Vụ 4 thuyền viên Việt Nam bị bắt cóc: Quyền lợi người lao động được đảm bảo

Thứ Sáu, 16/09/2005, 13:45

Việc giải cứu các thuyền viên Việt Nam bị bắt cóc tại Somalia nếu như có sử dụng tới tiền chuộc thì cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của lao động.

Ngày 16/8/2005, 3 tàu đánh cá Đài Loan với 47 thuyền viên đã bị nhóm phiến quân bắt giữ tại cảng Kismayu thuộc Somalia trong lúc đợi giấy phép đánh bắt cá trên vùng biển Somalia.

Trong số các thuyền viên bị bắt cóc, có 4 thuyền viên Việt Nam do 2 doanh nghiệp XKLĐ của Bộ Giao thông - Vận tải là Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco-4) và Công ty Hợp tác lao động nước ngoài (LOD) đưa đi; 2 thuyền viên do Cienco-4 đưa đi là: Phạm Văn Hải, quê ở Nghi Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, hộ chiếu số: A0870798A; Nguyễn Văn Phương, quê ở An Lạc, Chí Linh, Hải Dương, hộ chiếu số: A1588439A; 2 thuyền viên do LOD đưa đi: Phan Trọng Đoàn, quê ở Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, số hộ chiếu: A1116627A, và Trương Văn Hoa, quê ở Nghi Văn, Nghi Lộc, Nghệ An, số hộ chiếu: A1569584A.

Cả 4 thuyền viên này đều xuất cảnh ngày 20/4/2005 và đang làm việc cho tàu Trung Nghĩa 218 qua môi giới của Công ty Hàng hải Xuất nhập quốc tế Cường Đăng - Đài Loan. Trong số 47 thuyền viên trên 3 tàu, ngoài các thuyền viên Việt Nam, còn có 14 thuyền viên người Trung Quốc, 12 người Philippines, 14 người Indonesia và một số người Đài Loan, trong đó có 3 thuyền trưởng.

Sau khi có thông tin chính thức về các nạn nhân, ngày 7/9/2005, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có công văn chỉ đạo Công ty LOD và Cienco-4 tìm mọi cách liên lạc với chủ tàu, nắm thông tin và phối hợp với phía Đài Loan tìm cách giải cứu con tin. Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải liên lạc thường xuyên với gia đình các nạn nhân, cung cấp đầy đủ thông tin về vụ bắt cóc và về tình hình các thủy thủ, tránh gây hoang mang. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã chỉ thị các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở châu Phi, đặc biệt là ở Tanzania, gần Somalia nhất, tìm hiểu thông tin, nắm tình hình.

Theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania, hiện đã xác minh được tên của kẻ cầm đầu nhóm phiến quân bắt cóc là De Qou, số điện thoại di động 2525158733. Hiện nay, qua đàm phán nhóm phiến quân đã giảm mức tiền chuộc từ 500.000 USD/tàu xuống 100.000 USD/tàu và cam kết thả toàn bộ nếu nhận được tiền. Nhóm phiến quân yêu cầu phía Đài Loan đàm phán trực tiếp chứ không thông qua Chính phủ Somalia. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết các chủ tàu đã lập tức chuẩn bị tiền chuộc.

Các doanh nghiệp làm gì để bảo vệ người lao động?

Chiều 8/9, Tổng giám đốc Công ty LOD Lê Công Bình cho biết: Sáng 8/9, đoàn công tác của công ty đã lên đường vào Nghệ An để thông báo tin tức cho thân nhân hai lao động là Phan Trọng Đoàn và Trương Văn Hoa. Cùng ngày, đoàn công tác thứ hai do Giám đốc trung tâm thuyền viên Lê Nhật Tân là trưởng đoàn tiếp tục vào gặp thân nhân người lao động.

Theo ông Tân thì hợp đồng 2 lao động Phan Trọng Đoàn và Trương Văn Hoa ký là hai năm với mức lương 180 USD/tháng. Công ty đã mua bảo hiểm cho hai lao động tại Việt Nam với mức 15 USD/tháng. Ông Tân cũng cho biết thêm Công ty Cường Đăng là một công ty tương đối lớn và có uy tín ở Đài Loan. Vì vậy, trước sự việc này ông Tân khẳng định việc giải cứu các thuyền viên nếu như có sử dụng tới tiền chuộc thì cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của lao động.

Công ty Cienco-1 có gần 1.000 thuyền viên làm việc trên tàu Hàn Quốc và biển xa Đài Loan. Sau sự việc 4 thuyền viên Việt Nam bị bắt cóc ở Somalia, các doanh nghiệp cung ứng thuyền viên cho biết đây là rủi ro bất khả kháng. Các DN cũng khuyến cáo rằng, đặc thù lao động thuyền viên biển xa là người lao động trên tàu được bảo vệ theo luật pháp quốc tế nên khó xảy ra những rủi ro, song vì đặc thù đi đánh bắt trên biển xa nên khi cập cảng thuyền viên không nên lên bờ khi không được phép của thuyền trưởng.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó giám đốc Vinamotor cho biết, công ty này chỉ còn 200 thuyền viên biển xa, tất cả thuyền viên đều được mua bảo hiểm ở Việt Nam (mức cao nhất là 10.000 USD/năm). Riêng thuyền viên trên tàu Nhật Bản còn được mua bảo hiểm ở nước ngoài mới mức 10 USD/tháng

Nguyễn Thiêm
.
.
.