Việt Nam tăng cường khả năng chống chọi dịch bệnh

Thứ Sáu, 26/08/2011, 15:08

Ở nước ta, mỗi năm có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, tả, thương hàn, sốt xuất huyết và viêm màng não nhưng số lượng các nhân viên y tế được đào tạo nâng cao về dịch tễ học ứng dụng lại ở trong tình trạng thiếu. Sự thiếu hụt này có thể gây căng thẳng cho hệ thống y tế và cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.

Sáng nay (26/8), Chương trình Đào tạo Dịch tễ học Thực địa của Việt Nam – FETP - Chương trình cung cấp cho nhân viên y tế công cộng các kỹ năng cần thiết để nhanh chóng xác định, điều tra và ứng phó với dịch bệnh, đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho 5 nghiên cứu sinh đầu tiên.

FETP, chương trình tồn tại ở hơn 50 nước trên thế giới, được Bộ Y tế Việt Nam thành lập năm 2008 với sự phối hợp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), sự tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), và các đối tác quốc tế khác.

Các nghiên cứu sinh đang điều tra dịch tễ học thực địa.

Theo Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Giám đốc Chương trình thuộc Bộ Y tế: "FETP được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu thực sự của điều tra, phòng chống và kiểm soát bệnh tại Việt Nam".

Phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp, ông nhấn mạnh: "Hôm nay chúng ta đang chứng kiến sự hiện thực hóa của nhiều năm lao động vất vả, với lễ tốt nghiệp của lớp học ngày hôm nay. Chúng ta có lứa tốt nghiệp đầu tiên những nhà dịch tễ học được đào tạo bài bản hơn và được trang bị nhiều thông tin hơn, những người sẽ chiến đấu chống lại các bệnh dịch của quốc gia".

Khóa đào tạo này đã khởi động vào tháng 8/2009 và là một chương trình học bổng vừa học vừa làm kéo dài hai năm, tuyển sinh các cán bộ dịch tễ học chủ chốt trên khắp Việt Nam. Nghiên cứu sinh theo học trong lớp học đầu tiên có 12 tuần giảng dạy trên lớp và 15 tháng tham gia thực hành nghiêm ngặt về điều tra dịch tễ học thực địa. Nghiên cứu sinh FETP đã dành nhiều thời gian để điều tra các dịch bệnh như tả, đại dịch cúm A(H1N1), cúm gia cầm A(H5N1), bệnh dại, nhiễm hantavirus, sốt xuất huyết và dịch hạch ở người tại các tỉnh trên khắp Việt Nam.

Ngoài việc cung cấp giám sát và ứng phó nhanh với dịch bệnh, các nghiên cứu sinh còn có các công trình nghiên cứu được công bố trong các hội nghị khoa học quốc tế và các tạp chí y khoa.

Tiến sỹ Nguyễn Công Khánh, một bác sĩ y khoa và nghiên cứu sinh được cấp bằng tốt nghiệp FETP, người từng tham gia điều tra dịch tả và cúm gia cầm (H5N1) ở miền Bắc Việt Nam cho biết. "Trong suốt khóa đào tạo, tôi đã học tập thông qua thực hành, chương trình FETP đã cho tôi những kỹ năng dịch tễ học thực tế cần thiết để làm việc theo nhóm nhằm xác định và điều tra hoạt động của bệnh dịch bất thường, đánh giá rủi ro nhanh và quan trọng nhất, cung cấp các khuyến nghị có cơ sở cho Bộ Y tế về cách ngăn chặn sự lây lan của bệnh".

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các bệnh truyền nhiễm mới nổi như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm gia cầm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1) và bệnh tay chân miệng. "Các nghiên cứu sinh FETP sẽ giúp tăng cường hệ thống y tế công cộng của Việt Nam để ứng phó với dịch bệnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu" - Tiến sỹ Graham Harrison, Quyền Trưởng đại diện WHO cho biết

PV
.
.
.