Viêm não Nhật Bản vào đợt “cao điểm”

Thứ Tư, 17/06/2009, 15:31
Viêm não Nhật Bản thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm, đỉnh của bệnh thường rơi vào tháng 6 và 7. Hiện tại đang là thời điểm có nhiều điều kiện cho bệnh gia tăng. Đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất là trẻ em.
>> Vào hè, trẻ em thi nhau nhập viện

Mùa hè tới thường đi kèm với những ca viêm não Nhật Bản (VNNB) nhập viện - đó là một thực tế đáng buồn đang diễn ra.

Bệnh tập trung vào trẻ lứa tuổi lớn

Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương đã bắt đầu tiếp nhận nhiều trẻ bị VNNB. Bé N.C.H.A., 7 tuổi, ở Thanh Miện, Hải Dương, là một trường hợp VNNB nặng, đã có rối loạn tri giác.

Trước khi nhập viện 4 ngày, bé H.A. bị sốt, mệt mỏi, gia đình tưởng cháu bị cảm sốt thông thường, nên đã mua thuốc cho cháu uống, nhưng 2 ngày sau cháu càng sốt cao và bắt đầu mê sảng. Gia đình đưa cháu đi Bệnh viện Đa khoa Hải Dương rồi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Điều đáng ghi nhận là năm nay, những trường hợp trẻ bị VNNB thương tâm đã giảm so với mọi năm, do các gia đình đã đưa con em đi tiêm vaccin từ trước đó. Nhưng điều đáng buồn là vẫn còn nhiều trẻ mắc bệnh, chủ yếu tập trung vào trẻ lớn - khi trẻ đã qua tuổi được lưu ý tiêm vaccin. 

Viêm não do virus là bệnh xảy ra quanh năm với nhiều tác nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân do virus VNNB chiếm khoảng 30% các ca bệnh - PGS.TS Phạm Nhật An, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết. Tuy nhiên, vào mùa hè, các ca bệnh nhập viện thường tăng cao, có những thời điểm tại khoa có khoảng 15 trường hợp và đều rất nặng.

Còn theo TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh VNNB thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm, đỉnh của bệnh thường rơi vào tháng 6 và 7. Hiện tại đang là thời điểm có nhiều điều kiện cho bệnh gia tăng, như có nhiều ổ chứa virus trên chim, dơi, chuột… do chúng tụ tập ăn quả chín. Ngoài ra, virus lây từ lợn cũng nguy cơ lớn, do nhiều hộ gia đình ở nông thôn nuôi lợn gần nhà.

Với điều kiện thời tiết nóng ẩm, đồng lúa vừa gặt xong, nhiều vườn cây quả chín..., muỗi Culex sinh sôi mạnh và là trung gian lây truyền virus VNNB từ chim, dơi, chuột, lợn sang người. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất. 

Bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh

VNNB là bệnh để lại nhiều di chứng nặng nề, kéo dài ở hệ thần kinh như hạn chế vận động, chậm phát triển trí tuệ... cho trẻ, với tỷ lệ tử vong khoảng từ 0,3-60%, tùy theo thời gian phát hiện bệnh sớm và trình độ kỹ thuật hồi sức cấp cứu chống phù não, suy hô hấp, trụy tim mạch và chống bội nhiễm.

Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh VNNB, phương pháp chủ yếu điều trị là trợ sức và điều trị triệu chứng. Do đó, tiêm vaccin VNNB là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả và quan trọng nhất.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ, với những trẻ chưa được tiêm vaccin, nếu các gia đình chú ý phòng bệnh thì vẫn có thể hạn chế lây lan. Cụ thể, nên vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng nơi ở, nên làm chuồng trại chăn nuôi xa, tránh cho muỗi từ chuồng trại có cơ hội đốt người; lúa đã thu hoạch nên tháo nước ở các ruộng để muỗi Culex không có điều kiện sinh sôi; tránh để trẻ em cởi trần, chơi nghịch ở gần chuồng trại, bụi rậm, vườn cây, đặc biệt chiều tối là thời điểm muỗi Culex hoạt động mạnh.

Đối với trẻ đã tiêm vaccin VNNB, cũng vẫn nên duy trì phòng bệnh hằng ngày, vì nó sẽ giúp phòng ngừa được nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác

Thanh Loan
.
.
.