Vì sao 39 nhà xuất bản đang đứng trước nguy cơ bị 'xóa sổ'?

Thứ Bảy, 08/08/2015, 10:22
Ngày 31/8 tới sẽ là hạn cuối để cơ quan chủ quản nhà xuất bản (NXB) thực hiện thủ tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp đổi giấy phép thành lập NXB trực thuộc theo Nghị định 195 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản.

Tuy nhiên, theo rà soát của Cục Xuất bản, hiện cả nước có 39 NXB không đủ điều kiện hoạt động, chiếm 61,9% do không đáp ứng đủ các tiêu chí mà Nghị định đưa ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 39 NXB này đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử” sau ngày 31/8.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT, tổng hợp báo cáo của các cơ quan chủ quản các NXB cho thấy, trong số 63 NXB đang hoạt động trên toàn quốc, chỉ có 24 NXB đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản, Nghị định số 195/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản. 

39 NXB còn lại không đủ điều kiện do thiếu một hoặc nhiều trong 5 tiêu chí về: Nguồn tài chính để hoạt động (không đủ 5 tỷ đồng); thiếu chức danh lãnh đạo NXB; thiếu biên tập viên (BTV) cơ hữu (ít hơn 5 người); thiếu diện tích trụ sở (dưới 200m2); đối tượng thành lập NXB không phù hợp với quy định của Luật Xuất bản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu như cơ quan chủ quản của 39 NXB trên không nhanh chóng bổ sung các điều kiện còn thiếu thì sau ngày 31-8, các NXB trên sẽ bị xóa sổ. 

Bình luận về con số 39 NXB đang đứng trước nguy cơ bị “biến mất”, nhiều người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này cho rằng, nguy cơ này đã được cảnh báo từ hơn 1 năm trước, khi Nghị định 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản 2012 có hiệu lực từ 1/3/2014. Tuy nhiên, điều họ cảm thấy bất ngờ là đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi Luật Xuất bản mới có hiệu lực, những “thiếu sót” trên vẫn không được các cơ quan chủ quản NXB sửa chữa. 

Ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành cho rằng, những thiếu sót, yếu kém của các NXB đã được mổ xẻ, phân tích từ nhiều năm nay và mỗi lần có “sự cố”, bản thân các NXB này, các đối tác liên kết cũng như Cục Xuất bản đều bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ.

“Nhưng đã đến lúc chúng ta cũng phải nói thẳng về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chủ quản NXB. Bởi lẽ, theo quy định pháp luật, các cơ quan chủ quản có phần trách nhiệm rất lớn đối với hoạt động của các NXB, từ việc đầu tư vốn điều lệ, cơ sở vật chất đến bổ nhiệm, đề bạt cán bộ quản lý cho NXB, chịu trách nhiệm khi để NXB hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích”, ông Hòa nói.

Thực tế cho thấy, việc thiếu vốn, thiếu nguồn lực đầu tư và sự quan tâm sát sao từ cơ quan chủ quản đã khiến nhiều NXB rơi vào tình trạng “ăn đong” trong nhiều năm qua. Bằng chứng là có tới hàng chục NXB hiện có vốn làm sách dưới 5 tỷ đồng. Bộ máy nhân sự của các NXB vẫn chưa được kiện toàn khi có 13/63 NXB thiếu các chức danh tổng biên tập hoặc giám đốc. 

Một số NXB do không có đủ kinh phí trả lương cho BTV nên không thể duy trì được số BTV hữu cơ trên 5 người. Nhiều NXB khác thì phải đi thuê trụ sở hoặc chung trụ sở với các đơn vị khác của cơ quan chủ quản mà diện tích rất nhỏ hẹp với một phòng làm việc khoảng 20m².

Từ thực trạng các NXB hiện nay cho thấy, cơ quan chủ quản cần phải có trách nhiệm với các NXB của mình và cũng là trách nhiệm với xã hội. NXB nào có khả năng tiếp tục hoạt động thì cơ quan chủ quản phải nghiên cứu, tiếp tục đầu tư bằng cách hoàn thiện các điều kiện còn thiếu để được cấp phép. NXB nào quá yếu kém, không có tương lai thì cũng nên giải thể. Xã hội cần chất lượng, nếu như NXB sống èo uột bằng bán giấy phép, xuất bản sách vi phạm thì ngành Xuất bản chỉ cần 20 NXB, nếu đó thực sự là NXB có chất lượng và xứng tầm.

Huyền Thanh
.
.
.