Việt Nam chuyển động cùng APEC

Thứ Ba, 30/05/2006, 09:00

Trong những ngày này, các diễn đàn của APEC tại Việt Nam lại sôi nổi tại thành phố Hồ Chí Minh với hai sự kiện chính: Hội nghị các quan chức cấp cao lần thứ II (SOM-II) từ 22 đến 30/5/2006 và Hội nghị Bộ trưởng Thương mại (MRT) từ 31/5 đến 2/6/2006. APEC là viết tắt của tổ chức quốc tế lớn Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sau 18 năm tồn tại và phát triển đã trở thành khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, chiếm 57% thu nhập thế giới và 47% thương mại toàn cầu. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của APEC từ tháng 11/1998. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam ngày càng có uy tín cao hơn trên trường quốc tế và trong APEC.

Hai hội nghị quan trọng SOM-II và MRT của APEC lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa tiến hành thành công Đại hội Đảng lần thứ X và vừa hoàn thành đàm phán kỹ thuật với Mỹ để chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC lần hai (SOM-II) gồm 30 cuộc họp với nhiều nội dung. Tham dự SOM-II có khoảng hơn 1.000 đại biểu từ 21 thành viên APEC và các tổ chức quốc tế. Nhiều phóng viên các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và trong nước đến theo dõi, đưa tin, viết bài phản ánh về các sự kiện này.

Các đại biểu trong giờ giải lao.

Các cuộc họp trong khuôn khổ SOM-II gồm có các nội dung như: Trao đổi kinh nghiệm đầu tư, phát triển nguồn lực, hợp tác kinh tế kỹ thuật ECOTECH với chương trình thuận lợi hóa thương mại và đầu tư (TILF) để đảm bảo phát triển đồng đều trong khu vực APEC, thương mại điện tử, chính sách về tự do thương mại và có cả công tác chống khủng bố. Trong đó, các quan chức cao cấp cũng thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên trong khu vực APEC và một khuôn khổ cho các hành động chung. Nội dung về chống tham nhũng và quản trị tốt, du lịch và giao lưu văn hóa, thúc đẩy ý thức cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách APEC cũng được thảo luận khá sôi nổi.

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC sẽ được tổ chức vào các ngày từ 31/5 đến 2/6 tới. Theo Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết trong một cuộc họp báo trước hội nghị, nhiều nội dung kinh tế - thương mại quan trọng sẽ được đặt lên bàn nghị sự của các Bộ trưởng Thương mại APEC.

Cụ thể, Hội nghị sẽ thảo luận về đóng góp của APEC để kết thúc vòng đàm phán Doha thành công; điều phối các Thỏa thuận Thương mại Tự do song phương và khu vực; xây dựng Chương trình Hành động Hà Nội để thực hiện mục tiêu Bô-go của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư; xây dựng kế hoạch tạo thuận lợi cho thương mại; xu hướng thúc đẩy đầu tư trong khu vực APEC; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp; tăng cường hợp tác kinh tế kỹ thuật và xem xét các khuyến nghị của Hội đồng tư vấn doanh nghiệp (ABAC).

Bên lề Hội nghị sẽ là các cuộc tiếp xúc song phương giữa Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên. Trong chương trình nghị sự của MRT cũng có các cuộc họp kín của các Bộ trưởng Thương mại các thành viên APEC.

Các hội nghị SOM-II và MRT của APEC và các hoạt động liên quan là cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam giao lưu với các doanh nghiệp APEC, nhất là khi Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về kết thúc đàm phán song phương với Hoa Kỳ, mở đường cho việc Việt Nam gia nhập WTO - một cột mốc quan trọng trên chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Không khí APEC đã sôi động từ đầu năm nay ở Việt Nam, bởi Việt Nam là nước chủ nhà các hoạt động của APEC năm 2006. Với chủ đề  “Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng”, APEC 2006 được đánh giá là sự kiện quốc tế lớn nhất từ trước đến nay tổ chức tại Việt Nam - với trọng tâm là tuần lễ hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12 đến 19/11.

Không chỉ là chủ nhà cho Hội nghị cấp cao APEC 2006, Việt Nam còn giữ tư cách nước chủ nhà cho toàn bộ các sự kiện APEC diễn ra trong năm nay. Để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao APEC và các hội nghị cấp bộ trưởng, có 4 hội nghị quan chức cao cấp SOM mà mở đầu là Hội nghị các quan chức cao cấp APEC, SOM-I (Senior Officials Meeting) hồi tháng 2 ở Hà Nội, cùng hơn 100 hội nghị và sự kiện khác với số lượng hơn 10.000 đại biểu tham gia.

Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được các nền kinh tế thành viên APEC tín nhiệm chọn làm chủ nhà của năm APEC 2006. Đây là kết quả của 7 năm Việt Nam tích cực tham gia hợp tác trong APEC, tạo được uy tín và hình ảnh tốt đẹp của một Việt Nam đổi mới, năng động, cởi mở, an toàn và có khả năng tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn. Sau Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần thứ I được tổ chức rất thành công tại Hà Nội, các hoạt động của APEC lần này tại thành phố Hồ Chí Minh cũng được nước chủ nhà cùng các thành viên chuẩn bị chu đáo về tất cả các mặt, trong đó có công tác bảo đảm an ninh.

Việt Nam là nước có sự ổn định chính trị và an ninh, được cộng đồng thế giới thừa nhận. Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan an ninh của các nền kinh tế thành viên khác để đảm bảo an toàn trong thời gian hội nghị.

Với hàng chục nghìn đại biểu và hơn 100 sự kiện diễn ra trong năm 2006, việc đăng cai tổ chức năm APEC 2006 là một thách thức không nhỏ đối với một thành viên là nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, công tác an ninh được Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam chú trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo an ninh, an toàn cho các hội nghị APEC được tổ chức ở Việt Nam.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương 2006 là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất từ trước tới nay mà Việt Nam tổ chức. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tham gia đóng góp vào tiến trình phát triển của APEC, đồng thời thể hiện sinh động hình ảnh và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam ở khu vực và thế giới

Nguyễn Khắc Đức
.
.
.