Vịnh Lăng Cô "chết mòn" vì lò vôi

Thứ Ba, 31/08/2010, 13:00
Vịnh Lăng Cô thơ mộng, đẹp nhất thế giới đã được Câu lạc bộ vịnh đẹp nhất thế giới (wordbays Club) công nhận. Thế nhưng, nhiều năm gần đây đang "chết" dần vì ô nhiễm môi trường. Vịnh đang từng ngày từng giờ quằn quại, oằn mình vì khói bụi từ các lò vôi hàu, chất thải từ các nhà hàng và hàng vạn chiếc lốp cao su nằm dưới lòng Vịnh.

Vô hình trung Vịnh Lăng Cô trở thành một "Đại công trường" khai thác vôi hàu của gần 200 hộ dân, cung cấp hàng cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, xuất khẩu sang Lào. Trong khi đó, Vịnh đang "chết" dần vì ô nhiễm môi trường.

Từ lợi nhuận trước mắt…

Được Câu lạc bộ các vịnh đẹp thế giới (Worldbays Club) công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới vào tháng 6/2009. Vịnh Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) có diện tích khoảng 16,17km2 với trữ lượng hàu gần 2 triệu tấn (tương đương 1,384 triệu m3). Đây cũng chính là nguồn nguyên liệu và đồng thời là nguyên nhân biến nơi này trở thành một công trường sản xuất vôi hàu, bất chấp các lệnh cấm khai thác của UBND tỉnh, huyện và cũng như sự can thiệp của các cơ quan chức năng.

Nghề sản xuất vôi hàu ở đầm Lập An, thuộc Vịnh Lăng Cô có từ thời Pháp thuộc. Từ năm 2000, rất nhiều người dân ồ ạt sắm sửa ghe, thuyền, trang bị các vòi hút hiện đại để hút hàu làm vôi.

Ông Lê Xuân Mẫu chuyên sản xuất vôi hàu ở đây cho biết, một ngày với máy hút hiện đại có thể hút được 5 - 7 khối hàu nguyên liệu. Ông Mẫu cho biết thêm: "Bà con tui kiếm ăn chỉ bằng nghề ni thôi. Muốn kinh doanh du lịch hay nuôi thủy sản nhưng ngặt nỗi không có tiền để đầu tư". Sản xuất vôi hàu là khoản thu nhập lớn nhưng mức nguy hại đến sức khỏe cũng không hề nhỏ khi những người sản xuất và người dân nơi đây hàng ngày luôn phải chịu đựng tiếng ầm ầm của máy móc, hít phải khói bụi. Bởi thế rất nhiều lao động ở đây mắc các bệnh nghề nghiệp...

Khói bụi mù mịt khi làm vôi.

 … Đến hệ lụy khó lường

Sản xuất vôi hàu theo kiểu "tàn bạo" như vậy, không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại môi trường và dân sinh mà còn đe dọa đến danh hiệu Vịnh đẹp nhất thế giới mới chỉ được công nhận chưa đầy một năm. Hàng ngày, khoảng 20 chiếc ghe nổ máy ầm ầm "móc ruột" Vịnh Lăng Cô nên tuyến đường 108 tỷ đồng bao quanh đầm Lập An mới sử dụng hơn một năm đã tan hoang, sạt lở nghiêm trọng. Không chỉ các lò vôi hàu mà hàng tấn chất thải của các nhà hàng, các hộ kinh doanh và các hộ dân đều xả ra nơi này. Cơ quan chức năng đang tiến hành xây dựng hệ thống chất thải chung nhưng còn phải chờ một thời gian dài. Nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản bằng cách dùng lốp cao su thả xuống Vịnh để cho hàu, vẹm bám vào. Chất này để lâu ngày sẽ lan rộng ra nguồn nước.

Ông Lê Chí Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Lộc cho biết: "Làng vôi hàu Lập An đúng là bức tử Vịnh Lăng Cô nghiêm trọng, được xếp vào tốp 12 làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm tại Thừa Thiên - Huế; UBND tỉnh đã ra quyết định cấm sản xuất từ cách đây hai năm. Hiện, chúng tôi đang lập đề án chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân này và sẽ đình chỉ hoạt động các lò vôi trong thời gian sớm nhất".

Việc sản xuất vôi hàu đã giải quyết lượng lớn lao động địa phương, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, mỗi năm cung cấp hàng trăm nghìn tấn vôi bột phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và xuất khẩu sang Lào qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Nhưng nhìn xa hơn, để quy hoạch nơi này trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới thì không thể tồn tại một đại công trường khai thác vôi hàu, tình trạng ô nhiễm môi trường như vậy được

Xuân Hải Long
.
.
.