Về xã "ba nhất" của tỉnh Thanh

Thứ Bảy, 28/02/2009, 18:56
Xã Ngư Lộc là địa bàn tụ nhiều cái nhất của tỉnh Thanh Hóa: Đông dân nhất, nghèo đói nhất, diện tích nhỏ nhất.

Có một người đàn ông của xã Ngư Lộc bị tai nạn, trước lúc chết, anh thì thào rằng vẫn tiếc nuối vì chưa đẻ được thằng con trai để người vợ nương nhờ. Dù rằng, vợ chồng anh đã sở hữu đến bốn cô con gái. Chuyện trọng nam khinh nữ vẫn còn phổ biến ở nhiều vùng quê. Nhưng với xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa thì chuyện này còn  gay gắt hơn nhiều.

Khát con trai

Mấy ngày Tết qua đi, những người lao động ở tỉnh lẻ lại tấp nập ra phố làm thuê. Nhiều người dân ở xã Ngư Lộc cũng vậy. Họ ra phố tìm đủ mọi công việc, miễn là ra tiền để mang về quê nuôi con. Người ở lại quê hương, bám trụ nghề đánh cá, gắn đời mình với cái mặn mòi của biển. Cuộc sống quanh năm đầu tắt mặt tối, một số người lấy việc làm cho vợ đẻ là thú vui. Khách về sẽ có người nói đùa như vậy.

Nhưng đó chỉ là câu nói đùa, phải tìm hiểu bản chất bên trong vấn đề, mới thấy hết sự cay nghiệt của cuộc sống. Họ khát con trai. Đầu óc họ lúc nào cũng có tư tưởng phải sinh ra được một cậu con trai nối dõi mới thỏa. Nếu đã có ba hoặc bẩy con gái, thì vẫn chưa thể dừng lại, là tìm kiếm cơ may, đẻ cho bằng được một mụn con trai.

Trẻ em ở Ngư Lộc nhiều, lên đến hơn 630 em tính đến tuổi 16, chiếm hơn 30% dân số. Trong đó lượng trẻ em gái chiếm 2/3. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu lao động nam. Vào mùa mưa bão, người dân không đi biển được, không có thu nhập, tình trạng thiếu ăn xảy ra liên miên đối với nhiều gia đình. Vì thế, càng nhiều con thì họ càng túng đói.

Ông Nguyễn Trọng Dưỡng, Chủ tịch UBND xã cho biết, vào khoảng tháng 7, mùa mưa bão, hộ đói nghèo tăng lên đến 15%. Số hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên chiếm 25%.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Tuất, thôn Bắc Thọ, là người "sở hữu" nhiều con nhất ở Ngư Lộc. Mới 38 tuổi, anh đã có con thứ 7. Và vợ anh còn đang mang thai con thứ 8. Vợ anh Tuất than thở: "Chẳng biết mần ăn bằng gì nữa, nếu lại là con trai, tôi đến chết mất".

Tất cả cũng vì cuộc sống với nhận thức kém, trọng nam khinh nữ, nghèo đói dẫn đến việc sinh con nhiều. Cho nên người dân lao vào cái vòng luẩn quẩn. Đến tuổi 50 rồi vẫn còn con bé, nheo nhóc.

Thèm đất

Là nông dân mà không có đất, đúng là chuyện  hài hước đến đau lòng. Nhưng đó lại là chuyện thật. Ngư Lộc được gọi là xã "thèm đất" vì, cả xã có 1700 nhân khẩu và diện tích chưa đầy nửa cây số vuông. Đây là địa phương duy nhất ở Thanh Hoá không có đất nông nghiệp. Người dân phải phụ thuộc vào biển, gắn cuộc sống của mình với cái tôm cái tép và những sóng gió bịt bùng trùng khơi.

"Không đất vẫn phải cố sống. Sống lay lắt, khổ sở trong mênh mông biển đời không lối thoát". Đó là tâm sự của nhiều người dân xã Ngư Lộc. Người trẻ còn đỡ, với những người già, tuổi cao sức yếu, họ ao ước có đất biết nhường nào.

Thực tế là gần 2 ngàn người sống trên một diện tích đất chưa đầy nửa cây số vuông (0,47km2). Cái rau ăn phải đi mua hoàn toàn ngoài chợ. Ngoài bấu víu vào biển, họ chưa tìm ra một điểm nào khác để bấu víu. Trong khi nguồn tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt, việc đánh bắt không phải lúc nào cũng theo ý muốn. Mà dân số thì ngày càng tăng.

Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc Nguyễn Văn Ngữ cho rằng, việc giải quyết công ăn việc làm ở xã là rất nan giải. Một nửa số lao động đang thiếu việc làm trầm trọng. Khi thiếu công ăn việc làm, họ đổ ra Hà Nội, Sài Gòn, thành phố Thanh Hóa... để tìm  kế sinh nhai. Khi cuộc sống quá vất vả thì chẳng ai quan tâm nhiều đến chuyện học hành của con cái. Chúng phần lớn chỉ được theo học hết cấp II rồi đi  biển, chạy chợ hoặc đi làm thuê.

Ông Phan Văn Oanh, một ngư dân kỳ cựu có bảy người con thì cả bảy đều xây dựng gia đình và theo cha làm nghề chài lưới, sống với biển. Từ độ "bão giá" bùng nổ, tất cả các con ông đều chán nản với nghề, đang tìm cách xoay xỏa cho qua ngày đoạn tháng. Việc bỏ làng ra đi, hay cứ đâm ra biển đều không hề hữu hiệu. Ông Oanh thì già rồi, muốn một ngày sống bình yên cũng không được. Làm sao ông có thể sống bình yên được khi con ông đang sống khổ, các cháu nheo nhóc.

Ông tâm sự: "Trời sinh voi không sinh cỏ ư? Chẳng lẽ dân chúng tôi cứ chịu mãi cảnh thụ động sống nhờ biển, rồi có lúc chết hết cả. Con cá cái tôm ngày càng khó kiếm. Đồng tiền cũng ngày càng mất giá mà không dễ kiếm chút nào". Cái triết lý của một người già xem ra cũng sâu sắc. Tôi càng hiểu nỗi lo về cái ăn, cái ở của người dân, của những người già như ông.

Trên bãi biển, nơi những con thuyền nhỏ nằm "phơi xác" trong gió và nắng vì không có xăng dầu để ra khơi, ông Hoàng Văn Thư mệt mỏi nói: "Những người như tôi rồi sẽ có lúc chẳng thể ra khơi được nữa, có nguồn thu nhập gì để sống đây".

Tôi biết, nếu một mai không có một sự thay đổi nào khác cho những thân phận biển, thì chẳng biết vài chục năm nữa, những đứa trẻ sinh ra ngày càng nhiều, sẽ sống ở đâu. Cái đói cái nghèo sẽ liên miên xảy đến với những gia đình có ông bố lúc nào cũng ôm những ý nghĩ cổ hủ, để sinh ra gần chục đứa con gái nheo nhóc, rồi gần như thả cỏ, cho chúng sống, đi giúp việc ở thành phố, rồi lấy chồng, rồi lại sinh con đẻ cái. Hy vọng chính họ sẽ bật lên sự sáng tạo trên đất hẹp để đổi thay cuộc sống của mình

Nguyễn Văn Hoan
.
.
.