Kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 – 7/5/2015):

Về 'xã Trường Sa' trên vùng đất cát

Thứ Năm, 07/05/2015, 12:35
Dưới cái nắng hầm hập của ngày hè, chúng tôi tìm về xã Tây Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, nơi thường được gọi là “xã Trường Sa”. Tây Trạch, đất không rộng, người không đông nhưng nơi đây đã và đang có hàng chục người con cầm súng bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Lớp anh trước, lớp em sau

Cầm tập hồ sơ dày cộp trên tay, anh Dương Thanh Luyện, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình nói với chúng tôi đầy tự hào: “Mấy chục năm ni, mỗi lần tuyển nghĩa vụ quân sự xã tui đều đạt và vượt chỉ tiêu. Còn nói về Bộ đội Hải quân, và đi đảo Trường Sa thì ít có nơi mô có nhiều người bằng xã tui. Xã tui nhỏ nhưng ngày lễ, Tết anh em bộ đội Trường Sa tổ chức gặp mặt cũng trên 40 người, mấy năm trở lại đây, năm mô cũng có con em Tây Trạch vô Bộ đội Hải quân và ra bảo vệ đảo Trường Sa”. 

Trên con đường làng phảng phất thơm mùi lúa mới, chúng tôi ngược lên thôn Rẫy, xuống thôn 3 Võ Thuận, quay sang thôn Chùa của xã Tây Trạch, đến đâu cũng có người làng từng là Bộ đội đảo Trường Sa, hoặc có con em đang canh giữ đảo. Nhiều cựu binh Trường Sa của làng khẳng định, chuyện nhiều con em của làng vào Bộ đội rồi được chọn ra canh giữ biển đảo của Tổ quốc cũng như một cơ duyên. 

Từ đầu năm 1971, người đầu tiên của xã vào Bộ đội Hải quân là anh Lê Thanh Kính và Nguyễn Văn Tranh, đánh giặc nhiều nơi trên chiến trường miền Nam khói lửa, rồi qua giúp nước bạn Campuchia, nước bạn hòa bình, anh Kính, anh Tranh về làng trong niềm vui vỡ òa của người làng. 

Tiếp đó năm năm 1977, bốn người con của xã là anh Dương Đình Sinh, Nguyễn Văn Tuyến, Nguyễn Văn Thanh, Dương Văn Đằng lại lên đường nhập ngũ ra Trường Sa giữ đảo. Từ đó về sau, hầu như năm nào Tây Trạch cũng có người vào Bộ đội và điểm đến là Trường Sa.

Năm 1988, khi Trung Quốc nổ súng xâm chiếm trái phép đảo Gạc Ma của nước ta, xã Tây Trạch có 3 người con cùng với nhiều đồng đội chiến đấu kiên cường để bảo vệ biển trời của Tổ quốc. Đêm đêm, dưới ánh trăng quê, cựu binh Lê Văn Đông, người trở về từ trận chiến Gạc Ma vẫn kể với người làng Tây Trạch câu nói nổi tiếng của anh hùng Trần Văn Phương động viên đồng đội “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân Anh hùng”. 

Năm 1988, trên vùng biển Trường Sa luôn nóng bỏng, nhưng đầu năm 1989, người dân xã Tây Trạch vẫn động viên gần 10 con của xã lên đường nhập ngũ và ra đảo Trường Sa như anh Thái Văn Học, Dương Văn Tuân, Hoàng Văn Yên… 

Khi nói đến những ngày binh nghiệp khó khăn nhất trong việc bảo vệ đảo, những cựu binh Trường Sa đều trả lời chung một tinh thần: Trận chiến ở đảo Gạc Ma có 64 tư người hy sinh, riêng Quảng Bình có đến 13 người, 2 người được phong anh hùng, vì vậy khi được đơn vị đưa ra bảo vệ Trường Sa, chúng tôi đều nhắc nhủ nhau, phải kiên cường, dũng cảm noi gương các anh lớp trước. 

Làm tròn nghĩa vụ, chúng tôi trở về quê hương. Lớp đàn em trong xã của chúng tôi lại tiếp tục cầm súng bảo vệ đảo Trường Sa hiện nay như; Dương Văn Tiệp, Nguyễn Văn Anh, Dương Đức Danh, Dương Văn Lam, Dương Thanh Tùng…

Hậu phương của người lính đảo

Trời đứng bóng, chúng tôi đến thăm nhà ông Dương Đức Dịch có con trai là anh Dương Đức Danh hiện đang công tác ở đảo Trường Sa Lớn. 12 năm qua, Danh cùng nhiều người làng Tây Trạch và đồng đội sát cánh bên nhau bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhà có 4 anh em, chỉ mình Danh là con trai, nên khi Danh nhận giấy báo vào Hải quân và ra đảo, nhiều bà con trong làng đã tìm đến gia đình ông Dịch can ngăn. Ông Dịch xua tay: “Biển đảo thì cả làng, cả nước đều phải giữ chứ riêng chi thằng Danh, con cứ chân cứng đá mềm mà đi, cha mẹ ủng hộ”.

Cha mẹ, vợ con anh Dương Đức Danh, những người luôn động viên anh yên tâm công tác ở đảo Trường Sa. 

Bồng con gái trên ta vừa tròn 11 tháng, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, vợ anh Danh cười: “Chúng em nên vợ nên chồng cũng nhờ chữ duyên anh ạ. Em quê ở Nghi Lộc, Nghệ An, năm 2011 đang học kế toán ở Cửa Lò thì đứa bạn học của em ở gần nhà anh Danh cho anh số điện thoại của em, anh Danh gọi rồi 2 đứa nói chuyện với nhau, anh tìm ra nhà em rứa là nên vợ nên chồng. Chúng em có cháu trai đầu 3 tuổi, còn bé gái sau thì anh Danh về vài tuần rồi có, nhưng từ khi em sinh cháu thứ hai đến nay anh Danh chưa được về”. Một mình ở nhà với 2 con nhỏ và cha mẹ chồng đều đã già, nhưng Thảo luôn cố gắng hết mình để chồng yên tâm công tác.

Cựu binh Trường Sa, anh Dương Thanh Luyện - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Tây Trạch cho biết, Tây Trạch đất cằn cỗi, cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả, song tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc sẻ chia luôn được bà con phát huy. Đặc biệt là những người lính từ Trường Sa trở về, và những gia đình có con em đang ở đảo. Ngoài mỗi dịp lễ, Tết đến thăm hỏi, động viên nhau, trong cuộc sống hàng ngày có chuyện vui, chuyện buồn mọi người đều đến với nhau, chụm đầu vào chia sẻ. 

Anh Nguyễn Trung Đông-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tây Trạch cho biết thêm: Trong những năm qua, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn đã chung sức đồng lòng thực hiện được nhiều kết quả tốt về đổi mới sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần cho người dân. Năm 2010 xã có 6% hộ nghèo giờ chỉ còn 1,7%; xã đã kêu gọi xây dựng 34 nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách; 100% con em trong độ tuổi được đến trường… Chính sự phát triển của địa phương, chăm lo cụ thể cho người dân trên địa bàn nên con em của xã đang ở các nơi, đặc biệt là các anh đang canh giữ biển đảo của Tổ quốc yên tâm công tác.

Dương Sông Lam
.
.
.