Vụ tàu đánh cá QNG-8731 gặp nạn tại đảo Trường Sa: Bị... quên?

Thứ Hai, 07/08/2006, 15:16
Thấy gia đình các nạn nhân quá khó khăn, xã đã nhiều lần gửi đơn lên huyện, tỉnh nhưng không thấy hồi âm. Một vị Phó Chủ tịch huyện bảo cần phải có tòa tuyên bố 20 ngư dân này đã chết thì sự giúp đỡ mới dễ dàng, xã đã hướng dẫn bà con lên tòa án huyện, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì!

Ngày 4/3/2005, cơn lốc dữ gần khu vực quần  đảo Trường Sa đã nhấn chìm hàng chục chiếc tàu đánh cá của các ngư dân dọc duyên hải miền Trung… Trong khi nhiều tỉnh lân cận, người dân tìm được xác của các thuyền viên bị nạn, riêng huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), tàu đánh cá QNG- 8731 cùng 20 ngư dân thuộc các xã Phổ Quang, Phổ An, Phổ Thuận đến nay dù đã gần 2 năm trôi qua, thế nhưng những thông tin về các nạn nhân trên con tàu xấu số này vẫn bặt vô âm tín…

Ông Hồ Hữu Phúc, Phó ban PCLB huyện Đức Phổ kể lại với chúng tôi từng chi tiết của sự việc quá đỗi thương tâm này: Sau mấy giờ đồng hồ vật lộn với lốc xoáy, gió tan, mấy chiếc thoát nạn còn lại đã cố hết sức tìm kiếm, bắt liên lạc nhưng cũng không thể tìm thấy một tung tích gì của 20 thuyền viên trên tàu QNG-8731.

Nhiều ngày sau đó, người dân ở Đức Phổ nghe tin, nhiều nơi bà con đã tìm được xác nạn nhân, nhưng riêng các ngư dân có mặt trên con tàu 8731 thì vẫn bặt vô âm tín!… Phải hơn hai tháng sau đó, 20 chiếc bàn thờ người xấu số mới được lập…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch xã Phổ Quang cho biết: Trong 20 ngư dân bị nạn, tính riêng xã Phổ Quang đã có 11 người, tất cả các trường hợp này đều rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn. Ngoài số tiền 200 nghìn đồng hương đèn của bà con trong xã cúng viếng cho mỗi gia đình, thì đến nay họ vẫn chưa được sự giúp đỡ nào từ các cấp chính quyền.

Vì thấy gia đình các nạn nhân quá khó khăn, xã đã nhiều lần có đơn gửi lên huyện, tỉnh đề nghị giúp đỡ nhưng vẫn không thấy hồi âm. Sau nghe một vị Phó Chủ tịch huyện bảo cần phải có tòa tuyên bố 20 ngư dân trên đã chết thì sự giúp đỡ mới dễ dàng, xã đã hướng dẫn bà con lên tòa án huyện đề nghị nhưng đến nay cũng chưa thấy động tĩnh gì!

Bà Huỳnh Thị Liêm, một thân nhân người bị nạn cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, bà và các thân nhân có người bị nạn trên con tàu QNG -8731 ở xã Phổ Quang đã lên Tòa án huyện Đức Phổ 3 lần kêu cứu nhưng "chỉ được hướng dẫn... nộp 50.000 đồng tiền án phí", cùng những khoản quy định bắt buộc vượt qua khả năng của những người phụ nữ không biết chữ, quanh năm chỉ biết làm thuê, đan lưới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, hầu hết các gia đình có nạn nhân bị mất tích ở Phổ Quang đều tỏ ra bất bình với chuyện tòa yêu cầu đi tìm bằng chứng để có lời tuyên bố cho cái chết chồng, con của họ. Họ cho biết "Cuộc sống của bà con, đau thương mất mát đã quá nhiều rồi vì vậy không cần có thêm sự bận bịu, tốn kém nào nữa chỉ đơn giản để "được" chính thức làm người góa bụa". Đã bao lần mang nỗi niềm "bị bỏ quên" của mình kêu lên các cấp chính quyền, nhưng đều vô hiệu.

Mới đây ngày 3/8, bà con có đến Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Đức Phổ phản ánh hoàn cảnh các gia đình là thân nhân tàu 8731. Thế nhưng, điều thật trớ trêu là câu trả lời của Trưởng phòng Nguyễn Đức Kiệm lại quá đỗi mơ hồ và vô tâm: "Chưa có sự trợ cấp nào cho họ vì đã nhận được báo cáo rõ ràng của xã đâu!".

Tuy nhiên, theo như khẳng định của Chủ tịch UBND xã Phổ Quang thì "Có thể Phòng đã "bỏ quên" cái báo cáo ấy, chứ xã, theo những giấy tờ lưu lại, đã gửi báo cáo lên Phòng không chỉ một lần"...

Nguyễn Kiên Tùng
.
.
.