Vì sao tỉ lệ tiêm chủng cao nhưng số trẻ mắc sởi vẫn nhiều?

Chủ Nhật, 16/02/2014, 15:20
Bệnh sởi có thể tiếp tục xảy ra thành dịch tại nhiều địa phương trong những tháng tới, khi hiện số người mắc sởi vẫn tăng ở 2 miền Nam và Bắc. Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại cuộc họp đột xuất với các tỉnh vào ngày 15/2 để bàn các biện pháp ứng phó trước diễn biến của dịch sởi.

Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 993 ca mắc sởi tại 24 tỉnh, thành (những tháng cuối năm 2013 đã có 1.048 ca mắc), trong đó, 3 ca đã tử vong tại Hà Nội và Yên Bái. Số mắc tập trung tại 5 địa phương: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tình hình dịch đang có xu hướng gia tăng tại 2 miền Bắc và Nam. Riêng ở Hà Nội, TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, con số mắc đã là 351 trường hợp, trong đó, 143 trường hợp đã được xét nghiệm. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ tháng 10/2013 đến nay, số người mắc sởi trên địa bàn cũng gia tăng, hiện nhiều nhất ở quận 8.

Điểm khác biệt của đợt dịch lần này với các lần trước là đối tượng mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi. Tuy nhiên, cho đến nay, cũng chưa có gì đảm bảo, đối tượng là thanh niên có mắc sởi nhiều như vụ dịch 2009 không. Đặc biệt, nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng (9 tháng) cũng bị mắc. Mà theo TS. Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TW, thì những trường hợp này thường bệnh nặng. Hiện, mỗi ngày, BV Nhi vẫn tiếp nhận 8-10 trẻ bị sởi nhập viện, có ngày tới 16 ca, trong đó 40% là trẻ dưới 9 tháng tuổi – đối tượng chưa đến tuổi tiêm phòng.

 

Số trẻ mắc sởi phải nhập viện vẫn tiếp tục tăng.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh lưu ý: Hiện đã có 19/22 tỉnh, thành phía Nam có người mắc sởi, trong đó, TP Hồ Chí Minh chiếm 65%. Đặc điểm của dịch sởi lần này là chủng virus xuất hiện lần đầu ở phía Nam, được xâm nhập từ nước ngoài về và là chủng sởi có nhiều ở Trung Quốc, Malaysia, có độc lực và độ lây truyền như chủng cũ. PGS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh vấn đề cần quan tâm là: dịch sởi lần này chỉ xảy ra ở trẻ mà không xảy ra ở người lớn, trong khi trẻ chỉ ở nhà. Như vậy, phải sớm xác định nguồn lây từ đâu? Một điểm khác biệt ở phía Nam là số lượng trẻ tiêm phòng sởi theo dịch vụ ngang bằng số trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Hơn nữa, cần tăng cường hoạt động giám sát, điều tra rộng hơn để có bức tranh đầy đủ về bệnh sởi, vì hiện mới chỉ tiến hành ở các BV lớn, như BV Nhi đồng 1 và 2. Một số đơn vị đã kiến nghị xem xét lại thời gian tiêm phòng cho trẻ theo ý kiến của một số chuyên gia nước ngoài là bắt đầu khoảng 6 tháng tuổi, khi năm nay, đồng loạt xuất hiện nhóm trẻ mắc bệnh là dưới tuổi phải tiêm phòng.

Bộ Y tế cho rằng, số trẻ mắc sởi có xu hướng tăng là do chưa được tiêm vaccin, hoặc tiêm chưa đủ mũi, vì cha mẹ lo sợ biến chứng sau những rủi ro của vaccin Quinvaxem. Còn số trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc sởi, Bộ Y tế lý giải là do các nguyên nhân: người mẹ chưa mắc sởi bao giờ nên không có kháng thể sởi truyền cho trẻ; bà mẹ được tiêm vaccin nhưng nồng độ không đủ cao để bảo vệ cho trẻ hoặc hệ thống miễn dịch của trẻ không có khả năng duy trì nồng độ kháng thể từ mẹ truyền sang; do các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ nên trẻ không có sự miễn dịch từ sữa mẹ.

Tuy nhiên, những phân tích về nguyên nhân dẫn đến dịch sởi năm nay vẫn khiến chúng ta không thể không băn khoăn, khi kết quả tiêm chủng ở các tỉnh đang có số người mắc nhiều nhất cho thấy đều không phải là ở các “vùng lõm” trong chiến dịch tiêm phòng sởi, như Bộ Y tế đánh giá. Trong khi tỉ lệ tiêm phòng sởi mũi 1 ở Hà Nội là 99,4% và tiêm mũi 2 cũng tới 93,5%, thì vẫn có 351 trường hợp ở rải rác 61 phường của 19 quận, huyện. Yên Bái là nơi có tới 422 ca mắc và 2 ca tử vong, hầu hết thuộc các huyện vùng cao như Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Nghĩa Lộ vv… lại là tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccin sởi mũi 1 đạt cao, 97,9%, tỷ lệ tiêm sởi mũi 2 đạt 80,5%. Ở Lào Cai, nơi đang có 179 người mắc thì kết quả cũng rất cao: tiêm mũi 1 là 99,6% và tiêm mũi 2 là 92,3%. Còn Sơn La cũng đang có 104 trường hợp, cũng là địa phương có tỉ lệ tiêm sởi mũi 1 đạt tới 96,1% và tỷ lệ tiêm mũi 2 là 91,6%. Hay TP Hồ Chí Minh tỷ lệ tiêm mũi 1 là 98%, còn mũi 2 là 72,1%.

Vì thế, những con số này cho phép đặt ra hàng loạt câu hỏi mà chỉ khi giải đáp thỏa đáng mới có thể đối phó hiệu quả với tình hình dịch dự báo sẽ còn diễn ra trong thời gian tới, nhất là vào tháng 3, vốn là đỉnh dịch: Kết quả tiêm phòng cao ngất này là thật hay ảo? Nếu là thật, thì sao vẫn xảy ra dịch? Do chất lượng vaccin, hay do vaccin đã không còn phù hợp với chủng virus hiện nay? Bởi ở Hà Nội, có 3 trường hợp được tiêm phòng đầy đủ 2 mũi, đúng thời gian, vẫn bị mắc. Việc rất nhiều bé dưới tuổi tiêm phòng bị mắc sởi, như ở BV Nhi TW và địa bàn Hà Nội cho thấy có tới 42%, được chỉ ra có nguyên nhân do nuôi con không bằng sữa mẹ. Thế nhưng đại đa số các bà mẹ ở vùng nông thôn đều nuôi con bằng sữa mẹ, mà các bé chưa đến tuổi tiêm phòng cũng hầu hết ở nông thôn, vẫn bị mắc. (Riêng ở Tây Nguyên, con số thống kê cho thấy 83% số mắc là đồng bào dân tộc thiểu số).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, thời gian tới, bệnh sởi có thể tiếp tục xảy ra thành dịch tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh biên giới với các nước đang có dịch diễn biến phức tạp và chủ yếu ở nhóm người chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi, vùng có dân cư biến động cao. Vì thế, các địa phương sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm và tiêm chưa đủ, ước khoảng 194.000 cháu. Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn lượng vaccin, vật tư tiêm chủng và hỗ trợ các địa phương triển khai tiêm chủng. Ngoài 137 tỷ, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng để được bổ sung 66 tỷ cho tiêm phòng.

Thanh Hằng
.
.
.