Vất vả mưu sinh ngày nắng nóng

Thứ Năm, 03/05/2012, 15:07
Hà Nội nóng như đổ lửa. Những đường phố thiếu cây xanh hầm hập phả hơi nóng vào con người, vạn vật. Chiếc khăn ẩm - vật dụng được coi là hữu ích nhất chống chọi cái nóng được nhiều người lao động dùng để bám trụ mặt đường, bám trụ công trường trong cuộc mưu sinh đầy vất vả.

Bám vỉa hè kiếm sống

10h ngày 2/5. Ai đi trên đường cũng đều vội vã. Xe cộ đông như mắc cửi. Nguồn khí thải từ các phương tiện giao thông đẩy ra góp phần làm tăng thêm nhiệt độ cho đường phố. Chị Nguyễn Thị Hạnh đội chiếc mũ rộng vành lụi cụi bày mũ, kính ra vỉa hè Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bán hàng.

Khuôn mặt sạm nắng, đôi mắt nhíu lại, chị kể, quê chị ở Nam Định, hai vợ chồng lên Hà Nội kiếm tiền nuôi con. Chị bán hàng lặt vặt như kính, mũ bảo hiểm trên vỉa hè. Anh chồng thì làm nghề xe ôm. Ban ngày họ rời phòng trọ nhỏ ở Mỹ Đình (huyện Từ Liêm), đêm mới trở về. Anh đi làm từ sáng sớm. Còn chị Hạnh thì dọn hàng từ 10h sáng, bán đến 10h tối mới thu hàng.

Trời mưa hay nắng thì chị vẫn bám trụ mặt đường để mưu sinh. Hỏi chị mỗi ngày có kiếm được 200.000đ không, chị trả lời vội: "Làm sao mà được ngần đấy hả em. Mỗi ngày được 100.000đ là tốt rồi". Nhìn quanh cả đoạn hè phố chỉ thấy toàn nắng là nắng, chúng tôi thắc mắc: "Chị ăn trưa ở đâu?".

Chị bảo, trưa, chồng chị mang cơm đến. Chị ngồi nhờ quán nước sát tường cho đỡ nắng. Có khách chị lại chạy ra. Hai người khách vừa ghé vào hỏi mua kính, trả giá thấp rồi lại đi ngay. Chị Hạnh vuốt mồ hôi chảy quanh cổ rồi xếp lại hàng. Ánh nắng đang dần lên đỉnh đầu.

Cách nơi chị Hạnh bán hàng chừng 300m, chị Trần Thị Hoa ở cùng quê Nam Định cũng bất chấp cái nóng bức để bám mặt đường. Cùng là phụ nữ, cùng từ quê ra Hà Nội kiếm tiền nuôi con ăn học, chị Hoa bán mặt hàng cũng giống như chị Hạnh. Trời nắng, mặt hàng kính râm giá rẻ sẽ bán được nhiều hơn cho người đi đường. Bởi vậy, các chị phải tận dụng mọi thời gian bán càng được nhiều hàng càng tốt.

Các con đường mà chúng tôi đi qua trong thời điểm nắng nóng này có những chị bán hàng nước đội mũ, khăn che nắng kín mít, chỉ để hở mỗi đôi mắt. Nhưng lại có người đàn ông một mình kéo xe cát cho công trình đội mỗi chiếc mũ trên khuôn mặt gay gắt đầy mồ hôi. Những bác làm nghề xe ôm tìm bất cứ chỗ râm nào dựng xe ngồi chờ khách. Họ chờ được lao động, chờ kiếm được chút tiền tích cóp gửi về quê cho vợ, nuôi con ăn học.

Bữa cơm công trường trong container

11h10', công trình cầu vượt vành đai 3 đoạn gần đại lộ Thăng Long vẫn có công nhân đang lao động. Vượt qua dòng xe cộ ào ào chạy, chúng tôi bước vào công trường đầy bụi đất với những chân cầu vượt trên cạn đứng sừng sững. Nép mình dưới chân cầu ngay phía cổng vào, ông Bùi Văn Mỹ (Công ty Dịch vụ bảo vệ ngày và đêm) đang ngồi nghỉ với cặp lồng cơm và bát canh rau lõng bõng nước. Bên trên lớp cơm hạt nở bung là mấy miếng thịt kho dừa.

Ông Mỹ than vãn: "Nắng quá, chỉ khát thôi chứ chẳng buồn ăn. Chỗ này chắc tôi không thể ăn hết được". Ông Mỹ quê ở Thái Bình, lên Hà Nội làm bảo vệ cho công trình này được tháng rưỡi. Giờ làm việc từ 7h sáng đến 7h tối. Nếu làm thêm thì ông ở tại công trường này cả ngày lẫn đêm luôn.

Ngày mưa thì được vào trong trạm gác ngồi, nhưng không mưa thì phải ngồi ở cổng. Với mức lương 3 triệu đồng/tháng, ông cố gắng chi tiêu tằn tiện trong vòng 1 triệu đồng, 2 triệu đồng dành cho đứa con đang học Đại học Bách Khoa, còn vợ ông cày cấy ở quê nuôi đứa con học Đại học Luật trong TP HCM.

Giờ này, ông Nguyễn Văn Minh quê ở huyện Ngư Lộc, tỉnh Thanh Hóa cùng bảo vệ với ông Mỹ. Ông Minh vốn là dân đi biển, nhưng tuổi cao, sức yếu dần nên tìm về Hà Nội làm bảo vệ, kiếm tiền nuôi đứa út vào đại học. Chiếc khăn mặt bông quấn trên cổ ông ướt sũng mồ hôi. 

Chúng tôi đi sâu vào công trường nơi các công nhân, cán bộ kỹ thuật vẫn đang làm việc giữa trưa nắng gắt. Trên đỉnh giàn giáo khổng lồ cao chót vót, một cán bộ kỹ thuật đội khăn ẩm trùm đầu bên trong chiếc mũ rộng vành đứng giữa trời. Gọi với lên cao hỏi anh bao giờ xuống đất, anh gào to trả lời chúng tôi: "12h".

Ánh nắng gay gắt chiếu vào mắt khiến chúng tôi không ngẩng đầu lên nhìn lâu được. Vậy mà anh cán bộ kỹ thuật vẫn đứng giữa trời dưới cái ô nhỏ xíu vừa để che người, che máy móc. Bên dưới giàn giáo, nhiều công nhân vẫn đang lắp đặt thiết bị. Bên cạnh họ đặt một thùng mà chúng tôi đoán là nước để giải nhiệt.

Đi bộ chừng hơn nửa cây số nữa, chúng tôi tiếp cận được khu nghỉ và ăn trưa của các công nhân lao động. Ấn tượng đầu tiên là những khuôn mặt sạm nắng, bóng mồ hôi đi lại trên nền đất cát dưới gầm cầu vượt. Trong chiếc container được trổ cửa sổ, mấy công nhân lái cẩu xoay trần quanh mâm cơm trên dãy giường kê tạm bằng những tấm gỗ mỏng manh.

Bữa cơm của nhóm thợ máy tại công trường đường bộ vành đai 3 (Hà Nội).

Thịt kho dừa là món ăn sang nhất kết hợp với canh rau, cà chấm mắm tôm. Cậu thanh niên tên Thứ trẻ nhất trong nhóm quê ở Nam Định đã đi lái cẩu ở nhiều nơi như Hải Phòng, Hải Dương. Ăn xong, nghỉ ngơi một lát trong "căn phòng" container họ sẽ lại tiếp tục công việc trên công trường đầy nắng và bụi.

Chúng tôi đứng một lúc trong container rồi phải chui ra gầm cầu để tránh cái oi bức ngột ngạt. Nhưng bước ra khỏi đó, không khí oi nồng lại ùa vào mặt bỏng rát. Bữa cơm trong công trường đạm bạc, bữa cơm trưa trên vỉa hè tạm bợ, những con người lao động vẫn chống chọi cái nắng để kiếm sống. Vất vả nhọc nhằn nhưng họ hạnh phúc vì được lao động để mưu sinh

Hà Hồng
.
.
.