Vì sao container thành "nỗi ám ảnh trên đường"?

Thứ Sáu, 06/02/2009, 14:34
Do hàng hóa có giá trị cao nên khi xảy ra tình huống, nhiều lái xe container cốt giữ hàng hoá hơn là mạng người. Vì nếu xảy ra tai nạn làm người khác thiệt mạng bảo hiểm cũng chỉ trả mức cao nhất 30 triệu đồng, trong khi đó nếu để xe đổ, làm hàng hóa hỏng, lái xe bán cả gia tài cũng không đủ đền chủ hàng.

Hải Phòng có lượng ôtô vận tải lớn thứ 2 cả nước với 1.400 đầu mối tham gia vận tải hàng hóa. Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại, hiện vẫn đang tồn tại nỗi lo canh cánh của người tham gia giao thông khi những vụ tai nạn do xe container gây ra mỗi ngày một gia tăng...

Những "hung thần" xa lộ

Trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu ít ngày, tại nút giao thông Lê Lai - Lê Thánh Tông (quận Ngô Quyền, Hải Phòng), một vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra trước sự chứng kiến của hàng trăm người. Một cặp vợ chồng trẻ mới lấy nhau đã bị một chiếc xe container chồm lên cán chết ngay trên điểm dừng đèn đỏ.

Điều khiển chiếc xe chính là chủ xe. Do lái chính nghỉ đột xuất, chủ xe tự lái phương tiện đi lấy hàng. Lâu ngày không cầm vô lăng, đến vạch sơn trước đèn đỏ, thay vì đạp côn, phanh, anh ta lại thúc vào chân ga gây nên cái chết bi thảm của 2 người vô tội.

Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ tai nạn với đủ loại cấp độ khác nhau liên quan đến những "hung thần" container trên địa bàn Hải Phòng những năm qua, làm thiệt hại hàng tỷ đồng tài sản phương tiện, công trình kỹ thuật giao thông, cướp đi bao sinh mạng của người vô tội.

Một thực tế khác ít người biết tới đó là ở các cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ rất ít đầu xe kéo container và rơ moóc chở container. Bởi đây là những loại xe đắt tiền. Chính vì vậy, các trường chỉ có xe tập lái trọng tải đến 5 tấn. Và các cánh lái xe "công" được ra lò từ những chiếc xe này(!).

Rồi nữa, ở các cơ sở đào tạo cũng hầu như không có sa hình cho loại xe kéo rơ moóc chở container dành cho học sinh luyện tay lái trong khi giáo viên đủ trình độ dạy lái xe container chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Rõ ràng, với thực trạng trên, chất lượng của những lái xe có bằng hạng để điều khiển những chiếc "công" nặng tới 40 feet quả là nỗi lo đáng bàn !

Một lái xe "công" đã có thâm niên 10 năm cho biết: Lái xe được xếp vào nghề nguy hiểm nhưng lái container, xe siêu trường, siêu trọng còn nguy hiểm hơn nhiều. Song vì mưu sinh, họ vẫn phải gắn chặt với vô lăng.

Không chỉ căng thẳng đối phó khi phạm Luật Giao thông, xe container chạy đường dài thường đi vào ban đêm, đến hôm sau trả hàng xong mới về bãi hoặc chở hàng đi tiếp. Ròng rã một tuần như thế, không có lái xe nào có thể đủ sức khỏe để tiếp tục cầm vô lăng. Nhiều tài xế quá mệt đã ngủ gật trên đường và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải đường bộ Hải Phòng (HATA) Phạm Trọng Thịnh cho biết: Hiện có khá nhiều lái xe sử dụng ma túy khi điều khiển xe container, song các chủ xe và ngành Y tế chưa hề có một cuộc tổng điều tra sức khỏe cho họ.

Trả lời câu hỏi, tại sao khi đến hạn đổi giấy phép lái xe, không kiểm tra lại sức khỏe lái xe? Một cán bộ của Sở GTVT Hải Phòng cho rằng họ chỉ căn cứ vào giấy khám sức khỏe do ngành Y tế cấp. Được biết, hiện chỉ cần bỏ 40 - 60 nghìn đồng là có thể mua được giấy khám sức khỏe với dấu son đỏ chót.

Một vấn đề đáng lo ngại nữa là sự xuống cấp về đạo đức người lái xe. Xe container rất cao, dài trên 10m, khi vào "cua" thường văng đuôi vào người tham gia giao thông.

Một phần do hàng hóa có giá trị cao nên khi xảy ra tình huống, nhiều lái xe cốt giữ hàng hoá hơn là mạng người. Vì nếu xảy ra tai nạn làm người khác thiệt mạng bảo hiểm cũng chỉ trả mức cao nhất 30 triệu đồng, trong khi đó nếu để xe đổ, làm hàng hóa hỏng, lái xe bán cả gia tài cũng không đủ đền chủ hàng.

Nghe thông tin này, ai cũng phải sởn da gà. Hóa ra, mạng người quá rẻ và không ít lái xe đang rất xem thường tính mạng người tham gia giao thông.

Trách nhiệm từ nhiều phía

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT Hải Phòng) cho biết: Hải Phòng có trên 1.400 doanh nghiệp, HTX và hộ tư nhân làm nghề kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ.

Số lượng phương tiện các hội viên HATA đang quản lý tới hơn 13 nghìn đầu kéo, 4.000 rơ moóc, hàng nghìn vỏ container. Hiện, cứ tổ chức, cá nhân có tiền mua ôtô tải, xe container, xe siêu trường, siêu trọng, được đăng kiểm cấp phép lưu hành, thuê lái xe có giấy phép theo hạng quy định đều có thể hoạt động vận tải.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu các đối tượng này tuân thủ các quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý đối với nhóm phương tiện và người lái loại xe này không đơn giản. Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Đàm Xuân Lũy thừa nhận: Công tác quản lý nhóm phương tiện vận tải hàng hoá chưa được chặt chẽ và chưa kiểm soát hết theo trách nhiệm.

Một vấn đề khác, các cơ quan chức năng kể cả các quận, huyện hầu như không nắm được số liệu và tình hình hoạt động của nhóm phương tiện này cũng như với các chủ xe, lái xe. Các chế độ báo cáo về SXKD của doanh nghiệp mang tính tự phát. Đặc biệt, Nghị định 92/2001/CP không quy định loại hình kinh doanh vận tải đường bộ phải đăng ký hoạt động và chịu sự quản lý của cơ quan chuyên ngành Vận tải.

Đó là chưa nói, Hải Phòng hiện quá thiếu bãi đỗ xe tải có trọng tải lớn. Các xe "công" choán hết phần đường của các phương tiện khác, tham gia giao thông, vừa che khuất tầm nhìn vừa gây ùn tắc giao thông nhất là vào giờ cao điểm. Việc phân luồng giao thông đối với nhóm phương tiện vận tải còn chưa hợp lý. 

Được biết, số lượng xe tải hết niên hạn sử dụng ở thành phố đã lên tới con số hàng ngàn trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cần thiết cho vay ưu đãi. Việc quy định hạn chế tốc độ trên các tuyến đường còn nhiều điểm chưa phù hợp, tải trọng của hệ thống cầu đường chưa đáp ứng khả năng vận chuyển của các phương tiện dẫn tới chi phí và thời gian vận chuyển hàng hoá chậm trễ, ách tắc gây thiệt hại cho các doanh nghiệp trong SXKD và tiêu thụ sản phẩm

Hải Long
.
.
.