Việt Nam dẫn đầu khu vực về bình đẳng giới

Thứ Bảy, 16/12/2006, 14:23
Việt Nam cũng có tỉ lệ tham gia kinh tế cao nhất trên thế giới: 85% nam giới và 83% nữ giới ở độ tuổi từ 15-60 tham gia vào các hoạt động kinh tế (theo Ngân hàng Thế giới, 2003).

"Trong vòng nhiều năm, Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các chỉ số bình đẳng giới. Việt Nam thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục tới các trẻ em gái và trẻ em trai, phụ nữ và nam giới. Sự chênh lệnh về tỉ lệ nhập học giữa giới là rất thấp. Tỉ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm". Đó là nhận xét của Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Jesper Morch tại một hội thảo gần đây.

Theo một báo cáo của UNICEF được công bố nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập của tổ chức này, việc loại bỏ sự phân biệt đối xử về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ sẽ tác động sâu sắc và tích cực đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Bình đẳng giới đem lại "lợi ích kép" có lợi cho phụ nữ và trẻ em và đóng vai trò then chốt đối với sức khỏe và sự phát triển của gia đình, cộng đồng và quốc gia.

"Vấn đề bình đẳng giới và sự phát triển của trẻ em gắn kết mật thiết với nhau", Giám đốc điều hành UNICEF, bà Ann M. Veneman phát biểu: "Khi vị thế của người phụ nữ được nâng lên để có một cuộc sống đầy đủ và hữu ích, trẻ em và gia đình họ sẽ trở nên thịnh vượng".

Mặc dù trong những thập kỷ gần đây đã có một số tiến bộ về vị thế của phụ nữ nhưng cuộc sống của hàng triệu trẻ em gái và phụ nữ vẫn đang bị đe dọa bởi sự phân biệt đối xử, tước quyền và nghèo khổ. Trẻ em gái và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề bởi HIV/AIDS và ở nhiều nơi phụ nữ bị trả lương thấp hơn nam giới cho cùng một công việc. Hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới đang phải gánh chịu nạn bạo hành về thể chất và tình dục, trong khi rất ít trong số họ có được sự giúp đỡ của pháp luật.

Hậu quả của sự phân biệt đối xử là trẻ em gái ít có cơ hội được đi học hơn; ở các nước đang phát triển, 1/5 trẻ em gái đi học ở trường tiểu học sẽ không theo học được đến hết cấp. Trình độ học vấn của phụ nữ, theo báo cáo, tương quan với sự cải thiện về các nguồn lực đầu tư cho sự sống còn và phát triển của trẻ em.

Việt Nam cũng có tỉ lệ tham gia kinh tế cao nhất trên thế giới: 85% nam giới và 83% nữ giới ở độ tuổi từ 15-60 tham gia vào các hoạt động kinh tế (theo Ngân hàng Thế giới, 2003).

Nhiều người Việt Nam vẫn giữ những quan niệm cũ về hành vi thích hợp của người phụ nữ. Phụ nữ thường bị yêu cầu phải đặt gia đình lên trên hết, thậm chí phải hy sinh cả sức khỏe và nguyện vọng cá nhân; phải tuân theo quyền lực của nam giới. Kết quả là người phụ nữ có thể không biết đến hoặc không thể thực hiện quyền của họ đã được pháp luật công nhận.

"Phụ nữ cần có khả năng tự đưa ra những lựa chọn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm cả vấn đề sinh sản. Họ cần phải có kiến thức, quyền và phương tiện để quyết định việc sinh bao nhiêu con và sinh vào lúc nào. Quyền của phụ nữ và trẻ em gái cần phải được bảo vệ, đó là quyền được học hành, có công ăn việc làm và không bị hành hạ, lạm dụng và phân biệt đối xử.  Nếu không phụ nữ sẽ trở thành nạn nhân và khi tiềm năng của họ không được phát huy đầy đủ, sự phát triển của toàn thể cộng đồng và quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng", ông Ian Howie, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phát biểu.

Tốc độ phát triển kinh tế nhanh mang đến những cơ hội mới. Tuy nhiên, do sự bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất, người phụ nữ có ít tiềm năng để cạnh tranh hơn.

Các thách thức khác là bạo lực gia đình đối với phụ nữ, nạn bóc lột phụ nữ để hành nghề mại dâm và buôn bán phụ nữ. Mặc dầu một số chính sách quốc gia để đối phó với những vấn nạn này đã được ban hành, tuy nhiên rất cần có cách tiếp cận mang tính hệ thống và phối hợp tốt trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, tình cảnh của những phụ nữ người dân tộc thiểu số ở nhiều vùng còn khó khăn hơn. Theo điều tra về mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS), năm 2004 có khoảng 60% người dân tộc thiểu số sống dưới mức nghèo khổ. Hậu quả là tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và trẻ em ở vùng miền núi phía Bắc nhiều gấp hai lần tỉ lệ đó ở vùng Đồng bằng sông Hồng (theo điều tra về nhân khẩu học và sức khỏe - VDHS, 2002); có ít nhất 1/4 phụ nữ trẻ dân tộc thiểu số bị mù chữ (VHLSS, 2004) và 1/5 chưa bao giờ đi học (điều tra đánh giá về thanh niên Việt Nam - SAVY, 2003).

Mặc dù có vẻ hầu hết người lao động di cư kiếm được nhiều tiền hơn, những phụ nữ di cư làm công nhân trong các nhà máy phải làm việc trong những điều kiện không bảo đảm, trong khi đó, nam công nhân lại có nguy cơ mắc nghiện và có HIV/AIDS cao và điều này lại trở thành gánh nặng hơn cho vợ con họ

Loan Nhi
.
.
.