Vụ đắm tàu Sea Bee: Các thuỷ thủ đã hết hy vọng sống sót

Thứ Tư, 11/05/2005, 07:00
Từ ngày 9/5, công việc tìm kiếm 23 thuỷ thủ trên tàu Sea Bee đã tạm dừng. Trung tâm Cứu nạn Biển Đông duy trì thông báo cho các tàu qua tọa độ này với đề nghị tiếp tục lưu tâm đến số phận các thủy thủ còn lại.

Sau 8 ngày tìm kiếm tích cực, nhưng Trung tâm Cứu nạn Biển Đông Thượng Hải, Trung Quốc mới xác định được vị trí con tàu Sea Bee bị đắm tại tọa độ 32 độ 53' vĩ độ Bắc, 122 độ 75' kinh độ Đông ở độ sâu trên 30 mét. Phía bạn cho biết, hầu như không còn khả năng sống sót đối với các thuyền viên còn lại.

Sáng 10/5, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã cử 23 đoàn cán bộ đến từng gia đình thủy thủ gặp nạn để cùng gia đình tổ chức lễ truy điệu. Trường cũng hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 30 triệu đồng. Được biết, tàu Sea Bee được Bảo Việt bảo hiểm về thiệt hại vật chất của tàu với mức 2 triệu USD và bảo hiểm về tai nạn thuyền viên với mức 25.000 USD/người.

Ngày 9/5, Công ty Đông Long (thuộc Đại học Hàng hải Việt Nam) cùng Bảo Việt đã thuê một doanh nghiệp trục vớt cứu hộ Trung Quốc để bắt đầu công việc khảo sát, trục vớt con tàu.

Trước mắt, ngày 10/5, sẽ cử đội thợ lặn chuyên nghiệp tìm kiếm thi thể nạn nhân nếu có trong con tàu bị đắm. Lúc 9h sáng 10/5, thông tin từ Trung Quốc báo về, đã phát hiện thêm 1 thi thể nạn nhân. Hiện nay, phải chờ đưa được thi thể nạn nhân này vào bờ, lúc đó mới có thể xác định được danh tính cụ thể.

Hiện đang có thông tin cho rằng, Công ty Đông Long vi phạm quy định khi nhập khẩu tàu Sea Bee quá "đát" về Việt Nam. Theo nguồn tin này, tàu Sea Bee được đóng từ tháng 10/1980, nhưng vẫn được Công ty Đông Long nhập khẩu về Việt Nam vào năm 2003. Nếu đúng vậy, thì Công ty Đông Long đã vi phạm Nghị định số 91/CP về quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên, được ban hành ngày 23/8/1997. Tại Điều 6, Khoản 3 Nghị định này, quy định: Cấm nhập khẩu tàu biển trên 15 tuổi.

Về vấn đề trên, sáng 10/5, Tiến sĩ Lương Công Nhớ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam khẳng định với chúng tôi, con tàu Sea Bee không phải do Công ty Đông Long làm chủ tàu như thông tin trên một số tờ báo.

Năm 2003, Công ty Đông Long thuê con tàu này của một chủ tàu nước ngoài với thời hạn 5 năm. Con tàu này được đăng ký và mang cờ Mông Cổ. Như vậy, trên thực tế, Công ty Đông Long không "nhập khẩu con tàu Sea Bee về Việt Nam" như một số người lầm tưởng.

Hơn nữa, tàu Sea Bee đến nay dù 25 tuổi vẫn luôn chấp hành định kỳ kiểm định và vẫn được phép phân cấp vùng hoạt động không hạn chế theo quy định của luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế.

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân tàu bị đắm, Tiến sĩ Lương Công Nhớ cho biết, tại thời điểm hiện nay, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam còn phải tiếp tục nghiên cứu, chưa thể biết chính xác được. Cũng có thể do tàu gặp phải những cơn lốc xoáy lớn, bất thường trên biển Đông...

Tuy nhiên, ông loại trừ nguyên nhân do tàu Sea Bee quá "đát" cũng như trình độ chuyên môn của sĩ quan, thuyền viên trên tàu..

Phan Anh Cường
.
.
.