Về nơi con chữ thay phù sa lấn biển

Thứ Năm, 12/09/2013, 23:44
Phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng có gần 3.500 hộ dân. Hơn 10 năm trước, đây là một trong số phường nghèo nhất Đà Nẵng. Người dân đa phần làm nghề đánh cá, nhưng họ đều không có tàu lớn ra khơi, mà chủ yếu đánh bắt gần bờ. Cuộc sống nghèo khó, nhiều đứa trẻ mới 5, 6 tuổi đã phải theo ba mẹ đi biển mưu sinh.

Trong ký ức của người dân Nại Hiên Đông, từng trải qua đời sống nhà chồ nay vẫn còn nhớ như in không ít hoàn cảnh thật éo le. Căn nhà của gia đình ông Huỳnh Đầm lúc đó rộng chỉ vỏn vẹn 10m2, với 6 con người chen chúc nhau và thêm mấy… con lợn. Lúc con gái đi lấy chồng, gia đình thông gia không vào nhà ông được, phần vì không đủ chỗ để đứng, phần vì không ai dám “bò” qua cây cầu khỉ dài 30m để có thể vào nhà. “Lúc đấy, tui nhìn lên bờ mà ước ao có một khoảnh đất để có thể dựng nhà, cưới chồng cho con. Chỉ 30m là chạm bờ đất, nhưng bao đời, bao thế hệ trước đó đã không dễ gì thực hiện được”- ông Đầm trâm ngâm nhớ lại.

Cũng như nhiều hộ dân khác, cái ngày khiến ông Đầm xúc động rơi nước mắt, ấy là vào cuối năm 2004, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đưa 118 hộ nhà chồ đầu tiên lên bờ, bắt đầu cuộc sống mới với nhà xây kiên cố, khang trang, đường bê tông thẳng tắp, điện sáng choang...

Hơn 20 năm nay, cô Trần Thị Ngọc Diệp vẫn lặng thầm với công cuộc đem con chữ thay phù sa lấn biển ở Sơn Trà.

Rồi những năm sau đó cho đến 2008, những hộ nhà chồ cuối cùng ở đây đã được đặt chân lên bờ với cuộc sống khang trang. Ông Mai Công Đức, Chủ tịch Hội Khuyến học phường vẫn còn nhớ rõ từng hoàn cảnh trẻ em nghèo lẫn những người lặng thầm làm công tác gieo chữ ở đây.

“Kiên trì nhất với nghề lấy con chữ thay phù sa lấn biển phải kể đến cô Diệp”, ông Đức bắt đầu câu chuyện. Nhiều thế hệ học trò ở Nại Hiên Đông bây giờ khôn lớn, thành đạt vẫn không quên hình ảnh một cô giáo nhỏ bé, giọng nói ngọt ngào đưa các em đến với từng nét chữ, con tính, rồi dẫn các em lên tận phường làm giấy khai sinh, dắt tay vào trường học xin nhập lớp. Vốn là một học sinh giỏi văn của Trường Quốc học Huế, từng đỗ Đại học ngành Văn khoa, nhưng ước mơ trở thành cô giáo vì nhiều tác động khách quan đành bỏ dở. Cô Diệp ngày ngày chèo thuyền đi khắp các nhà chồ vận động phụ huynh cho các em học cái chữ. Với sự tận tâm, tận lực của cô Diệp, cùng nhiều thầy, cô giáo khác, cái chữ đã bén rễ sâu trên mảnh đất này.

Ông Đức phấn khởi cho biết, Nại Hiên Đông trước đây là phường có tỷ lệ mù chữ cao nhất thành phố, nhưng bây giờ là một trong những địa phương đi đầu trong công tác xã hội hóa giáo dục…

Th.Bình - V.Yên
.
.
.