Về xem lễ cúng cầu mưa

Thứ Hai, 22/09/2008, 19:37
Cứ vào đầu mùa mưa hằng năm, là bà con người Ê Đê ở buôn Ea Nãih lại tổ chức lễ cúng cầu mưa, tiếng Ê Đê là Kăm Mah. Hiện nay, trong số 5 buôn cánh nam ở xã Ea Knuêc, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk thì buôn Ea Nãih là duy trì lễ cúng cầu mưa đều đặn nhất.

Theo tập tục, vào ngày cúng cầu mưa, từ sáng sớm, đại diện các hộ trong buôn đã đến nhà già làng Aê Dậu. Tùy theo khả năng của mình mà các hộ đóng góp, cứ hai hộ làm thành một cặp, trong đó, một hộ mang theo một con gà sống, một hộ mang theo một ché rượu cần. Thường thì bà con cứ bắt cặp ché rượu nhỏ đi với con gà nhỏ. Cứ thế, cho đến nửa buổi sáng là nhà già làng Aê Dậu đã chật ních các ché rượu và gà sống. Các ché rượu thì được buộc vào các cọc dựng dọc theo sàn nhà. Gà thì được để riêng một chỗ.

Trong khi đó, ngoài sân một số người tạo hình những con thú như: Voi, tê giác, cọp, heo rừng, chồn, chim... được đẽo, gọt, lắp ghép từ những đoạn thân, cành cây tươi. Riêng già Aê Dậu thì chuẩn bị dàn chiêng. Dàn chiêng để tấu cúng lễ cầu mưa là chiêng K'nah. Cả dàn có từ 14-16 chiếc chiêng, cả chiêng bằng và chiêng núm, đi kèm là chiếc trống lớn. Vậy nhưng, để cúng cầu mưa, dàn chiêng K'nah chỉ để lại 5 chiếc chiêng có âm sắc trầm, nhẹ.

Đến giờ hành lễ, Aê Dậu cùng thầy cúng Aê Tuân và hai ông trợ tế dẫn đầu đoàn người đi thành hàng một, khiêng theo gà và các tượng gỗ hình các con thú. Gần đến nơi, sau khi đoàn người chỉnh đốn lại hàng ngũ, Aê Tuân bắt đầu khấn. Nơi hành lễ là một bãi đất bằng phẳng đầu buôn, được chia làm 4 ô bằng nhau, tượng trưng cho 4 đám rẫy, xung quanh có cây cối râm mát và gần với con suối.

Tại đây, từ hôm trước, Aê Dậu và một số người khéo tay trong buôn cũng đã sắp xếp dựng hai chiếc chòi. Chòi thứ nhất tượng trưng cho nơi ở của Ông Trời, Bà Trời. Bên trong chòi có để hai tượng gỗ nam và nữ. Ngoài ra, còn có 2 cái ché rượu, một lớn, một nhỏ. Dưới chân chòi này có một tượng gỗ hình người không mặc quần áo, khuôn mặt xấu xí, trên đầu có găm một con dao, tượng trưng cho thần ác, bệnh tật, xấu xa nên bị Trời trừng phạt. Chòi thứ hai tượng trưng cho kho đựng lúa và các nông cụ. Ở bìa bãi đất hành lễ còn có mô hình các thứ bẫy đặc thù của người Ê Đê cùng các tượng gỗ hình chim, thú.

Trong khi lũ thanh niên tập trung làm thịt gà thì Aê Tuân chọn ra 2 con gà, một trắng, một đen và cắt lấy tiết cùng một số bộ phận để cúng. Hai cái đầu gà được cắt ra găm vào hai cây tre buộc hai bên, phía sau chòi của Ông, Bà Trời, mỏ há ra, hướng lên trời.

Hai ông trợ tế thì chuẩn bị những công việc khác như đặt một thau nước đặt trước chòi Ông, Bà Trời, sửa sang lại các tượng chim, thú và các bẫy cho ngay ngắn, trang trí chòi và xung quanh cho hoàn chỉnh. Cũng trong lúc này, đội chiêng ngồi vào vị trí phía sau Aê Dậu, còn Aê Dậu lại ngồi sau Aê Tuân. Toàn bộ số gà được làm lông và luộc xong được cho hết vào một cái mâm để trước chòi Ông, Bà Trời.

Đến giờ hành lễ, trong khi dàn chiêng tấu tên nhè nhẹ thì Aê Tuân ngâm nga khấn. Hai ông trợ tế ngồi hai bên. Bài khấn rất dài với nội dung đại thể là mời thần Mưa và các vị thần linh về chứng giám lòng thành của buôn làng. Buôn làng mong ước mưa thuận gió hòa. Việc trồng trỉa, săn bắn, thu hoạch được thuận lợi. Trong buôn làng nhà nào cũng heo đầy dưới sàn, gà chạy đầy sân, trong kho đầy thóc lúa, cà phê. Người trong buôn làng luôn mạnh khỏe, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Cuộc sống của buôn làng ngày càng khấm khá, yên bình...

Cúng xong, Aê Tuân và hai ông trợ tế làm các động tác dọn cỏ, đốt rác chờ mưa. Sau đó, họ bưng thau nước vảy lên trên đất tượng trưng cho mưa. Sau đó, Aê Tuân lấy cây nhọn chọc lỗ còn 1 ông trợ tế thì lấy ống lúa giống trong "kho" làm động tác tra hạt (giống như bà con Ê Đê trỉa bắp, lúa trên rẫy), ông trợ tế kia thì tiếp tục vảy nước (để thay mưa). Tiếp đó, họ ra chỗ có các con chim, thú gỗ và các bẫy đánh nhẹ vào các chốt, lẫy của bẫy mô phỏng lại việc các con chim, thú bị mắc, sập bẫy. Xong, họ đến bên cái tổ ong giả dưới tán cây bên cạnh làm động tác đốt ong lấy mật. Toàn bộ các "sản vật" thu được sau đó đều đem vào chứa trong "kho".

Aê Tuân (bên phải) cùng ông trợ tế mô phỏng động tác trỉa lúa.

Lễ cúng xong xuôi, toàn bộ số gà được đem về lại nhà Aê Dậu và chế thành những món ăn truyền thống. Tại đây, bà con tập trung uống rượu cần nói chuyện thân mật, vui vẻ. Dàn chiêng lúc này đã được bổ sung cho đủ số và tấu lên những bài rất rộn ràng, phấn khởi.

Lễ cầu mưa của buôn Ea Nãih nói riêng, người Ê Đê nói chung ngoài việc phản ánh rất rõ hoạt động lao động sản xuất rất đặc thù của người Tây Nguyên còn cho thấy lòng yêu lao động và tính nhân văn sâu sắc của người Ê Đê. Đây cũng chính là một không gian sống của nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Ê Đê. Trên góc độ vật chất thì cho dù trồng cà phê, lúa, bắp hay hồ tiêu, kể cả cao su, điều... thì  mưa vẫn luôn gắn liền với đời sống của bà con

Nguyễn Trọng
.
.
.