Vụ chì thải tràn xuống Sông Gâm: Thấp thỏm chờ... hậu quả!

Thứ Năm, 07/01/2016, 08:11
Như Báo CAND đã đưa tin, chiều 5-1, bể chứa chất thải chì, kẽm của Công ty TNHH CKC, có địa chỉ ở xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, đã xảy ra sự cố vỡ tấm bê tông đáy, khiến cho hàng trăm nghìn mét khối bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường, chảy xuống sông Gâm.


Hiện sự cố đang được khẩn trương khắc phục, song hàng trăm hộ dân sống trong khu vực vẫn tỏ ra lo lắng về mức độ nguy hại của vụ việc đối với môi trường và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo huyện Bảo Lâm đã kịp thời có mặt tại hiện trường, yêu cầu Công ty TNHH CKC triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống người dân. Công ty TNHH CKC đã huy động toàn bộ lực lượng khẩn trương khắc phục sự cố. Đến 22h cùng ngày, doanh nghiệp này đã chặn được dòng chảy, không để bùn thải tiếp tục tràn ra bên ngoài. 

Theo ghi nhận ban đầu, vụ vỡ bể chứa bùn thải trên không gây thiệt hại về người, nhưng bùn thải đã tràn vào một số hộ dân và tràn vào dòng chảy của sông Gâm. Các cơ quan chức năng đang đánh giá thiệt hại vật chất và ảnh hưởng môi trường mà sự cố gây ra.

Là chuyên gia về môi trường, PGS.TS Nguyễn Đình Hoè – Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nguồn chất thải bị tràn ra môi trường là chất thải của chì kẽm, nên có nhiều kim loại nặng, trong đó có chì. Chì là nguyên tố rất độc, nhiễm độc chì có thể gây ra các bệnh về xương, răng, thậm chí gây chết người. Khi lượng chất thải này tràn xuống sông Gâm, chất độc sẽ hoà tan trong nước, nhiễm vào tôm, cá.

Hiện trường sự cố vỡ bể thải chì, kẽm của Công ty TNHH CKC (ở Pác Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng).

"Nước thải đổ xuống sông thì rất khó ngăn chặn sự phát tán. Vấn đề là nước sông Gâm có đủ lớn để pha loãng không? Nếu không thì chưa biết hệ lụy lớn đến đâu" – PGS Nguyễn Đình Hoè nói. 

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, ngành môi trường phải tiến hành quan trắc xem nước sông Gâm có bị ô nhiễm đến mức nguy hại không. Đồng thời cũng phải tính toán thiệt hại từ sự cố để yêu cầu đền bù cho người dân bị ảnh hưởng. 

Đánh giá về mức độ nguy hại của sự cố, TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường cho biết: "Bùn thải ở đây có màu đỏ nhưng không phải dạng bùn đỏ giống bôxít Tây Nguyên. Nói vậy không có nghĩa là không nguy hiểm. Muốn đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm phải có quan trắc cụ thể để biết khu vực nào bị ô nhiễm nặng nhất, từ đó cảnh báo người dân không sử dụng nguồn nước, không đánh bắt tôm cá, không chăn thả gia súc gia cầm".

TS Sinh khẳng định: "Khi sự cố đã xảy ra rồi, chúng ta chỉ có thể "cầu may" rằng, lượng chất thải đổ xuống sông Gâm không quá lớn. Khi đó dòng sông có thể tự xử lí. Nếu lượng thải lớn, chúng ta sẽ chẳng thể làm được gì". 

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, cán bộ Khoa Hóa học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, chì và các hợp chất của chúng đều rất độc, càng dễ hoà tan thì càng độc. 

Riêng về sự cố xảy ra tại Cao Bằng, PGS Trần Hồng Côn nhận định, nếu là công ty khai thác quặng khoáng thì không đáng lo ngại, bởi lúc này chì ở dạng sunfua chì. Dạng này không tan trong nước nên khả năng làm ô nhiễm nước khó xảy ra. Tuy nhiên sẽ nguy hiểm nếu người ta sử dụng thêm các hóa chất khác để làm thành tinh quặng chì có hàm lượng cao hơn, tùy thuộc đó là hóa chất gì và thời gian để bao lâu. Nếu chì tồn tại dưới dạng hòa tan thì sẽ rất nguy hiểm, bởi chúng đi vào trong nước, người ăn phải sẽ nhiễm độc. Các dạng chì hòa tan chủ yếu được sử dụng trong nhà máy sản xuất hóa chất, đặc biệt sản xuất kíp nổ, các nhà máy quân sự. Vị chuyên gia này cũng nói thêm, để khắc phục sự cố này chủ yếu dùng phương pháp cơ học.

"Chì sunfua bị tràn ra sẽ lắng xuống đáy và không thể theo dòng chảy đi xa vì rất nặng. Tuy nhiên, cần kiểm tra xem bể chứa có các hóa chất sau tuyển hay không, tùy thuộc vào quy trình riêng của cơ sở sản xuất để đánh giá mức độ tác động của chúng. Khi vừa xảy ra sự cố này, tốt nhất là người dân tránh không sử dụng nguồn nước xung quanh, nhưng cũng không quá lo lắng, bởi nếu chỉ có sunfua chì thì không đáng ngại bởi chúng không tan trong nước, có thể dùng máy hút sạch" – PGS khẳng định.

Công ty TNHH CKC là đơn vị thành viên của Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Việt (có trụ sở ở Hà Nội). Hiện công ty này có gần 400 công nhân Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc làm việc. Nhà máy chế biến chì kẽm CKC đang là đơn vị sản xuất chì kẽm số 1 Việt Nam với 2 dây chuyền tuyển luyện công suất 2.400 tấn/ngày. Công ty này đang đầu tư lắp đặt dây chuyền 3 để nâng công suất toàn nhà máy lên hơn 3.500 tấn/ngày. Từ năm 2010 đến 2014, Công ty TNHH CKC khai thác được 183.944 tấn quặng thô chì kẽm, 89.343 tấn quặng barit, 15.250 tấn quặng chì, 7.000 tấn quặng kẽm. Tổng doanh thu đạt 550 tỷ đồng, lợi nhuận 29,5 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 80 tỷ đồng.
Tâm Phạm – Khánh Vy
.
.
.