Về bài "Quy trình kiểm tra giao thông dẫn đến mãi lộ"

Thứ Bảy, 01/03/2008, 11:08
Là một độc giả thường xuyên của tờ báo T., ngày 19/2/2008, tờ báo này đã đăng bài: “Quy trình kiểm tra giao thông dẫn đến mãi lộ” của Thạc sĩ Khoa học Phạm Gia Bách, chuyên ngành phát triển xã hội được đào tạo tại Cộng hòa Liên bang Đức theo chương trình học bổng Fulbright. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề mà tác giả đã nêu, tôi xin cung cấp một số thông tin cần thiết sau đây tới các bạn độc giả.

Bài báo đã đưa ra một sự việc cụ thể mới đây về một chuyến đi công tác vào Nghệ An bằng xe ôtô do vị chuyên gia người Đức trực tiếp điều khiển, khi đến TP Vinh xe bị CSGT chặn lại để kiểm tra.

Trong khi thực thi nhiệm vụ kiểm soát, đồng chí CSGT đã yêu cầu người lái xe ra khỏi xe để kiểm tra các giấy tờ liên quan. Vị chuyên gia này đã lập tức phản ứng và cho rằng việc kiểm tra không cần phải như vậy, mà chỉ cần ngồi trên ghế lái xuất trình giấy tờ là được.

Tác giả bài báo đi cùng chuyến xe hôm đó cũng tỏ thái độ đồng tình phản ứng giống như vị chuyên gia nọ và đã vặn hỏi đồng chí CSGT về quy trình kiểm tra giao thông là người lái xe nhất thiết phải ra khỏi xe là quy định của pháp luật hay quy định riêng của ngành Công an. 

Từ sự việc cụ thể này tác giả Phạm Gia Bách cho rằng, quy trình kiểm tra giao thông của ngành Công an là một trong những nguyên nhân gây ra nạn mãi lộ.

Qua nghiên cứu bài báo, xét về mặt tổng thể chỉ vì một lý do đơn thuần cho mục tiêu phát triển xã hội mà tác giả muốn gây dư luận rộng rãi trong công chúng, để công chúng dễ hiểu sai về nguyên nhân của nạn mãi lộ.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề mà tác giả đã nêu, tôi xin cung cấp một số thông tin cần thiết sau đây tới các bạn độc giả.

Ngày 15/11/2007, Bộ trưởng Bộ Công an ra Quyết định 1404/2007/QĐ-BCA (C11) về việc ban hành Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lực lượng CSND, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2007, tại khoản a, Điều 9 của Quy trình quy định về tiến hành kiểm soát, nêu rõ: "Khi phương tiện cần kiểm soát đã dừng hẳn, Cảnh sát được phân công làm nhiệm vụ đứng ở vị trí phù hợp, yêu cầu người điều khiển tắt máy (đối với phương tiện cơ giới), thực hiện các biện pháp an toàn, xuống khỏi phương tiện và xuất trình các loại giấy tờ có liên quan...".

Như vậy là đã rõ, việc đồng chí CSGT Nghệ An yêu cầu vị lái xe người Đức xuống xe xuất trình giấy tờ liên quan để kiểm tra là đúng với quy định của pháp luật, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy định pháp luật năm 2002 thì Quy trình của ngành Công an là một văn bản pháp luật chuyên ngành.

Việc xây dựng và ban hành quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lực lượng CSND được đảm bảo đúng trình tự của pháp luật về xây dựng văn bản pháp luật, có tính khoa học, khách quan, dân chủ, công khai đã được phổ biến rộng rãi trong lực lượng Công an và nhân dân để biết thực hiện, giám sát.

Điều chúng tôi cần nói thêm là nếu vị lái xe người Đức và ông Phạm Gia Bách chưa hiểu được quy định trên thì đồng chí CSGT cần nói rõ cho hai người biết và chấp hành. Còn nếu đồng chí CSGT đã nói rõ mà hai vị không chấp hành là việc làm sai cần phải phê phán

Nguyễn Quang Thắng
.
.
.