Vé tàu, xe khách đáp ứng đủ nhu cầu của người dân

Thứ Hai, 04/02/2013, 07:07
Khảo sát thực tế, cùng với việc trao đổi với lãnh đạo ga Hà Nội, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, phóng viên Báo CAND nhận thấy, tình hình chưa thật sự căng thẳng: Vé tàu còn khá nhiều, xe khách tuy vé đã tăng, song cứ vào bến mua vé là có, chứ không có cảnh xe chưa ra khỏi bến đã hết vé, như lời đồn thổi.

Bắt đầu từ tâm lý, cộng thêm lời rỉ tai của các cò vé, cò xe, không ít người dân đi lại trong những ngày cận Tết này đã vô tình bắt phải các chuyến xe bão táp, mua phải những tấm vé giá “cắt cổ”...

Phương tiện vận tải tại các bến đang hoạt động mới đạt bình quân hơn 50%

Nếu như mọi năm, cứ đến ngày ông Công ông Táo là các bến xe lớn tại Hà Nội lại tấp nập người. Lượng xe cũng theo đó mà xuất bến nhanh hơn, nhiều hơn. Các ngã đường từ trung tâm ra cửa ngõ cũng dễ lâm cảnh ùn tắc cục bộ. Song, thực tế tại một số bến xe, cũng như các ngã đường như Phạm Hùng, Giải Phóng, Đại lộ Thăng Long sáng 3/2, phương tiện lưu thông khá suôn sẻ. Tại bến xe phía Nam, không có cảnh dồn khách trước cổng bến, dù xe nào rời khỏi bến, trên xe cũng đã có khách.

Ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, hiện các phương tiện vận tải trên các bến đang hoạt động mới đạt bình quân hơn 50% hệ số trọng tải phương tiện. “Lượng xe đang hoạt động cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách, nhưng đối với một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Sơn La sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào từng thời điểm, song lượng xe trên tuyến vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày” - ông Trung khẳng định.

Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết thêm, nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày, từ ngày 9/2/2013 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Thìn) đến hết ngày 17/2/2013 (tức ngày 8 tháng Giêng năm Quý Tỵ). Đây là thời gian phát sinh nhu cầu đi lại của hành khách (thăm viếng, về quê...) lớn nhất trong năm. Dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian này sẽ tăng khoảng 30 đến 50% so với ngày thường, lượng khách tập trung vào các tuyến đường ngắn. Với tình hình hoạt động hiện tại của các phương tiện vận tải trên các các bến đang hoạt động bình quân với khoảng 50% hệ số trọng tải phương tiện, vì vậy lượng xe về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.

Xe buýt cũng sẽ mở bến sớm hơn, đóng bến muộn hơn trong dịp Tết

Liên quan đến hoạt động của xe buýt dịp Tết Nguyên đán năm nay, đại diện Transerco cho biết, Transerco đã lên kế hoạch bố trí và dự phòng số xe buýt tăng cường để phục vụ Tết. Theo đó, vào những ngày cao điểm cận Tết này, Tổng Công ty sẽ bố trí từ 8.000 - 9.000 lượt xe/ngày, thời gian mở bến từ 4h35 đến 21h, với tần suất từ 5-10-15-20 phút/lượt. Đối với những ngày nghỉ trong Tết (từ ngày 7 đến 14/2, tức từ ngày 27 tháng Chạp đến 5 tháng Giêng), lượng hành khách chủ yếu là nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận có nhu cầu sử dụng xe buýt để đi du xuân, thăm hỏi, chúc Tết, đặc biệt là trên các tuyến buýt từ các huyện ngoại thành vào trung tâm thành phố. Tổng Công ty bố trí hợp lý số xe tương ứng với nhu cầu lượng hành khách đi lại dịp này với mức thấp nhất là gần 3.000 lượt xe vào ngày mùng 1 Tết và cao nhất là 6.746 xe vào ngày mùng 5 Tết.

Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị phục vụ tốt trong các ngày trước và sau Tết Nguyên đán do lượng hành khách có thể tăng mạnh về quê và lên trở lại Hà Nội vào các ngày 15 đến 19/2 (tức ngày 6/10 Âm lịch), Tổng Công ty đã bố trí dự phòng 68 xe/ngày/40 tuyến buýt có điểm đầu cuối là các bến xe và lộ trình tuyến đi qua các trục chính, nhà ga, trường học, hướng xuyên tâm và ra ngoại thành... để sẵn sàng tăng cường giải tỏa khi lượng hành khách tăng đột biến tại các nhà ga, bến xe và điểm trung chuyển lớn.

Tăng thêm các đôi tàu ngày cao điểm

Ông Vũ Đình Rậu, Trưởng ga Hà Nội cho biết trong dịp Tết năm nay, ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy 11 đôi tàu đi suốt Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại, trong đó chạy cách nhật 2 đôi tàu SE17/18 và TN19/20. Cùng với đó, trên tuyến Thống nhất vẫn chạy 1 đôi tàu từ Hà Nội đến Nha Trang và ngược lại (trước Tết), chạy từ Đồng Hới đến Sài Gòn và ngược lại (sau Tết); chạy 2 đôi tàu từ Vinh đến Sài Gòn và ngược lại; chạy 1 đôi tàu từ Thanh Hóa đến Sài Gòn và ngược lại; chạy 1 đôi tàu từ Hà Nội đến Huế và từ Sài Gòn đến Hà Nội (trước Tết)...

Trong 4 ngày Tết từ 9 đến 12/2 (tức ngày 29, mùng 1, 2, 3 Tết) các tàu SE1/2, SE5/6, SE7/8, SE13/14, TN17/18 chạy bình thường. Ngoài ra sẽ chuyển đổi giường tầng 1 toa xe nằm điều hòa khoang 4 giường (mỗi giường tầng 1 được bán thành 3 vé ghế ngồi), giá vé được tính bằng giá vé ngồi mềm tương ứng. Đặc biệt có 5 giai đoạn giá vé khác nhau để điều tiết luồng hành khách, trong đó chiều đông khách tăng khoảng 3% giá vé so với Tết Nhâm Thìn 2012.

Riêng trong thời gian cao điểm: Giai đoạn II (đối với chiều Sài Gòn - Hà Nội) và giai đoạn IV (đối với chiều Hà Nội - Sài Gòn) giá vé tăng khoảng 5% so với Tết Nhâm Thìn 2012. Chiều vắng khách: Giai đoạn I và II (đối với chiều Hà Nội - Sài Gòn) và giai đoạn IV, V (đối với chiều Sài Gòn - Hà Nội) giá vé giảm mạnh từ 10% đến 50%. Trong 4 ngày nghỉ Tết (29, 1, 2, 3) không tăng giá so với cùng kỳ năm trước.

Với các phương án tăng tăng toa, tăng chuyến, ngành đường sắt đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho hành khách. Vì vậy, Trưởng ga Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo, nếu có nhu cầu thực sự, hành khách nên vào thẳng ga mua vé, vì vé còn khá nhiều kể cả chiều sau Tết. Song, để tránh chuyện khó mua vé, hành khách nên chuẩn bị sẵn một vài phương án về giờ giấc, để chuyến này hết vé, có thể đi chuyến khác, hay như trong trường hợp giường nằm hết thì có thể đổi sang ghế ngồi mềm…

CSGT Hà Nội: Tung 100% quân số, tăng 300 sinh viên xuống đường điều khiển giao thông chống ùn tắc

“Những ngày gần đây, 100% quân số của Phòng CSGT Hà Nội đã được cử ra đường để điều tiết giao thông, hạn chế ùn tắc”, thông tin trên được Đại tá Nguyễn Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết. Đại tá Thắng nhấn mạnh, những ngày gần đây, do lượng phương tiện ngoại tỉnh đổ về Thủ đô mua sắm và người dân đi sắm Tết nhiều nên có cảnh ùn ứ giao thông trên một số tuyến phố. Trước tình hình trên, Phòng CSGT Hà Nội đã tăng thêm 300 học viên Cảnh sát xuống đường điều tiết giao thông giải tỏa ùn tắc. “Khoảng 25-26 Tết, khi học sinh, sinh viên về nghỉ, giao thông đường phố Hà Nội sẽ đỡ căng thẳng hơn”, ông Thắng nhận định.

PV

TP Hồ Chí Minh: Lượng khách đi xe giảm nhiều

Sau 4 ngày bước vào đợt cao điểm vận chuyển khách Tết, lượng hành khách đi xe về quê tại các bến xe khách liên tỉnh của TP Hồ Chí Minh đã tăng dần lên. Ngày 22 tháng Chạp vừa qua, hành khách đi xe về khu vực Tây Nguyên, miền Trung và phía Bắc đã đạt hơn 41 ngàn người, gấp hơn 2 lần so với ngày thường; các ngày khác khách đi xe đạt 32 – 35 ngàn người. Tuy nhiên so với năm ngoái, lượng hành khách về quê sớm năm nay đã giảm nhiều. Theo một đại diện của bến xe Miền Đông, khách về quê những ngày qua giảm khoảng 4 – 5 ngàn người so với cùng thời điểm này năm ngoái. Trước đó, theo báo cáo của ông Thượng Thanh Hải, thì từ ngày 15 – 18 tháng Chạp, lượng xe chạy các tuyến về miền bắc đã giảm 730 xe và giảm gần 27.800 hành khách so với năm ngoái. Tại bến xe Ngã Tư Ga, lượng hành khách đi xe về các tuyến dài như Tây Nguyên, miền Trung và phía Bắc cũng không đông bằng năm ngoái. Theo ông Nguyễn Duy Long, Giám đốc bến xe này thì hiện bến vẫn thực hiện bán vé trước cho khách đi xe đến hết ngày 5/2. Chủ yếu chạy các tuyến ngắn, nên lượng khách về quê từ Bến xe Miền Tây những ngày qua cũng chưa có sự đột biến. Mặt khác, xe có thể quay đầu trở về ngay trong ngày nên ngay cả tình trạng khách dồn vào đi xe vào các ngày cận Tết, bến này vẫn đủ khả năng phục vụ...

Đ.Thắng

Thanh Huyền
.
.
.