Vì sao nhiều trường đại học ngoài công lập đứng trước nguy cơ tan rã?

Thứ Bảy, 06/04/2013, 09:39

Báo CAND đã từng có bài phản ánh về tình trạng nhiều trường ĐH ngoài công lập đang có nguy cơ đóng cửa khi họ rơi vào tình cảnh nhiều năm không tuyển đủ thí sinh, thậm chí có nhiều ngành đã bị Bộ GD&ĐT yêu cầu dừng tuyển sinh, đóng cửa. Cho đến nay, câu chuyện trường đại học ngoài công lập đứng trước ngưỡng cửa phá sản vẫn còn nguyên tính thời sự, nhất là khi một mùa tuyển sinh nữa đang tới gần. Có khá nhiều quan điểm xuất hiện xung quanh câu chuyện này.

Và cũng đã có những cuộc họp “khẩn” để cứu trường ngoài công lập. Nhưng để tìm được giải pháp dài hơn, giúp trường ngoài công lập ổn định, bền vững thì không thể một sớm một chiều…

Không tuyển được thí sinh, nhiều ngành đã tạm dừng, đóng cửa, lỗi do đâu? Trong hoàn cảnh đó, các trường ngoài công lập sẽ tự cứu mình như thế nào? Các nhà hoạch định chính sách sẽ có điều chỉnh gì để không lặp lại thực trạng buồn này? Đáp ứng yêu cầu bạn đọc, Báo CAND đã trở lại vấn đề này…

           Bài 1:  Trường ngoài công lập - khi giáo dục phi lợi nhuận

Hơn 20 năm qua, các trường đại học ngoài công lập (NCL) đã song hành và khẳng định được sự tồn tại phát triển của mình trong hệ thống giáo dục đại học, khẳng định chủ trương đúng đắn và có tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta về xã hội hóa giáo dục.

Theo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam, với quy mô sinh viên chiếm 14,7% tổng sinh viên cả nước, các trường ĐH, CĐ NCL đã đào tạo cung cấp cho xã hội hàng chục vạn lao động trình độ ĐH, CĐ mà nhà nước không phải bỏ kinh phí chi cho đào tạo. Đồng thời, đang tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn nhà giáo, cán bộ, nhân viên làm việc cho các nhà trường.

Phần lớn các trường ĐH, CĐ NCL tuy khuôn viên chưa rộng lớn, nhưng có cơ sở khang trang, có thiết bị dạy học tương đối đủ cho các ngành nghề đào tạo. Về cơ bản đã vượt qua tình trạng trường lớp tạm thời thuê mướn. Các trường cũng bằng nhiều biện pháp từng bước xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ cơ hữu; chủ động tiếp thu và tiếp cận nhanh với các chương trình đào tạo tiên tiến.

Nhiều trường chú trọng bổ sung các kỹ năng như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm cho sinh viên… Trong số đó, có một trường đại học NCL hiếm hoi kiên trì và bền bỉ với phương châm giáo dục không vì lợi nhuận, dù chặng đường đó gặp vô vàn khó khăn. Đó là ĐH Thăng Long.

Đến ĐH Thăng Long ngày hôm nay, chúng tôi đều cảm thấy choáng ngợp bởi một không gian sư phạm thoáng đãng, kiến trúc hiện đại mà nhiều trường công lập mơ cũng không có được. Cơ sở này xây trong một khuôn viên hơn 20.000 m2 với 32.500 m2 diện tích sàn, gồm một toà nhà học tập 7 tầng; một toà nhà 9 tầng dành cho labo, máy tính, hội thảo, xêmina, bảo vệ luận án, hành chính, điều hành, và một tầng làm nhà ở cho giáo sư nước ngoài đến Trường giảng dạy.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học KH&CN Hà Nội. Ảnh: Ngọc Bích.

Trường có hai giảng đường 220 chỗ, có một hội trường 600 chỗ có thể dùng cho hội thảo, giảng bài, hoà nhạc và chiếu phim, một thư viện, một nhà thể chất và một nhà ăn… Khi chúng tôi hỏi, trong khi nhiều trường NCL đang lay lắt, vì sao Thăng Long vẫn phát triển thì Giáo sư Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị và cũng là người đầu tiên khởi xướng thành lập trường đã thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi rằng, khó có thể kể hết những khó khăn mà bà và các cộng sự, đồng nghiệp đã trải qua. Là trường đại học ngoài công lập đầu tiên được thành lập, trường phải mất 6 năm để thực hiện mô hình thí điểm.

Nhưng ngay cả khi bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh thì trường đã trung thành với mục tiêu không vì lợi nhuận. Chính vì sự trung thành này mà Trường đã được sự giúp đỡ vô tư của Trường Đại học Quản lý Paris về học bổng cũng như về học thuật, hay sự giúp đỡ về tài chính của một số tổ chức phi chính phủ. Và có lẽ cũng vì thế mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuyển đổi đầu tiên Trường Đại học dân lập Thăng Long, trong 19 trường đại học dân lập cả nước, thành Trường Đại học Thăng Long phi lợi nhuận.

Và bà rất trân trọng quan điểm “phi lợi nhuận” đó và nhiều thời điểm rất khó khăn nhưng ĐH dân lập Thăng Long lúc đó cũng không bao giờ lấy đủ chỉ tiêu. Bộ cho 1.000, trường chỉ lấy 450 hay cùng lắm là 500 sinh viên đạt điểm chuẩn, quyết không hạ thấp điểm chuẩn để đảm bảo chất lượng. Có khóa chỉ có 30 sinh viên, thậm chí 6 sinh viên.

Đồng nghĩa với việc này, trường phải đối mặt với vô vàn khó khăn về tài chính, liên tiếp bù lỗ cho đến năm 2006, tức là bù lỗ ròng rã 18 năm trời. 12 năm thành lập, quy mô của trường mới đạt 1.200 sinh viên, trong khi phải có quy mô 2.000 sinh viên thì mới đủ thu bù chi. Giáo sư Hoàng Xuân Sính tâm sự: “Đầu vào đã quan trọng rồi, nhưng không quan trọng bằng quá trình đào tạo. Chúng tôi chủ trương bằng mọi giá phải giữ chất lượng đầu vào.

Là một trong những trường đầu tiên áp dụng đào tạo theo tín chỉ, nhưng có sinh viên 9 năm mới ra trường được, tức là phải trả nợ đủ tín chỉ mới được ra, không thể xuề xòa dễ dãi. Chúng tôi hứa với nhau phải phát triển nhà trường theo lộ trình như sau: 20 năm xây dựng cơ sở vật chất, 40 năm xây dựng đội ngũ. Tôi quan niệm, những gì liên quan đến con người, như đào tạo sinh viên hay nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên thì không thể đốt cháy được”.

Sinh viên ĐH Thăng Long được tiếp cận với phương pháp học tập tiên tiến, có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo CAND về giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Bùi Văn Ga cho hay, không phải trường NCL nào cũng yếu kém, những trường yếu kém phải xem lại chính mình, “tiên trách kỷ” vì vẫn có những trường ở phía Nam dư thừa nguồn tuyển và năm nào cũng tuyển hết chỉ tiêu Bộ giao. ĐH Văn Lang là một điển hình.

Trường có quy mô 11.000 sinh viên, đào tạo 18 ngành, trong đó có những ngành có điểm tuyển sinh khá cao. Năm 2012, ngành Thiết kế nội thất (26,5), ngành Thiết kế Đồ họa (24,5), ngành Kiến trúc (23.5) (các khối V, H môn vẽ nhân đôi), ngành Tài chính Ngân hàng (16.0), ngành Kế toán (15.0). ĐH Ngoại ngữ & Tin học TP HCM cũng là một trường NCL đã khẳng định được thương hiệu.

Trường đã có 22 chuyên ngành đào tạo, số lượng tuyển sinh hằng năm luôn giữ vững trên 2000. Trên 95% trong số 13.640 SV tốt nghiệp của trường đều nhận được việc làm phù hợp và được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. ĐH Hoa Sen có nhiều nhóm ngành đào tạo được sinh viên rất ưa chuộng như ngành: Khách sạn - nhà hàng, Thí nghiệm Hóa - môi trường, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất và Quản trị nhân lực với điểm chuẩn và tỉ lệ chọi cực cao.

Quy mô đào tạo không ngừng mở rộng, đến nay trường đang đào tạo 39 chuyên ngành bậc ĐH-CĐ, và 5 ngành đào tạo hợp tác quốc tế, với quy mô hơn 30.000 sinh viên. Đại học Lạc Hồng đã có 11 khoa đào tạo 21 ngành nghề trình độ đại học, 4 ngành đào tạo sau đại học với quy mô hơn 24.000 sinh viên. Trường liên tiếp giành giải cao nhất của cuộc thi Sáng tạo Robocon Việt Nam và Châu Á - Thái Bình Dương.

Câu chuyện về những trường đại học NCL nói trên đã để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm, nhất là trong bối cảnh lại có quá nhiều trường NCL khốn khó, lay lắt có phải vì họ đã tự đánh mất mình vì mục tiêu lợi nhuận?

Thu Phương
.
.
.