Vĩnh Phúc: Hỏa hoạn rình rập chợ, siêu thị, trung tâm thương mại

Thứ Sáu, 11/07/2014, 12:48
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, từ năm 2009 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 129 vụ cháy chợ và trung tâm thương mại, làm chết và bị thương 12 người, thiệt hại trực tiếp về tài sản ước tính khoảng 892 tỷ đồng.

Trong đó có 18 vụ cháy lớn, gây thiệt hại trực tiếp về vật chất lên tới 772,683 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý một số vụ cháy như: Vụ cháy chợ trung tâm TP Quảng Ngãi ngày 9/2/2012 thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng; vụ cháy Trung tâm Thương mại TP Hải Dương ngày 15/9/2013 thiệt hại ước tính hơn 500 tỷ đồng; gần đây nhất là vụ cháy chợ Phố Hiến, TP Hưng Yên ngày 19-3 thiệt hại ước tính khoảng 50 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 59 chợ, trung tâm thương mại, siêu thị thuộc diện quản lý về PCCC. Nhiều cơ sở lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao như: Chợ Vĩnh Yên (thành phố Vĩnh Yên), chợ Giang (huyện Vĩnh Tường), chợ Xuân Hòa (thị xã Phúc Yên), Siêu thị BigC Vĩnh Phúc, Trung tâm Thương mại Soiva Plaza...

Theo kết quả kiểm tra của lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Vĩnh Phúc thì các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã mở hồ sơ quản lý trong công tác PCCC, ban hành nội quy, quy định PCCC. Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị, việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong công tác PCCC được thực hiện ngay từ khi thiết kế và xây dựng công trình, hệ thống PCCC được thiết kế lắp đặt đồng bộ. Trong khi đó, các chợ trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ những năm trước khi Luật PCCC ban hành nên chưa có hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC, cơ sở vật chất tại các chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, do đó tiềm ẩn những nguy cơ cháy, nổ; các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị còn thiếu, chưa đầy đủ không đáp ứng được xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Vĩnh Phúc thì hơn 70% các vụ cháy hằng năm có nguyên nhân do chập điện. Trong số 129 vụ cháy chợ và trung tâm thương mại xảy ra trong 5 năm vừa qua có 65 vụ cháy là do chập điện. Qua kiểm tra thực tế tại các chợ trên địa bàn cho thấy, hệ thống điện tại các chợ đã quá tải, hệ thống dây dẫn điện được sử dụng lâu năm đã xuống cấp. Tại các quầy hàng có hiện tượng câu móc điện trái phép, đấu nối thêm các thiết bị tiêu thụ điện khác làm tăng thêm phụ tải, hàng hóa sắp xếp không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC nên tăng các nguy cơ cháy, nổ.

Lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh hướng dẫn tiểu thương tại Chợ Vĩnh Yên - TP Vĩnh Yên sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ.

Trong khi đó, hầu hết các vụ cháy chợ và trung tâm thương mại đều xảy ra vào ban đêm hoặc ngoài giờ làm việc (chiếm tỷ lệ 82%). Vào thời điểm này, đám cháy thường được phát hiện chậm; thời gian cháy tự do kéo dài; lực lượng PCCC tại chỗ không có hoặc có nhưng không đáp ứng được công tác cứu chữa ban đầu nên đám cháy phát triển nhanh, diện tích đám cháy lớn, gây khó khăn trong công tác chữa cháy. Tại một số chợ, nguồn nước chữa cháy không đảm bảo đủ lượng nước dự trữ để chữa cháy, như chợ Xuân Hòa (thị xã Phúc Yên), chợ Hương Canh (huyện Bình Xuyên) không có bể nước dự trữ chữa cháy. Tất cả các chợ đều không có bến bãi lấy nước cho xe chữa cháy.

Việc vận động người dân tham gia bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cũng còn quá nhiều rào cản, khiến người dân không mấy mặn mà. Do đó chợ Giang (thuộc thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường) và chợ Phúc Yên (thuộc thị xã Phúc Yên) chưa tiến hành tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP của Chính phủ, chợ Vĩnh Yên đã tiến hành tham gia bảo hiểm nhưng chưa đúng loại hình bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định.

Có một thực tế là, lực lượng Cảnh sát PCCC chỉ có chức năng quản lý nhà nước về PCCC, còn việc cấp phép kinh doanh, hoạt động cho các cơ sở lại thuộc về thẩm quyền của các cơ quan chức năng thuộc chính quyền sở tại. Khi phát hiện ra những sai phạm, không đảm bảo an toàn về PCCC, Cảnh sát PCCC kiến nghị nhiều lần với các chủ cơ sở và chính quyền sở tại trong việc điều chỉnh, bổ sung các quy định về an toàn PCCC cho đảm bảo nhưng không được chủ cơ sở thực hiện.

Từ các tồn tại trên, nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng gia tăng nếu như công tác PCCC ở các cơ sở trên không được quan tâm, chú trọng. Trước tình hình đó, các cấp chính quyền cần triển khai đồng bộ một số giải pháp cụ thể để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị

Khương Duy
.
.
.