Vi phạm hành lang đường bộ vẫn tràn lan

Thứ Năm, 21/07/2011, 18:02
Nhằm đảm bảo ATGT và bền vững công trình giao thông đường bộ, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) trên tất cả các tuyến quốc lộ. Tại quyết định này, Thủ tướng cũng đã vạch rõ nhiệm vụ cụ thể từng giai đoạn mà các Bộ, ngành, cũng như UBND các tỉnh, thành phải thực hiện. Tuy nhiên, đã qua 2/3 chặng đường, vẫn còn rất nhiều tồn tại, vi phạm vẫn tràn lan, mà chưa được xử lý kịp thời.

Các địa phương chưa làm hết trách nhiệm

Trong buổi Tổng kết giai đoạn 2, triển khai giai đoạn 3 Quyết định của Thủ tướng về lập lại trật tự  HLATĐB sáng 20/7, ông Phạm Minh Tâm, Phó vụ trưởng Vụ KHCN&ATGT - Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết: Không chỉ lấn chiếm, xây dựng trái phép nhà ở, lều quán... tình trạng vi phạm HLATĐB ngày càng đa dạng, phức tạp hơn ở chỗ, thậm chí người ta còn xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư bám dọc các tuyến đường bộ. Hậu quả là tình trạng đô thị hóa các tuyến đường bộ, phá vỡ quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng số vụ tai nạn và ùn tắc giao thông.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc khu quản lý đường bộ II cũng khẳng định vi phạm HLATĐB đang diễn ra trên tất cả các tuyến quốc lộ, với mức độ đa dạng, phức tạp, trong khi nhiều địa phương còn xem nhẹ chỉ đạo của Thủ tướng.

Trong quá trình thực hiện lập lại trật tự HLATĐB, đã bộc lộ nhiều vi phạm trong công tác quản lý đất đai tại các địa phương. Như nhiều nơi cấp sổ đỏ trong HLATĐB, hay nhiều dự án nâng cấp đường bộ, chủ đầu tư không đền bù phần đất HLATĐB… "Một số địa phương thậm chí cho phép xây dựng các công trình trong HLATĐB, kể cả những tuyến tránh đô thị" - ông Tâm cho biết.

Tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè vẫn phổ biến.

Có thể lấy ví dụ, Khu quản lý đường bộ VII đã rà soát được hơn 4.300 trường hợp vi phạm, chuyển hồ sơ đến các địa phương để ra quyết định cưỡng chế, giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có địa phương nào ra quyết định. Hay trên 2 tuyến QL6 và QL43, thuộc địa bàn tỉnh Sơn La, các vụ việc vi phạm công trình giao thông, HLATĐB đã được phát hiện, nhưng phần lớn còn tồn tại, chưa được khắc phục hậu quả.

Cụ thể, năm 2009 chỉ xử lý được 29/353 vụ (đạt 8%), và năm 2010 thậm chỉ còn thấp hơn, xử lý 14/280 vụ (đạt 5%). Nguyên nhân do địa phương chưa phối hợp để giải tỏa vi phạm. Dù đã có qui định xử lý kỷ luật chủ tịch UBND cấp huyện, xã nếu để tái lấn chiếm HLATĐB, song tình trạng tái lấn chiếm vẫn xảy ra phổ biến và không ai bị xử lý. 

Cần 70.000 tỷ mỗi năm cho đền bù, giải tỏa

Đến thời điểm này, theo yêu cầu tại quyết định của Thủ tướng, 2/3 chặng đường đã đi qua. Tuy nhiên, mọi việc vẫn hết sức bộn bề, nhiều địa phương còn chưa kết thúc giai đoạn 2. Sang đến giai đoạn 3 cũng chưa có triển vọng gì sáng sủa trong việc giải quyết dứt điểm các vi phạm, bởi nguyên nhân thiếu vốn.

Theo báo cáo của 4 Khu và 30 Sở GTVT địa phương, hiện diện tích đất cần giải tỏa trong HLATĐB là gần 99,6 triệu m2 (trong đó đất hợp pháp hơn 80,5 triệu m2, đất lấn chiếm hơn 10 triệu m2 và đất cấp sai là hơn 1,15 triệu m2).

Để làm được việc này sẽ cần một số tiền khổng lồ, lên tới 713.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, từ nay đến 2020, mỗi năm sẽ cần khoảng 70.000 tỷ cho việc đền bù giải phóng mặt bằng. Nhiều ý kiến cho rằng, kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước khó có thể lo được việc này.

Theo quy định, giai đoạn 3 sẽ do UBND các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, ông Huỳnh Thanh Điền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng việc này sẽ khó khả thi, vì địa phương không có tiền. Do đó, ngành GTVT cần có lộ trình và kế hoạch thực hiện phù hợp với nguồn kinh phí từ Chính phủ, Bộ ngành để đảm bảo tính khả thi

Nam Phương
.
.
.