Vì sao chủ hàng nghìn môtô, xe máy phạm luật “bỏ của chạy lấy người”?

Thứ Bảy, 22/03/2014, 20:03
Sau khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Bình Thuận lập biên bản đối với các lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, chủ nhân của hàng nghìn môtô, xe máy đã "bỏ của chạy lấy người”. Hết thời hạn tạm giữ phương tiện, cơ quan Công an đã thông báo cho người điều khiển phương tiện vi phạm tới làm thủ tục nhưng đều không nhận được sự hợp tác.

Quá trình xác minh, cơ quan Công an phát hiện ra các phương tiện vi phạm đang tạm giữ đều là xe bất hợp pháp hoặc không có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, quá trình xử lý đối với các phương tiện vi phạm lại không đơn giản.

Tới trụ sở Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận những ngày này, chúng tôi thấy hàng trăm môtô, xe máy dựng đầy sân với từng lớp bụi dày đặc chồng chất lên nhau. Nhìn những chiếc xe có giá trị khá cao bạc màu, hoen rỉ, xịt lốp và thậm chí là vỡ từng mảng nhựa lăn lóc khắp nơi, chúng tôi thật sự thấy xót xa. Theo báo cáo của Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận, từ tháng 7/2013 đến tháng 12/ 2013, các đơn vị Công an trên toàn tỉnh đang tạm giữ hơn 4.000 môtô, xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó chỉ tính riêng số phương tiện bị tạm giữ tại Phòng CSGT Công an tỉnh là gần 200. Và điều đáng nói là đến nay đã quá thời hạn giải quyết nhiều tháng nhưng chủ phương tiện vi phạm không đến cơ quan Công an giải quyết dù đã có giấy mời nhiều lần. Đây không phải là lần đầu tiên, các phương tiện vi phạm Luật Giao thông "dầm mưa, dãi nắng” ngày này qua ngày khác mà nhiều năm qua, rất nhiều phương tiện vi phạm đều trong cảnh “đắp chiếu” chờ giải quyết, bởi chủ nhân đều bỏ rơi chúng.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND về việc xử lý môtô, xe máy vi phạm trật tự an toàn giao thông quá thời hạn tạm giữ nhưng không đến giải quyết, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thanh, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, thủ tục giải quyết các trường hợp vi phạm giao thông tại Phòng CSGT Công an tỉnh cũng như tại Đội CSGT Công an các huyện, thành phố, thị xã rất đơn giản và thuận lợi. Người điều khiển phương tiện sau khi xuất trình đầy đủ các giấy tờ có liên quan, cán bộ thụ lý sẽ giải quyết nhanh chóng.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, hầu hết các phương tiện vi phạm đang bị tạm giữ tại Phòng CSGT đều không có ý thức hợp tác với cơ quan Công an làm nhiệm vụ. Nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng xe vi phạm tồn đọng nhiều như hiện nay là do chủ phương tiện vi phạm sau khi bị lập biên bản xử lý, thấy lỗi xử phạt nặng đã không đến nộp phạt mà bỏ xe luôn. Nhưng lý do quan trọng hơn là các phương tiện vi phạm đều là xe trộm cắp, xe tự lắp ráp, xe gắn biển kiểm soát giả, xe có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng nên chủ phương tiện đã không đến làm thủ tục giải quyết.

Hàng trăm môtô, xe máy vi phạm Luật Giao thông đang “dầm mưa, dãi nắng” tại Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận. ảnh: Nguyễn Hưng.

Về hướng giải quyết xe tồn đọng, tránh để tiền tỷ “dầm mưa, dãi nắng”, gây lãng phí tiền bạc, kéo dài cả về giá trị sử dụng phương tiện lẫn bãi trông giữ xe như hiện nay, đại diện Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận cho rằng, khi đã có căn cứ xác định người điều khiển phương tiện không đến làm thủ tục nộp phạt, nhận lại xe vi phạm theo quy định, các đơn vị chức năng cần rút gọn hơn nữa các thủ tục liên quan đến tịch thu phương tiện, thẩm định, bán đấu giá phương tiện vi phạm tồn đọng. Cụ thể là hết thời hạn tạm giữ, sau khi thông báo công khai mà không có người đến trụ sở giải quyết thì cơ quan hữu quan có thể làm thủ tục tịch thu phương tiện, thẩm định giá, bán đấu giá luôn. Bởi để hóa giá các xe vi phạm tồn đọng được xác định là vô chủ như hiện nay phải mất ít nhất từ 3 - 4 tháng.

Liên quan đến các kho bãi trông giữ xe vi phạm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua, dư luận lo ngại sau khi phương tiện vi phạm bị tạm giữ có đảm bảo (?!). Theo Thiếu tá Thanh, đối với các phương tiện vi phạm giao thông cũng như vi phạm các quy định của pháp luật khác, khi cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định tịch thu phương tiện thì quyền lợi về sở hữu phương tiện vẫn phải được đảm bảo. Mọi hỏng hóc, thiệt hại về tài sản, phương tiện phát sinh trong quá trình bị tạm giữ phương tiện đều phải được các đơn vị hữu trách giải quyết theo quy định hiện hành. Để giải quyết kịp thời những nảy sinh, người điều khiển phương tiện khi đến làm các thủ tục nhận lại phương tiện tại các kho giữ xe vi phạm cần kiểm tra kỹ tình trạng và đồ đạc trên xe mình. So với thời điểm ban đầu khi bị tạm giữ, nếu có mất mát hoặc hư hỏng phải lập biên bản ghi nhận tại kho để từ đó, lực lượng chức năng mới có căn cứ xử lý, giải quyết một cách thỏa đáng cho chủ sở hữu phương tiện.

“Đối với số phương tiện vi phạm Luật Giao thông đang bị tạm giữ hiện nay, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận đã báo cáo cơ quan chức năng, phối hợp với các đơn vị hữu quan giải quyết theo luật định. Tuy nhiên trong thời gian chờ giải quyết, các đơn vị Công an đang trong tình thế khó khăn khi không có bãi để xe vi phạm nên gây hư hỏng phương tiện”, Thiếu tá Thanh cho biết.

Trước thực trạng xe vi phạm giao thông tồn đọng tại các điểm xử lý vi phạm TTATGT với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như hiện nay đã gây nhiều khó khăn đối với lực lượng CSGT tỉnh Bình Thuận trong việc giải quyết. Thiết nghĩ, để có thể giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật đối với hàng nghìn phương tiện vi phạm Luật Giao thông đang bị tạm giữ tại các đơn vị Công an tại tỉnh Bình Thuận như hiện nay, các cơ quan chức năng cần sớm có chủ trương, biện pháp cụ thể về vấn đề này. Đó sẽ là căn cứ pháp lý để lực lượng thực thi công vụ triển khai thực hiện vừa đảm bảo đúng pháp luật vừa tránh lãng phí như hiện nay

Thu Hằng
.
.
.