Viết lại những trang đời lầm lỡ

Thứ Hai, 19/03/2012, 11:35

Đến Trung tâm Giáo dục lao động số 2, Ba Vì, Hà Nội vào lúc các học viên đang tất bật lao động chúng tôi mới hiểu hết công sức giáo dục của những cán bộ ở đây khi giúp họ làm lại cuộc đời. Quá khứ lầm lỡ đã bỏ lại phía sau, các học viên miệt mài bên xưởng may, xưởng cơ khí để làm ra những sản phẩm tinh xảo như những công nhân cần mẫn.

Ô sin đi làm… gái mại dâm

Người đời gọi họ là… gái hư. Ở Trung tâm Giáo dục lao động số 2 (Trung tâm số 2) họ là những học viên chấp hành nội quy răm rắp. Gặp họ vào buổi trưa khi vừa hết ca lao động trở về, gương mặt mộc mạc, không tô son trát phấn, trông họ như bao người phụ nữ bình thường khác. Mỗi người mang một số phận, một cuộc sống khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung khi vào đây.

Nói như Phó Giám đốc Trung tâm Phạm Đình Giang thì những cô gái làm nghề mại dâm bị vào đây phục hồi nhân phẩm đều rất “đa dạng”: trẻ thì 16, 17 tuổi, già thì đã U50. Nguyên nhân đưa đẩy họ đến với nghề mại dâm cũng “đa dạng”: do lười nhác, ngại lao động; nghiện ma túy; những em gái bỏ nhà đi “dạt” và những người túng bấn cần tiền như trường hợp của cô ôsin Phùng Thị T. ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ…

Những cô gái phục hồi nhân phẩm đang cần mẫn bên xưởng thêu.

Dáng người lầm lũi, nước da đen đúa, đậm chất nông dân, tôi không thể ngờ người đàn bà xấp xỉ tuổi 50 này lại bị bắt quả tang đang bán dâm cho khách. Chồng bỏ đi biệt tích từ khi chị mới sinh con. Vất vả lắm chị mới nuôi con khôn lớn. Thế rồi trong một lần cãi vã với cô em chồng, mẹ con chị đã phải khăn gói ra đi. Ky cóp mãi họ mới mua được một mảnh đất để dựng tạm túp lều lên ở. Để có tiền xây căn nhà cấp bốn, chị phải xuống Hà Nội làm ôsin. Tết vừa rồi, chị lại khăn gói xuống Hà Nội, định bụng làm ôsin mấy tháng nữa để lấy tiền hoàn thiện nốt căn nhà. Ai ngờ, vừa đi làm được vài hôm thì bị bắt.

“Tôi làm giúp việc cho ông bà chủ quán cà phê. Nào ngờ ông bà chủ lại chứa gái gọi. Hôm ấy có khách mà không có gái, họ bảo tôi đi thay. Vì cần tiền nên tôi chặc lưỡi làm một lần. Ai ngờ lại bị bắt. Cứ tưởng ông bà chủ sẽ “cứu” mình, nhưng tôi vẫn phải vào đây. Bị bắt cùng tôi còn có cháu bà chủ. Họ chỉ vào thăm cô ấy thôi, không hỏi han gì đến tôi” - chị T. sụt sịt kể.

“Những ngày đầu chị T. khóc dữ lắm, cả ngày thẫn thờ, có hôm còn bỏ ăn. Tìm hiểu ra thì do lo lắng và xấu hổ, sợ con ở nhà biết mẹ như thế sẽ hư. Tôi phải động viên, dùng tình cảm khuyên nhủ. Khi hiểu ra chị ấy không khóc nữa, chấp hành giờ giấc và kỷ luật lao động rất tốt” - chị Nguyễn Thị Thìn, Đội trưởng Đội 1, Phòng quản lý giáo dục học viên kể.

Dùng tình người để giáo dục

Những cô gái lầm lỡ bị đưa vào đây lần đầu như chị T. đều có chung cảm giác lo lắng, sợ người thân, gia đình biết chuyện nên tư tưởng khá hoang mang, lo sợ, mặc cảm. Tuy nhiên, với những cô gái làm nghề mại dâm chuyên nghiệp, hoặc gái đứng đường vào đây bố mẹ, chồng con không biết bởi họ giấu nhẹm nhân thân, lai lịch thì lại tỏ ra bất cần…

“Làm nghề này họ đã biết mình có nguy cơ cao mắc các bệnh xã hội. Thế nên họ sợ nhất là vào đây phải khám bệnh. Ai vượt qua được giai đoạn này thì họ tỏ ra vui vẻ, yêu đời. Còn nhiều trường hợp thì khóc, bị sốc, bỏ ăn khi biết nhiễm HIV. Nhưng cũng có trường hợp đón nhận bình tĩnh” - ông Giang chia sẻ.

Làm nghề quản lý giáo dục học viên ở Trung tâm số 2 đã hơn 10 năm, chị Phạm Bích Liên, Đội trưởng Đội 2 không nhớ mình đã giúp đỡ, giáo dục bao nhiêu chị em “lầm đường lạc lối” để họ trở về với xã hội, hòa nhập cộng đồng. Có người ra khỏi Trung tâm, về xây dựng hạnh phúc gia đình, nhưng cứ đến ngày 8-3 là lại gọi điện hoặc nhắn tin chúc mừng chị. Phương châm giáo dục của chị là đi sâu vào tìm hiểu tâm tư, tình cảm của từng học viên. Phát hiện thấy học viên nào buồn hoặc tư tưởng xao động là chị phải hỏi han, trò chuyện ngay.

“Làm công việc này đòi hỏi mình phải luôn suy nghĩ, trăn trở làm cách nào để thuyết phục được học viên, để cho họ phục mình”- chị Liên chia sẻ.

Cũng chính vì tâm huyết với công việc mà có nhiều học viên trong lúc tuyệt vọng nhất đã được chị động viên, giúp đỡ vượt qua được mặc cảm. Chị còn nhớ mãi học viên có tên là Lý Huệ Trâm, ở Hà Nội vừa nghiện ma túy, vừa bị HIV nên tỏ ra bất cần, chống đối. Tết đến, Trâm chỉ khóc tu tu, bỏ ăn. Chị đã rất vất vả khi nhiều lần làm công tác tư tưởng cho học viên này nhưng bất thành. Nhưng chị không bỏ cuộc, sự nhẫn nại của chị cuối cùng đã được đền đáp. Trâm đã hiểu ra cái được, cái mất mà chấp hành nội quy rất tốt.

Ngoài giáo dục, phục hồi nhân phẩm cho trên 600 học viên nữ, Trung tâm số 2 còn quản lý, giáo dục cho 315 học viên nam cai nghiện ma túy. Không chỉ giúp các học viên thoát khỏi ám ảnh của ma túy, mà Trung tâm số 2 còn giúp họ học nghề may, hàn, cơ khí, mỹ ký, thêu, tin học…

Đây chính là “cần câu cơm” để giúp cho các cô gái “lầm đường” và những người sau cai có công việc mưu sinh, tái hòa nhập cộng đồng. Không ai có thể ngờ, qua đào tạo họ đã trở thành những công nhân thực thụ, lành nghề. Mong rằng, những học viên ở Trung tâm số 2 sẽ bước qua bóng tối để đón nhận khoảng sáng mà xã hội và các thầy, cô ở đây đã dìu dắt họ

Trần Hằng - Quỳnh Vinh
.
.
.