Việt Nam nhận Chứng chỉ đầu tiên về Gỗ có kiểm soát (FSC) đối với rừng tự nhiên

Thứ Ba, 29/11/2011, 06:20

Ngày 28/11, Công ty TNHH MTV Lâm trường Đăk Tô, công ty con trực thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô có sở hữu vốn của Nhà nước được nhận Chứng chỉ đầu tiên của Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế (Forest Stewardship Council - FSC) về Gỗ có kiểm soát đối với rừng tự nhiên tại Việt Nam. Công ty là một trong năm công ty lâm nghiệp thí điểm quản lý rừng bền vững được hỗ trợ bởi Chương trình Lâm nghiệp Việt - Đức.

Chương trình do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức tài trợ, bao gồm các hoạt động liên quan đến quản lý rừng và do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ - Deutsche Gesellschaft fuer Internationale Zusammenarbeit GmbH - triển khai thực hiện.

Các tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế (FSC) được nhìn nhận là tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững. Chứng chỉ do tổ chức này cấp được xem như là một công cụ marketing hỗ trợ thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đạt được giá cả tối ưu. Việc thực hiện các tiêu chuẩn của FSC góp phần đem lại tính bền vững về mặt kinh tế, bên cạnh các khía cạnh bền vững về môi trường và xã hội trong hoạt động quản lý rừng.

Hoạt động đánh giá cấp chứng chỉ gỗ có kiểm soát FSC được lựa chọn là bước đầu tiên trong quá trình hướng tới chứng chỉ toàn diện về quản lý rừng. Công ty TNHH MTV Lâm trường Đăk Tô đã thực hiện các biện pháp để chuẩn bị cho cuộc Đánh giá FSC nhằm mục đích đưa ra quyết định nếu công ty được cấp chứng chỉ.

Tại Việt Nam, lâm nghiệp không chỉ tạo ra của cải vật chất cho nền kinh tế quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn và bảo vệ môi trường. Do đó, Chính phủ CHLB Đức hỗ trợ phương pháp tiếp cận lồng ghép toàn diện thông qua chương trình lâm nghiệp Việt - Đức. Cụ thể là hỗ trợ về kỹ thuật và chính sách đối với Bộ NN&PTNT và các đối tác ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

Cùng với các cấp hoạch định chính sách, các công ty lâm nghiệp, các hiệp hội gỗ và các doanh nghiệp kinh doanh lâm sản, Chương trình Lâm nghiệp Việt - Đức nhằm mục đích cải thiện hoạt động quản lý lâm nghiệp, hành vi và văn hóa kinh doanh truyền thống cũng như góp phần xây dựng chính sách. Chương trình một mặt tạo liên kết giữa sản xuất lâm nghiệp với các chuỗi giá trị trong chế biến và thương mại, mặt khác góp phần tạo ra những điều kiện chung trong ngành thông qua việc cải thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách

PV
.
.
.