Về làng nuôi cá chép đỏ tiễn ông Táo

Thứ Tư, 27/01/2010, 14:10
Chỉ còn chục ngày nữa là đến ngày tiễn ông Táo nên không khí chuẩn bị xuất con cá chép đỏ về Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Yên Bái… tại thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ đang trở nên nhộn nhịp từng ngày, từng giờ.

Từ thành phố Việt Trì, vượt hơn 50km, chúng tôi về với làng nuôi cá chép đỏ ở thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Một điểm khá khác biệt của thôn Thủy Trầm so với những làng quê khác là rất nhiều diện tích mặt bằng đã được người dân đào ao tận dụng để nuôi cá chép đỏ cũng như các giống cá khác. Nhiều gia đình đang rục rịch chuẩn bị những đồ nghề quen thuộc như chiếc máy bơm nước hút ao, túi nilon, xe máy… cho những chuyến xuất cá đi các tỉnh trong những ngày tới đây.

Anh Nguyễn Danh Đích, khu 1 thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc đưa chúng tôi đến thăm ao cá cũng như chiếc bể ép ngay cạnh nhà. Vừa rắc một chút thính cám xuống ao, đàn cá chép đỏ đã thi nhau nhảy lên đớp mồi. Anh Đích cầm chiếc vó vợt nhẹ, những con cá chép béo đỏ phau phau đều xăm xắp bằng 2,3 đầu ngón tay nằm gọn trong vó.

Anh Đích cho biết, trước khi đưa đi Thủ đô hay các tỉnh khác, cá chép đỏ sẽ được đưa lên các bể ép rộng khoảng 3m2 bỏ đói, đồng thời ép cho cá sống quen với môi trường ít ôxi, mật độ cá dày. Lý do theo anh Đích giải thích là nếu cá ăn no mà vẫn vận chuyển sẽ dễ khiến cá bị vỡ ruột mà chết. Sau khi đã ép cá, cá sẽ được cho vào các túi nilon to, buộc chặt lại sau đó bơm ôxi vào mới có thể vận chuyển cá đi xa an toàn được.

Cá chép đỏ tại thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ được xuất bán đi nhiều tỉnh.

Kể về công đoạn nuôi dưỡng những con cá chép đỏ đặc biệt này, anh Đích cho hay: Khoảng đầu tháng 7, cá chép bắt đầu đẻ trứng. Đến kỳ cá sinh nở, người dân sẽ mang bèo tây phủ gần kín ao cho cá đẻ trứng bám vào rễ bèo màu trắng sữa li ti. Sau đó, từng chùm bèo sẽ được người dân nhấc lên mang về nong ấp khô, tránh tình trạng cá đẻ rồi tự ăn mất trứng. Để kích thích trứng nở, người dân cũng chăm sóc cẩn thận như chiếu thêm ánh sáng.

Đến khi nhìn thấy những quả trứng trắng li ti hiện lên hai cái mắt đen là lúc đã có thể cho trứng cá trở lại ao để nở. Cá lúc mới nở bé bằng sợi chỉ, người dân gọi là cá bột. Một ao chừng gần 1 sào của gia đình được anh Đích quảng cáo với chúng tôi là cả 1 tạ cá. Mật độ nuôi cá trong ao cũng luôn duy trì dày từ 300 con đến 500 con/m2. Những chú chép đỏ được nuôi với mật độ dày như vậy để tránh cá phát triển quá nhanh và to.

Ngoài ra, anh Đích cũng chỉ dẫn thêm rằng có nuôi dày mới khống chế được cân nặng của cá. Nuôi mỏng quá như nuôi cá thông thường dễ lại trở thành cá để ăn thịt. Cá biệt, có những gia đình thích mua một đôi cá chép đỏ nặng khoảng 1kg làm "tàu xe" tiễn ông Táo về trời. Khi đó, cá sẽ được nuôi với mật độ mỏng hơn. Ban đầu, người dân sẽ nuôi cá bằng loại cám dành riêng cho cá nhưng khi cá đã chắc khỏe, người dân còn tận dụng phân của các loại động vật làm nguồn thức ăn cho cá.

Cá chép đỏ ở Thủy Trầm đã có thương hiệu trên thị trường các tỉnh phía Bắc nhiều năm qua. Cá sau khi được xuất khỏi ao sẽ có thương lái đến tận làng chọn mua. Năm nay, giá cá được chào bán lên đến 55 nghìn đồng/kg. Ngoài diện tích nuôi ngoài đồng, người dân thôn Thủy Trầm còn sử dụng các thửa ruộng trồng hoa màu, đất làm ao, đất vườn… để đào ao thả cá.

Chỉ trong vài năm trở lại đây, số ao trong thôn Thủy Trầm đã lan ra khắp làng. Đâu đâu người ta cũng tận dụng ao để thả cá. Nhờ con cá chép đỏ mà nhiều hộ gia đình đã "phất" lên, thoát nghèo có thể mua đồ dùng sinh hoạt đắt tiền cho gia đình như xe máy, tivi…

Theo đại diện UBND xã Tuy Lộc cho biết, thôn Thủy Trầm có khoảng 564 hộ dân thì có đến 470 hộ dân nuôi cá chép đỏ, người dân địa phương còn gọi tắt là cá đỏ. Mỗi năm, lượng cá đỏ bình quân xuất bán đạt từ 5 tấn đến 6 tấn với giá khoảng 50 nghìn đồng/kg.

Từ ngày có con cá chép đỏ về với dân làng, nhiều gia đình đã giàu lên trông thấy. Bình quân thu nhập đầu người trong thôn Thủy Trầm đạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/năm, trong đó có nhiều gia đình thu nhập lên đến 50 triệu đồng

Nguyễn Hương
.
.
.