Vĩnh Long: Cần xử lý bãi cọc ngầm dưới sông Cổ Chiên

Thứ Năm, 22/11/2007, 11:11
Khi đến đầu cồn Cái Cáo, thuộc ấp An Hương, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, thì không ít người dân bức xúc trước chuyện có một bãi cọc ngầm gây tai nạn cho phương tiện qua lại khu vực.

Sông Cổ Chiên là một nhánh của sông Tiền, chảy qua địa phận tỉnh Vĩnh Long có chiều dài trên 40km. Do đặc điểm địa lý thuận lợi nên ven sông, tại các khu vực bãi bồi, nhiều doanh nghiệp mua hoặc thuê đất để nuôi cá xuất khẩu.

Việc làm ăn của các doanh nghiệp cũng chẳng có gì đáng nói bởi không còn là "chuyện lạ" của xứ miền Tây, nếu như người dân không phát hiện ra một bãi cọc ngầm giữa dòng Cổ Chiên.

Vào sáng 1/11, cùng đi với lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an Vĩnh Long, trong chuyến kiểm tra tình hình trật tự an toàn giao thông trên đoạn sông Cổ Chiên, chúng tôi không thể tưởng tượng nổi tình trạng mất trật tự giao thông tại khu vực này...

Được tỉnh cho thuê bãi bồi có diện tích 40ha để nuôi cá, gần 7 tháng nay, doanh nghiệp Tiến Đạt đã dùng hàng ngàn cây dừa đóng xuống lòng sông để đắp đê bao. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, những cọc dừa đóng xuống lòng sông, theo con nước thuỷ triều lên xuống đã trở thành một bãi cọc ngầm đầy nguy hiểm cho phương tiện qua lại đoạn sông này.

Chưa hết, cách đó không xa, bãi cọc của doanh nghiệp khác có diện tích trên 3ha cũng tua tủa những cọc dừa, cừ tràm vươn lên giữa lòng sông. Giữa hai bãi cọc này có một khoảng rộng chừng hơn trăm mét cũng chính là nơi tàu ghe có trọng tải nhỏ thường xuyên qua lại do sợ đi giữa sông lỡ gặp sóng gió bất ngờ thì trở tay không kịp.

Tuy nhiên, toàn bộ khu vực không có một phao báo luồng, đèn báo hiệu, biển báo cảnh giới. Khi cơ quan chức năng nhắc nhở, doanh nghiệp lại đem những bao ni lông màu trắng gắn phất phơ trên ngọn một số cây tràm, nhưng chẳng được bao lâu thì nó cũng bị gió hoặc nước cuốn trôi, hay vài ba cái bảng bằng tôn được sơn màu vàng rồi gắn lên đầu cọc dừa gọi là "báo hiệu" chứ không theo quy định nào của ngành chức năng.

Thượng tá Nguyễn Văn Ri, Trưởng phòng CSGT đường thủy, Công an Vĩnh Long, cho biết: Đơn vị đã gặp các chủ doanh nghiệp tuyên truyền, giáo dục các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, buộc chủ doanh nghiệp phải lắp đặt báo hiệu theo quy định, nhưng nhiều tháng qua doanh nghiệp vẫn chưa chấp hành.

Theo Công an xã Mỹ An, tại khu vực bãi cọc này đã từng xảy ra trên chục vụ tai nạn giao thông lớn nhỏ. Những vụ tai nạn lớn như chìm ghe, mất mát tài sản thì mới được trình báo, số còn lại do giữa trời nước mênh mông đêm hôm khuya khoắt chẳng biết ai mà đền nên người bị nạn đành chịu thiệt bỏ đi.

Điển hình như vào khoảng 20h ngày 3/9, chiếc ghe của anh Phan Văn Liệu, 28 tuổi, ngụ xã Phước Lợi, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, chở 800 trái dừa tươi, 450 trái dừa khô và 65 bao thức ăn gia súc, khi đi ngang khu vực bãi cọc, do đêm tối mà đang lúc mưa bão nên khi thấy ánh đèn của nhà dân trong bờ liền tấp vào để tránh bão.

Nhưng chẳng may, ghe vướng phải vào những cọc dừa và đã bị chìm, thiệt hại trên chục triệu đồng. Vụ việc được Công an xã Mỹ An lập biên bản giải quyết, với nội dung là doanh nghiệp Tiến Đạt phải bồi thường cho người bị hại, nhưng hơn 2 tháng trôi qua mà doanh nghiệp cũng vẫn chưa thực hiện lời cam kết.

Đêm 4/11/2007, ông Bùi Long Hưởng, ngụ xã Hoà Tịnh, huyện Mang Thít đi giao xi măng cho khách hàng về, do đêm tối lại "lạ đường" nên ghe của ông cũng va phải bãi cọc ngầm của doanh nghiệp Tiến Đạt nên chìm.

May mà không thiệt hại về người, nhưng tài sản trôi mất trên 10 triệu đồng, máy móc và ghe bị hỏng nặng, nếu sửa chữa lại dự tính trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, việc chính quyền mời chủ doanh nghiệp đến giải quyết xem ra thật khó khăn.

Anh Dương Văn Hai và anh Nguyễn Hữu Nghĩa, ngụ gần khu vực bãi cọc, cho biết đêm đêm cứ bị ám ảnh bởi những tiếng kêu cứu của người gặp nạn giữa đêm mưa gió trên sông khi va vào bãi cọc….

Trước tình trạng trên, vào sáng 19/11, Phòng CSGT đường thủy Công an Vĩnh Long đã chủ trì cuộc họp bàn hướng giải quyết tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy trên tuyến sông Cổ Chiên, tham dự có đại diện Đoạn Quản lý đường sông số 11, Thanh tra giao thông đường thủy nội địa số 6 (thuộc Ban Thanh tra giao thông, Cục Đường sông), Trạm Quản lý đường sông Chợ Lách (đơn vị quản lý tuyến sông nơi có bãi cọc).

Sau khi phân tích hiện trạng, căn cứ vào các qui định của pháp luật, các đơn vị chức năng đã thống nhất, trước mắt sẽ tổ chức đưa tàu của Trạm Quản lý đường sông Chợ Lách và tàu của Cảnh sát giao thông đường thủy Công an Vĩnh Long đến điều tiết giao thông khu vực bãi cọc để tránh tai nạn. 

Đơn vị chức năng xác định lại luồng tuyến giao thông và thả phao báo hiệu ở hai đầu bãi cạn để nhân dân qua lại được an toàn

Minh Sơn
.
.
.