Vừa lĩnh lương lại bị “trấn”

Thứ Ba, 11/11/2008, 10:09
Một số công nhân đang làm việc tại cụm công nghiệp Thái Hoà (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết: "Mặc dù lực lượng Công an các địa phương đã có nhiều biện pháp, nỗ lực ngăn chặn, xong tại nhiều DN ở đây, có khi mới lĩnh lương, ra đường công nhân đã bị kẻ xấu đón đường trấn lột hết.".

Bình Dương hiện có trên 510.000 công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc tại doanh nghiệp trong các khu và cụm công nghiệp. Trong đó, 75% là lao động nhập cư và 65% là lao động nữ. Để kịp thời nắm bắt điều kiện làm việc, tâm tư nguyện vọng của CNLĐ, cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, ngày 3-11, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có cuộc đối thoại trực tiếp với trên 100 cán bộ Công đoàn, CNLĐ trong tỉnh. Sau đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với CNLĐ tại các huyện Bến Cát, Tân Uyên…

Nhiều CNLĐ đã phản ánh về điều kiện làm việc, đời sống và việc thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ. Những nội dung NLĐ phản ánh với lãnh đạo tỉnh đều là những vấn đề hiện đang hết sức bức xúc, cần phải được giải quyết. Vấn đề bức xúc nhất mà cán bộ Công đoàn và CNLĐ đưa ra là tình hình ANTT tại các khu nhà trọ công nhân còn hết sức phức tạp.

Một số công nhân đang làm việc tại cụm công nghiệp Thái Hoà (huyện Tân Uyên) cho biết: "Mặc dù lực lượng Công an các địa phương đã có nhiều biện pháp, nỗ lực ngăn chặn, xong tại nhiều DN ở đây, có khi mới lĩnh lương, ra đường công nhân đã bị kẻ xấu đón đường trấn lột hết. Để có tiền chi phí, NLĐ lại phải nhờ tổ chức Công đoàn cơ sở tham gia với chủ hỗ trợ để có thể tiếp tục đi làm".

Qua nhiều ý kiến, NLĐ đều đề nghị Công an các địa phương tăng cường hành động, tổ chức điều tra xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm để công nhân yên tâm làm việc.

Một bức xúc nữa của NLĐ là giá tiền thuê nhà trọ và giá điện sử dụng trong các phòng trọ rất bất hợp lý.

Chị Đào Thị Luyến, công nhân KCN Nam Tân Uyên cho biết: "Nhiều chủ nhà trọ cứ chờ đến cuối tháng để thu tiền chứ không quan tâm gì đến việc ăn ở của công nhân. Nhiều khu nhà trọ do sử dụng đã lâu, mục nát và xuống cấp nghiêm trọng. Có những phòng trọ diện tích chỉ vừa 7,5m2 - 8m2 mà có tới 4 công nhân thuê ở. Tuy phòng tồi tàn như vậy nhưng NLĐ phải trả từ 350.000 - 500.000 đồng/tháng. Không chỉ vậy, trong lúc công nhân đang quá khó khăn, chủ nhà trọ còn tính tiền điện một cách… trời ơi".

Chúng tôi được ông Lê Minh Quốc Việt - Phó Giám đốc Điện lực Bình Dương cho biết: "Công nhân phản ánh chủ nhà trọ bán lại điện cho người thuê với giá quá cao là có thật. Mới đây, Điện lực Bình Dương đã tiến hành khảo sát 51 khu nhà trọ công nhân. Do chủ nhà trọ ký hợp đồng mua điện trực tiếp với điện lực, đầu tư lắp điện kế phụ bán cho NLĐ với giá 2.000 - 2.500 đồng/KWh, thậm chí có chủ nhà trọ còn bán cao hơn gấp nhiều lần.

Trong khi đó ngành Điện Bình Dương đã ký hợp đồng bán điện cho 5.000 chủ nhà trọ với giá bình quân như sau: 98% có giá mua điện từ 550 - 600 đồng/KWh, chỉ có 2% có giá mua từ 650 - 800 đồng /KWh. Lấy tiền bán điện quá cao cho công nhân tại nhà trọ như vậy là chủ nhà trọ đã vi phạm quy định tại Thông tư số 11/2006/TT-BCN ngày 20-12 của Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công thương".

Chị Đào Thị Hương - công nhân Công ty Hanson Vina (cụm công nghiệp Tân Định, huyện Bến Cát) bức xúc: "Chủ DN chỉ quan tâm tới năng suất và lợi nhuận, thiếu quan tâm tới sức khỏe và việc tái tạo sức lao động cho công nhân. Tiêu chuẩn một suất ăn giữa ca hiện nay tại công ty là 7.000 đồng.

Chỉ tính riêng tiền công thuê nhà bếp, tiền gas… đã mất khoảng 3.000 - 4.000 đồng. Với giá thực phẩm tăng cao như hiện nay, bữa ăn giữa ca của NLĐ thật quá đạm bạc, sơ sài.

Thiếu lượng, ít chất, không đủ tái tạo sức lao động nên công nhân thường uể oải, mệt mỏi sau những giờ lao động, đặc biệt là trong những ngày có tăng ca. Tiền ăn, tiền trọ, tiền điện, tiền nước… Cái gì cũng đã tăng gây rất nhiều khó khăn cho NLĐ"…

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh hứa sẽ chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền, BQL các KCN và chủ nhà trọ… từng bước giải quyết những bức xúc của CNLĐ để họ yên tâm, gắn bó với địa phương, quyền lợi chính đáng của NLĐ được bảo đảm

Ngọc Ánh
.
.
.