Việc giải toả đăng đáy cá ở Cần Thơ: Nghề “hạ bạc” đã không còn đất sống!

Thứ Năm, 01/05/2014, 20:14
Hàng loạt gia đình sống bằng nghề đăng đáy cá trên sông đang đối mặt với tình trạng trắng tay khi ngành chức năng TP Cần Thơ kiên quyết giải toả. Đăng đáy cá là nghề “cha truyền con nối”, có hộ đã qua 3, 4 thế hệ đều làm nghề này. Hiện nay, việc này đã và đang ảnh hưởng đến luồng tàu chạy, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa…

“Giải tỏa, chúng tôi không biết làm gì!”

Đó là tâm trạng trung của nhiều hộ dân đang sống bằng nghề đăng đáy cá trên sông khi biết nghề “kiếm cơm” hàng ngày sẽ bị xóa sổ. Những ngày qua, ông Lê Tấn Phát (69 tuổi, ngụ KV 1, tổ 2, phường Hưng Phú, quận Cái Răng) thấp thỏm lo âu vì không biết gia đình mình sẽ chuyển sang nghề gì để sống khi không làm nghề đáy cá nữa.

Vợ chồng ông Tân có thâm niên 40 năm làm nghề đóng đáy trên sông Hậu. Không những thế, 6 người con của ông cũng nối nghiệp cha theo nghề. Những thủy sản đánh bắt được trên sông Hậu là nguồn thu nhập chính yếu cho gia đình ông Tân cùng những đứa con.

Ông Tân bộc bạch: “Từ đời cha, đến đời tui rồi mấy đứa con cũng sống bằng nghề này, nó như nồi cơm nuôi sống gia đình hằng ngày. Nhà nước giải toả các miệng đáy trên sông, gia đình chúng tôi đều đồng ý. Nhưng cái cái khó là lên bờ chưa biết làm gì để mưu sinh vì không nghề nghiệp, vốn liếng. Tui già rồi, nếu chuyển nghề thì tui cũng không làm gì được”.

Nghề đóng đáy trên sông Hậu.

Theo ông Tân, ngày trước để đầu tư một dàn đáy cũng hết mấy lượng vàng, so với giá đất thì cũng được vài ba công (sào) ruộng. Giờ không đóng đáy thì những thứ này trở thành cũng vô nghĩa”.

Cũng giống như gia đình ông Tân, ông Trần Bá Nhuận (50 tuổi, ngụ cồn Ấu, khu vực 1, phường Hưng Phú, Cái Răng) có cả dòng họ đến 8 gia đình sống bằng nghề đóng đáy. Anh Tân biết nghề đóng đáy từ khi 14-15 tuổi. Mấy anh em trong gia đình cũng sống bằng nghề này, rồi con cái anh cũng vậy, mỗi người một miệng đáy. Người may mắn thì có miếng đất, cất nhà cặp mé sông, còn không thì sống trên ghe.

“Mỗi miệng đáy đầu tư hết khoảng 20 triệu đồng. Nhưng nhờ nó mà có cơm sống qua ngày. Nếu nghỉ đóng đáy giờ không biết làm gì, ở đâu khi lên bờ sống. Vì hồi nào giờ sống trên ghe rồi đóng đáy quen rồi. Khi giăng được cá thì vợ tôi đem ra chợ bán, mua gạo”, ông Nhuận thở dài.

Ngành chức năng thống kê các miệng đáy trên sông.

Qua khảo sát của các ngành chức năng, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 17 hàng với 62 miệng đáy của 55 hộ dân tập trung trên các tuyến sông Cần Thơ, kênh xáng Xà No, rạch Phong Điền và rạch Ba Láng. Ngoài ra, còn có 42 miệng đáy lưu động trên sông Hậu của người dân ở tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt, Phó Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa (Sở GT-VT TP Cần Thơ) cho biết: “Đây là nghề mưu sinh của khá nhiều hộ dân, nhưng loại hình đăng đáy cá này đang gây ảnh hưởng rất lớn đến trật tự ATGT đường thủy. Do đó, UBND TP Cần Thơ vừa thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) giải tỏa đăng đáy cá trên luồng đường thủy nội địa và luồng hàng hải. Mục đích chính là bảo vệ tính mạng, tài sản của người và phương tiện tham gia giao thông trên sông”.

Cần tạo việc làm khi chuyển đổi nghề

Anh Lê Tấn Tài (39 tuổi, con ông Tân) cũng nối nghiệp cha, theo nghề đăng đáy cá gần 20 năm trời. Dù thức đêm, dậy sớm, chống chọi với thời tiết, con nước nhưng gia đình anh vẫn thuộc hộ nghèo. Theo anh Tài, thu nhập bình quân nghề đáy, mỗi tháng cũng được 6-7 triệu đồng đủ nuôi sống gia đình 4 miệng ăn.

Anh Tài than thở: “Nếu Nhà nước hỗ trợ tiền đáy thì giá trị cũng không được bao nhiêu. 5-10 triệu cũng chỉ sống đắp đổi qua ngày, chứ cũng không có tiền chuyển đổi sang nghề mới. Mấy ngày nay, vợ chồng cũng suy nghĩ tìm nghề mới nhưng cũng chưa nghĩ ra”. Nguyện vọng của anh Tài, nếu nghỉ nghề đóng đáy anh cũng mong muốn có chiếc xe gắn máy đàng hoàng, chạy xuống Cà Mau lấy cá mang về cho vợ bán ngoài chợ.

Ông Lê Thuận Bé, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Cần Thơ cho biết, BCĐ giải tỏa đăng đáy cá đã thành lập 2 tổ công tác, có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương chủ động điều tra, thống kê từng vị trí hàng đáy.

BCĐ cũng yêu cầu chủ sở hữu từng miệng đáy tự kê khai đáy cá để làm cơ sở xem xét đề xuất UBND TP Cần Thơ mức chi phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Đồng thời tiến hành đo đạc, khảo sát lập hồ sơ chi tiết tại vị trí mỗi hàng đáy để xác định lý trình sông, kênh.

Theo bà Trần Thị Xuân, Phó Trưởng Ban ATGT TP Cần Thơ, sau khi khảo sát, thống kê, lực lượng chức năng sẽ tiến hành giải tỏa các hàng đáy gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT đường thủy và cho duy trì hoạt động đáy cá trên sông đối với những chủ đáy cá không ảnh hưởng đến luồng tàu chạy, nhưng phải có giấy phép của cơ quan thẩm quyền cấp.

Trong phương án giải tỏa đáy cá, đối với các trường hợp giải tỏa trắng, Ban ATGT TP Cần Thơ sẽ đề nghị UBND thành phố và các ngành chức năng xem xét có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho từng chủ đáy cá, tạo điều kiện cho họ có nghề mới, làm ăn, ổn định cuộc sống

Văn Vĩnh
.
.
.