến các thành phố lớn vắng vẻ còn các điểm vui chơi lại quá tải.

Bà Nà: Điệp khúc quá tải

Đợt nghỉ dài ngày, du khách đổ xô về khu du lịch Bà Nà, Đà Nẵng. Du khách muốn đến Bà Nà thường đi xe ôm từ thành phố Đà Nẵng đến Bà Nà với giá 40 ngàn/người. Sau đó phải đón xe lên khu du lịch, nhưng do lượng khách quá đông, người muốn lên khu du lịch xếp thành hàng dài có người đợi từ 7h sáng đến 11h trưa vẫn chưa đến lượt lên xe. Thậm chí những đoàn du khách đã đặt trước vé cũng phải đợi chờ mòn mỏi.

Anh Nguyễn Bình, lái xe đường lên Bà Nà cho biết: “Bình thường, đường lên Bà Nà có 6 xe, dịp nghỉ lễ ban quản lý khu du lịch đã tăng lên 10 xe”.

Khối lượng xe tăng cường tương đối ít vì “đường lên Bà Nà khúc khuỷu, dốc nhiều khúc cua tay áo nên rất khó tìm được lái xe đủ kinh nghiệm và điều kiện để lái xe an toàn. Mặt khác, ban quản lý khu du lịch không dự kiến được ngày 30 tháng 4 năm nay lượng khách đổ về Bà Nà đông hơn nhiều lần so với những năm khác”.

Có những gia đình đi du lịch thuê xe taxi từ thành phố Đà Nẵng lên Bà Nà nhưng cũng chưa được giải quyết cho đi. Cả dãy dài du khách đang xếp hàng để đợi đến lượt lên Bà Nà. Giá xe lên Bà Nà tăng từ 35 ngàn ngày thường lên 40 ngàn ngày hôm nay.

Huế: Mưa to ngày lễ

Ngày hôm qua chủ nhật thời tiết ở Huế rất đẹp, nhưng sáng nay có một trận mưa kéo dài từ 7h30 đến 9h sáng khiến những công tác lễ hội chào đón ngày 30/4 và du khách bị ảnh hưởng.

Cơn mưa sáng nay được đánh giá là cơn mưa to nhất trong suốt mùa mưa năm 2007 tại Huế. Khắp 4 phường nội thành ngập nước, đặc biệt, người dân ở đây đã chuẩn bị tâm lý mùa mưa kết thúc, khâu đề phòng mưa gió bị lơ là, một số nhà dân bị tốc mái, đường phố ngập nước, cây cối bị nghiêng, đổ.

Chưa có thống kê nào vè thiệt hại tại thành phố Huế sau cơn mưa, nhưng chắc chắn hai ngày nghỉ ở thành phố Huế sẽ bị ảnh hưởng sau cơn mưa đột ngột này.

Sầm Sơn đông nghịt người

Tuy thời tiết mấy hôm nay trở lạnh nhưng lượng khách vẫn đổ về 100 năm lễ hội Sầm Sơn đông nghịt, đường tắc nghẽn, đến 21h30 ngày 29/4 thì các xe ôtô trên đường xuống Sầm Sơn đều phải ngược hướng quay về, đường đi lên đi xuống đều tắc.

Ban tổ chức phải mở thêm một đường giữa cho xe cộ được lưu thông. Chị Hải Yến, khách du lịch ở Sầm Sơn cho biết “nhà chị các bãi biển Sầm Sơn chừng 10km nhưng phải mất 2 giờ mới về đến nhà”.

Giá cả dịch vụ ở Sầm Sơn tăng gấp đôi so với ngày thường, các khách sạn không còn phòng trống. Những khách sạn lớn đều đã được đặt phòng, người đến muộn may ra chỉ còn lại nhà trọ hoặc nhà nghỉ nhỏ.

Tuy nhiên, khâu trật tự ở Sầm Sơn tương đối tốt, khoảng 20m lại có một chú công an. Không có hiện tượng cò mồi, lôi kéo khách, tự động chụp ảnh khách du lịch đòi tiền.

Chùa Hương đắt cắt cổ

Vừa là dịp đầu năm, vừa là dịp nghỉ lễ nên lượng khách đổ về chùa Hương cũng rất đông. Các cò mồi, dịch vụ được dịp tăng giá đột biến.

Cứ hễ thấy xe ô tô nào biển ngoại tỉnh sắp dừng, thì đội quân xe ôm lập tức chạy theo xe bám theo hành khách, chỉ đường và đòi tiền. Đường đi qua phà, thuyền thì dân cò mồi móc nối không đưa vé mà lấy tiền trực tiếp từ du khách.

Nếu mua hàng ở chùa Hương không hỏi giá trước thì phải chấp nhận trả tiền với giá trên trời. Chị Hương, người Hà Nội đi nghỉ ở chùa Hương sau khi mua 1 cốc sữa chua, một cốc nestea và 1 điếu thuốc Vina phải giả 100 ngàn (50 ngàn cho sữa chua, 40 ngàn cho nước và 10 ngàn cho thuốc lá).

Ngồi nghỉ trong những quán ven đường mà không mua hàng sẽ phải trả tiền cho ghế ngồi, từ 5 đến 10 nghìn một người.

Quảng Trị rợp cờ hoa

Hôm nay Quảng Trị kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Quảng Trị, các công tác lễ hội được tổ chức hoành tráng khắp nơi trên Quảng Trị. Lễ khánh thành tháp chuông chào mừng ngày giải phóng cũng diễn ra hôm nay và lễ kỷ niệm được tổ chức ngay chân tháp chuông.

Trên quãng đường cách cầu Hiền Lương khoảng 1km cờ hoa treo rợp trời, dưới chân cột cờ ngày xưa là cột mốc phân chia ranh giới 2 miền du khách nô nức chụp ảnh. Nghĩa trang Quảng Trị nhiều đoàn xe quân đội đổ về, thành cổ cũng kín đặc du khách. Khắp các xã huyện đều tổ chức những buổi họp mặt cựu chiến binh và mít ting trọng thể chào mừng ngày lễ này.

Tam Đảo thời tiết đẹp

Du khách đến Tam Đảo dịp nghỉ này đã đặt phòng ít nhất trước 2 ngày, giá phòng đội lên từ 150 ngàn/đêm lên tới 400 ngàn/đêm. Mọi dịch vụ đều đắt đỏ, đồ ăn tăng từ 30-50%, riêng tiền gửi xe không tăng.

Lượng khách du lịch lên Tam Đảo năm nay đông hơn mọi năm, nhưng những nhà hàng, khách sạn lớn trên này đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước dịp nghỉ lễ.

Đến thời điểm này các khách sạn không còn phòng trống, chỉ có các nhà nghỉ, nhà trọ nhỏ lẻ với giá cao. Tam Đảo dịp này không có lễ hội, nhưng thời tiết rất đẹp và là một khu nghỉ ngơi lý tưởng cho du khách dịp lễ này.

TP HCM như Tết

“Thời tiết TP HCM hôm nay bỗng trở nên mát mẻ và có mưa phùn, và vắng vẻ như ngày tết” Anh Tấn Thuấn, một người TP HCM cho biết.

Đường phố Sài Gòn trở nên vắng vẻ, chỉ có những khu vui chơi giải trí, siêu thị và một số nhà hàng lớn đông khách.

Riêng khu du lịch Suối tiên kín đặc người do du khách từ các tỉnh xa đến. 

Sa Pa: “Cháy” phòng nghỉ do khách tăng đột biến

Trong các ngày 27, 28, 29, tại khu du lịch Sa Pa- Lào Cai “cháy” phòng nghỉ do lượng khách tăng đột biến, gấp 3-4 lần ngày thường, cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay.

Khách du lịch từ miền Nam, miền Trung, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có xu hướng tranh thủ những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ khá dài (5 ngày) dịp 30/4 và 1/5 năm nay, để lên Sa Pa và thăm Hà Khẩu- Trung Quốc, sau đó đi tiếp những nơi khác theo hành trình khép kín của mình.

Vì vậy, trong ba ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, Sa Pa đông nghẹt khách du lịch, dù thời tiết không được thuận lợi, có mưa nhỏ, mây mù, tầm nhìn hạn chế, trời khá rét. Đúng ngày 30/4, trời Sa Pa nắng đẹp, ấm dần lên

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó phòng Thương mại- Du lịch huyện Sa Pa cho biết, trên 2.000 giường của hơn 100 khách sạn, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn đã được khách đặt hết.

Có khoảng hơn 200 khách du lịch trong nước, do không thuê được phòng ở khách sạn, đã được Phòng Thương mại- Du lịch bố trí vào nghỉ trong nhà dân; còn khoảng gần 200 khách nước ngoài được “phân tán” theo nguyện vọng là đưa xuống nghỉ đêm tại cơ sở du lịch cộng đồng người Tày ở Bản Hồ và người Giáy ở Tả Van, bảo đảm an toàn, trật tự.

Dù lượng khách tăng đột biến, nhưng giá thuê phòng nghỉ tại Sa Pa trong những ngày qua không “đội giá” lớn, dao động trong khoảng 300- 400 nghìn đồng/phòng đôi, do phần lớn khách đã đặt chỗ từ trước, cùng với các biện pháp quản lý của Đội liên ngành huyện, gồm Công an, Quản lý xuất nhập cảnh, Thương mại- Du lịch và Thuế.

Ước tính trong dịp nghỉ 30/4 có khoảng 8.000 lượt du khách tới Sa Pa. Ông Dũng cho biết thêm, số lượng khách du lịch đến Sa Pa lẽ ra còn nhiều hơn, nhưng có rất nhiều du khách đã phải hủy bỏ ý định, do không mua được vé tàu ( vé nằm hoặc vé ngồi) từ Hà Nội lên Lào Cai

Theo Mai Hương (VietNamnet)
.
.
.