Vụ án "Động lắc189V Bùi Thị Xuân": Bài học không tuân thủ các quy định pháp luật

Chủ Nhật, 16/07/2006, 08:58

Vụ án đến nay vẫn chưa kết thúc, nhưng điều đã thấy rất rõ là sự quy chụp chủ quan, một cách cố ý của tất cả những người tiến hành tố tụng có liên quan (trừ HĐXX phúc thẩm), bất chấp việc đó có thể gây ra những nỗi oan khuất cho số phận những con người.

2h30' ngày 1/6/2005, Công an Hà Nội khám xét khẩn cấp quán bar ở số 189V Bùi Thị Xuân - Hà Nội, tạm giữ 198 người, xét nghiệm thấy 44 người có phản ứng dương tính với ma tuý tổng hợp, trong đó chứng minh được có 4 người sử dụng ma tuý tổng hợp tại quán. Công an thu giữ được 7,5 viên nén các màu (giám định có 6,5 viên estacy), 1 gói bột estacy, 3 gói cần sa, 557 chai rượu dán tem giả, toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng của quán...

Vụ khám xét khẩn cấp, phát hiện dân chơi dùng thuốc lắc tại bar 189V Bùi Thị Xuân ngay sau đó được dư luận biết đến như một chiến công triệt phá một "động lắc" với quy mô lớn, mặc dù cùng trong khoảng thời gian đó, nhiều quán bar, vũ trường ở TP. Hồ Chí Minh cũng bị khám xét và phát hiện những hiện tượng vi phạm tương tự, thậm chí với số lượng lớn hơn, nhưng chưa hề có nhân viên, quản lý bar, vũ trường nào bị khởi tố về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý".

Sau nhiều tháng điều tra khẩn trương, kết luận điều tra được Công an TP Hà Nội chuyển sang VKSND TP. Hà Nội và VKSND thành phố cũng sớm ra cáo trạng truy tố 6 bị cáo (Nguyễn Việt Đức, Nguyễn Thanh Ngà, Trương Minh Đức, Nguyễn Trọng Nhân Nghĩa, Đoàn Minh Hoàng, Trần Đức Minh) là quản lý, nhân viên bar 189V Bùi Thị Xuân về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý", truy tố bị cáo Đào Đức Phát về tội "Sử dụng trái phép chất ma tuý". TAND quận Hai Bà Trưng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Đào Đức Phát 12 tháng tù, 6 bị cáo còn lại lĩnh mức án từ 7-11 năm tù.

Cả 6 bị cáo là quản lý, nhân viên bar 189V đều kháng cáo kêu oan, bởi rằng họ không tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý như bị cáo buộc. Và những gì diễn ra xoay quanh vụ án này cho thấy, các bị cáo đã có lý hơn chính các cơ quan buộc tội họ.

Luật sư Phạm Hồng Hải - Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội: "Tôi có cảm giác là họ đã định hướng điều tra về tội này sẵn rồi"

Đây không phải là loại án bắt quả tang, mà là án kiểu "bắt, quét, vét", sàng lọc rồi đưa ra xét xử. Kiểu này đã rất xưa rồi. Nếu cứ xét xử vụ án như vậy sẽ tạo thành một tiền lệ xấu về sau. Việc vi phạm của bar 189V là có, nhưng xử lý ở mức độ nào thì phải căn cứ vào các chứng cứ cụ thể. Tôi có cảm giác là các cơ quan tố tụng đã định hướng điều tra về "Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý" trước, rồi cứ thế mọi lập luận bám theo. Việc HĐXX phúc thẩm chấp thuận đề nghị của tôi tuyên huỷ án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại là hợp tình, hợp lý và đúng với bản chất của vụ án.

Luật sư Vũ Ngọc Chi - Văn phòng LS Tiến Long: HĐXX phúc thẩm đã rất dũng cảm

Bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội mặc dù hoàn toàn khách quan, chính xác, đúng pháp luật, nhưng vẫn khiến tôi ngạc nhiên. Tôi cho đó là sự dũng cảm ít có. Vì sao tôi nói thế? Tôi và nhiều luật sư bậc đàn anh lâu nay cảm thấy dường như các cơ quan tiến hành tố tụng luôn bao che cho nhau. Các vụ án thường cứ theo quy trình tố tụng mà trôi tuột đi như thể các cơ quan tiến hành tố tụng là một khối thống nhất.

Công bằng mà nói thì khi quan điểm xử lý vụ án đúng pháp luật, việc các cơ quan thống nhất với nhau cũng là điều tất nhiên và tôi cho rằng đa số các vụ việc các cơ quan tố tụng thống nhất với nhau được là do quan điểm xử lý đúng. Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng không muốn làm "mếch" lòng nhau mà cố tình xử lý sai bản chất vấn đề.

Thậm chí, trong vụ án "Động lắc 189V Bùi Thị Xuân", một số người tiến hành tố tụng đã dùng quyền năng được trao cố tình chối bỏ sự thật về bản chất vụ án, mặc dù xét về mặt trình độ, về mặt nhận thức họ không thể non yếu đến mức không hiểu vấn đề như vậy. Sai thì phải sửa, tôi mong rằng những người làm công tác bảo vệ pháp luật trong công việc phải thực sự khách quan, trong sáng bởi dưới bàn tay họ là những số phận(!).

LS Tô Năng Như - Phó ChỦ nhiệm Đoàn LS Quảng Ninh: "Làm án vậy thì quá dễ…!"

Buộc tội các bị cáo vì đã để âm thanh, ánh sáng không bình thường thì quả là điều không thể hiểu nổi. Nếu đánh án, đấu tranh chống tội phạm ma tuý - một loại tội phạm nguy hiểm, phức tạp bậc nhất, mà dễ dàng, đơn giản như vậy thì lực lượng điều tra lĩnh vực này không thể được ưu ái tuyên dương, khen thưởng nhiều như thời gian vừa qua.

Tôi nghĩ chắc không ai có thể hiểu hơn họ rằng đấu tranh với tội phạm cần có đủ bằng chứng để khi kết tội không những kẻ phạm tội phải "tâm phục, khẩu phục", mà còn đưa đến nhận thức đúng đắn cho xã hội nhằm ngăn ngừa hiệu quả hành vi vi phạm, đồng thời không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của xã hội.

"Nhầm" về dấu hiệu định tội

"Các bị cáo đã sử dụng phương tiện là dàn ánh sáng đa màu sắc, âm thanh với tần suất cực lớn thu hút nhiều khách hàng đến địa điểm do mình quản lý để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể với thời gian kéo dài đối với nhiều người, có người nhiều lần là hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, phạm vào điểm a, b khoản 2, Điều 197 BLHS, phù hợp với Thông tư liên tịch số 02 ngày 5/8/1998 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an đã hướng dẫn về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý" - bản án hình sự sơ thẩm số 102/2006/HSST ngày 23/3/2006 của TAND quận Hai Bà Trưng đã đưa ra những lý lẽ buộc tội nghe vô cùng lạ tai về cái gọi là "phương tiện phạm tội" - một lời buộc tội đọc lên ai cũng thấy là nó mang nặng tính suy diễn, quy chụp hơn cả.

Cũng rất dễ hiểu, bởi HĐXX sơ thẩm đã nương theo cách buộc tội trong bản kết luận điều tra và cáo trạng. Điều đáng nói là cấp tòa sơ thẩm đã bê nguyên xi quan điểm buộc tội này (bằng âm thanh, ánh sáng) vào bản án mà không hề có sự đánh giá, đối chiếu những hành vi, dấu hiệu cụ thể với những quy định của pháp luật hướng dẫn xử lý đối với tội danh này mà không cần xem xét tới trách nhiệm và tính khách quan, lương tâm của người cầm cân nảy mực.

Ở vụ án này, điều không phải bàn cãi là việc CQĐT phát hiện khách của bar 189V có phản ứng dương tính với ma tuý, có thu giữ tại chỗ được một số viên ma tuý tổng hợp. Hành vi "sử dụng trái phép chất ma tuý" như vậy đã rõ và đối tượng Đào Đức Phát đã bị khởi tố xét xử về tội này (bởi Phát từng nhiều lần bị xử lý vì hành vi này). Buộc tội này đối với Phát là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, sự việc không dừng ở đó, 6 người là quản lý, nhân viên bar 189V bị khởi tố về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý".

Hành vi "tổ chức..." của các đối tượng này ra sao? các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã dẫn ra những căn cứ, đó là: Quán mở quá 24h đêm, sử dụng dàn ánh sáng đa màu sắc, âm thanh với tần suất cực lớn và... chỉ có vậy! Không chứng minh được ý thức chủ quan, chủ trương hoặc đường dây cung cấp ma tuý hoặc mối liên hệ giữa nhân viên bar 189V với hành vi sử dụng ma tuý của khách,... tóm lại không có chứng cứ, nhưng người ta vẫn cho rằng, âm thanh, ánh sáng của quán chính là phương tiện để tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.

Tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua, vị công tố viên của VKSND thành phố Hà Nội cũng hoàn toàn lúng túng trong việc chỉ ra những dấu hiệu của hành vi "tổ chức..." của các bị cáo và để rồi cuối cùng quanh quẩn vẫn với những dấu hiệu của tội "Sử dụng trái phép chất ma tuý". Thậm chí, vị công tố viên đã tự đưa mình vào thế bí khi "giảng bài" cho bị cáo Nguyễn Trọng Nhân Nghĩa về việc: âm thanh cường độ lớn, ánh sáng đa màu sắc tại bar 189V là nguyên nhân thu hút dân lắc tới quán và nhận được câu trả lời thật giản dị: "Dạ, bị cáo thấy nhạc ở quán cũng bình thường như các quán bar, vũ trường khác. Nếu vậy thì bị cáo nghĩ 100% quán bar, vũ trường trong nước đều phù hợp cho ma tuý hết" (!?).

Khi là bị cáo, họ cũng là những con người...!

Ở vụ án này, ai cũng có thể chỉ ra ngay những điều bất hợp lý. Đầu tiên là việc các bị cáo chỉ là người làm thuê thì bị buộc tội, trong khi Giám đốc Công ty PTB Mai Thanh Phương - người sở hữu tới 75% cổ phần của bar, trực tiếp điều hành hệ thống kế toán, thủ quỹ thì lại vô can.

Điều cũng khiến những người tham dự phiên tòa phúc thẩm vô cùng sửng sốt là khi luận tội, vị đại diện VKSND thành phố đã đề nghị HĐXX xem xét giảm án cho bị cáo Nguyễn Thanh Ngà, bởi bị cáo có hợp tác, cung cấp thông tin tố giác về tệ nạn ma tuý với trinh sát của Cục CSĐT tội phạm về ma tuý (C17). Vị công tố viên buộc phải đưa ra đề nghị này khi không thể chối bỏ được sự thật đã được làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm rằng: Các bị cáo Thanh Ngà, Việt Đức đã chủ động hợp tác với cán bộ của C17 để phòng chống tệ nạn ma tuý cho bar 189V. Nhưng, đã thừa nhận như vậy sao vẫn buộc tội(?) đó là nghi vấn mà bất kỳ ai cũng sẽ đặt ra trước sự mâu thuẫn này.

Còn rất nhiều tình tiết khác cho thấy thái độ quy chụp chủ quan cố ý của những người tiến hành tố tụng, mà chúng tôi không tiện nêu ra hết trong khuôn khổ bài viết này. Tuy nhiên, thông qua vụ án này, chúng tôi cho rằng, tuy chỉ là cá biệt nhưng đã và đang có sự thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu tôn trọng sự thật khách quan, làm án theo kiểu "xuôi chiều" của một số cơ quan tiến hành tố tụng, một số người tiến hành tố tụng. Đây là điều đặc biệt nguy hiểm bởi chế tài hình sự là vô cùng nghiêm khắc, nếu bị áp sai sẽ gây những hậu quả khó lường đến những cuộc đời, thậm chí là sinh mạng con người.

Chính vì thế mà trong pháp luật hình sự, người ta đã phải đề ra những nguyên tắc nhằm tránh sự lạm dụng, đó là những nguyên tắc suy đoán vô tội, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng... Tuy nhiên, trên thực tế thì những kiến thức vô cùng sơ đẳng này đôi khi vẫn bị người ta cố tình quên. Vụ án "Động lắc 189V Bùi Thị Xuân" đã cho thấy điều đó.

Vụ án tới nay đã làm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí với trên dưới 40 bài phản ánh, phân tích của hơn một chục tờ báo. Trong quá trình chúng tôi thực hiện loạt bài viết, phản ánh những "vấn đề" trong vụ án này, đã có không ít ý kiến đặt nghi ngờ: Vì sao lại bênh tội phạm? Bản án phúc thẩm đã là một minh chứng cho sự theo đuổi của nhóm phóng viên viết bài. Hơn nữa, phải có cái nhìn công bằng đối với các bị cáo, ít nhất là khi họ vẫn có quyền công dân bình thường bởi chưa bị kết tội bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Còn những người tiến hành tố tụng liên quan đến vụ án này, họ đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi buộc tội các bị can, bị cáo mà không có những bằng chứng thuyết phục. Hành vi này có thể coi là việc cố ý buộc tội người khác một cách trái pháp luật. Đây rõ ràng là hiện tượng không thể không phê phán, để tránh xảy ra những trường hợp tương tự. Ai biết một ngày nào đó, tôi - bạn có thể là nạn nhân của cách làm án vô trách nhiệm như trên...(!?)

Nhóm PV
.
.
.