Việt Nam chủ động đối phó động đất và sóng thần

Thứ Tư, 30/03/2011, 17:00
Ngày 29/3, Hội thảo về động đất ngày 11/3 ở Nhật bản, đánh giá động đất sóng thần ở Việt Nam và ứng xử đã được Viện Địa chất Việt Nam tổ chức.

Các ý kiến tại Hội thảo đều lo ngại với đường bờ biển dài của nước ta, nhưng nếu có sóng thần xảy ra, phải 5 phút sau mới có cảnh báo. Vấn đề cần nhất là chúng ta phải xây dựng được mạng trạm địa chấn hiện đại, kết nối được với khu vực và thế giới.

Theo ông Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu thì trên biển có 9 vùng nguồn có tiềm năng gây động đất, sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam. Nhưng, một thực tế là hiện nay, hệ thống và các phương tiện cảnh báo động đất, sóng thần của chúng ta mới phát hiện được điều này sau 5 phút, ở mức trung bình. Trong khi Indonesia chỉ sau 1 phút đã phát hiện được động đất, sóng thần khi nó xảy ra.

Nguyên nhân chính của việc cảnh báo chậm là do nước ta chưa có đủ mạng lưới đo đạc để cung cấp số liệu kịp thời. Ông Phương nêu ra dẫn chứng như những đứt gãy ở sông Hồng thì có những đoạn chúng ta có trạm đo, có những đoạn không có. Trong khi Indonesia có mạng lưới đo đạc dày đặc hơn ta.

Còn theo GS - TS Bùi Công Quế, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, trên biển Đông hiện có nhiều nguồn có thể gây động đất, sóng thần là đới hút chìm Malina, đới đứt gãy Bắc Luzon- Nam Đài Loan, vùng  đứt gãy Bắc biển Đông, đới đứt gãy Tây biển Đông và đới đứt gãy Palawan-Borneo.             

Trong đó, hoạt động của đới hút chìm Malina sẽ gây ảnh hưởng lớn nhất tới Việt Nam nếu có động đất xảy ra. Tuy nhiên, đới hút chìm Malina nằm cách Việt Nam khá xa, khoảng 1.600km, nếu xảy ra sóng thần thì phải 2 giờ sau mới tới bờ biển Việt Nam.

Ông Phan Trọng Trịnh, Trưởng phòng Kiến tạo, Viện Địa chất cho biết, trận siêu động đất ở Nhật Bản xảy ra hôm 11/3 vừa qua đã kích hoạt tới nhiều đới chìm khác ở khu vực Thái Bình Dương rộng lớn hàng trăm km. "Nếu sóng thần xảy ra ở  đới này với cường độ 8,5 độ ritcher thì chiều cao sóng thần ập tới Việt Nam là 3-4m, vùng quần đảo Hoàng Sa từ 5-6m. 

Ông Quế cũng bày tỏ lo lắng khi Việt Nam chưa được trang bị nhiều để đối phó với sóng thần và động đất. Nhiều nhà cửa, các công trình xây dựng lớn không theo quy trình kháng chấn, đối phó sóng thần. Điển hình là trận động đất tại Điện Biên năm 2001, động đất chỉ xảy ra với cường độ 5,1 độ ritcher nhưng mức thiệt hại đối với công trình nhà ở là rất lớn.

Bên cạnh đó, lịch sử cũng ghi nhận, đã từng có sóng thần và động đất lớn xảy ra ở Việt Nam tác động đến địa chất nhiều khu vực. Do vậy, để phòng tránh và giảm thiểu rủi ro động đất và sóng thần ở Việt Nam, ông Quế cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng và hiện đại hóa mạng trạm địa chấn; kết nối và hợp tác chặt chẽ với các mạng trạm địa chấn và sóng thần trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc khảo sát, đánh giá độ nguy hiểm và rủi ro động đất và sóng thần, nâng cao độ chi tiết cho các khu vực có độ nguy hiểm và rủi ro cao để có các giải pháp ứng phó phù hợp

Chi Linh
.
.
.