Việc học tập của con em đồng bào Khmer ở Sóc Trăng ngày càng tốt hơn

Thứ Bảy, 03/10/2009, 18:56
Mấy năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc Khmer nên công tác dạy học ở vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng đã có nhiều khởi sắc.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer với gần 400.000 người, chiếm trên 29,8% số dân toàn tỉnh, và là tỉnh có nhiều người dân tộc Khmer nhất ở khu vực ĐBSCL. Phần lớn người Khmer ở Sóc Trăng sinh sống bằng nghề nông và sống tập trung ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều năm trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn nên bà con chưa quan tâm đến việc học hành của con cái.

Mấy năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc Khmer nên công tác dạy học ở vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng đã có nhiều khởi sắc.

Ở ấp Prây Chóp B, xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu, gia đình ông Nghiêm Sang được nhiều người dân địa phương nể phục không chỉ ở đức tính chịu thương chịu khó trong sản xuất, mà còn cố gắng nuôi các con ăn học thành tài. Hơn 20 năm qua, vợ chồng ông bươn chải với đủ công việc, nuôi 5 người con học. Với thành tích đó, gia đình ông được tỉnh biểu dương là "Gia đình hiếu học".  

Nói đến việc học hành của con em đồng bào Khmer, có lẽ ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) được xem là điển hình trong việc khuyến khích, chăm lo cho con em học tập. Phó Chủ tịch xã, Ngô Quang Thế, tâm sự: "Trước đây bà con Khmer thường suy nghĩ: Không có cái ăn mới chết, không có cái chữ chẳng sao, nên thường không quan tâm đến việc học của con em, bây giờ so với hồi xưa khác lắm! Họ đã biết lo cho con được cái chữ là mục tiêu hàng đầu".

Toàn xã hiện có hơn 400 học sinh Khmer thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Gia đình ông Diệp Tấn Phường, ở ấp Đại Chí là một trong những trường hợp tiêu biểu. Ông Phường quanh năm suốt tháng làm việc vất vả ở đồng ruộng, vợ đẩy xe bán bánh mì, nhưng đã nuôi ba người con ăn học thành đạt.

Việc ngày càng có nhiều con em đồng bào Khmer theo học đại học, trước hết là nhờ tác động từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giáo dục từ tỉnh đến cơ sở, phù hợp với đặc thù của vùng đồng bào Khmer.

Đến nay, Sóc Trăng đã xây dựng được 6 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, một trường cấp tỉnh; các xã, phường vùng đồng bào Khmer đều có trường tiểu học, trung học cơ sở và không còn trường tre lá, tạm bợ. Học sinh con em đồng bào Khmer nghèo được miễn học phí và không phải đóng các loại qũy, được hỗ trợ dụng cụ học tập, sách vở, quần áo… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến trường.

Nhờ vậy, tình hình giáo dục vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng không ngừng phát triển

N.Thơ - L.X.
.
.
.