Vật giá leo thang - hàng quà sinh viên ế

Thứ Ba, 27/11/2007, 12:47
Thời buổi vật giá leo thang này, ngay như mì gói là loại thực phẩm không gì bình dân hơn, mang phong cách "rất SV" thì cũng đang trở nên "xa xỉ hoá" vì hầu hết các loại mì đều tăng gấp rưỡi. Nên đối với SV bữa chính còn phải nhịn huống chi là… bữa phụ, ăn vặt.

Tính đến thời điểm hiện tại, xăng 92 là 13.000đ/lít. Một anh sinh viên phải cất xe máy đi xe đạp. Và có tới "1.001 cách ứng phó" kiểu sinh viên trong thời kỳ vật giá đang lên cao.

Buổi sáng chủ nhật mát trời, xung quanh khu vực Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh vắng hơn ngày thường.

Các quán cóc, bánh mì, xôi, chè… khách mua hàng khá thưa thớt. Bà Sáu bán bánh mì trước cổng trường than: "Từ dạo mấy đồ ăn vặt tăng 500 - 1.000đ là các cô, cậu ra ít hẳn".

Trước đây, mỗi ngày bà bán được xấp xỉ 300 ổ bánh, giờ được chưa đến trăm rưỡi! Bằng vài phép tính thông thường, mỗi tháng các cô cậu SV đã phải cần thêm 200 nghìn đồng, chưa nói việc uống nước, giải khát, càng làm SV phải sống kham khổ hơn.

Ngay như mì gói là loại thực phẩm không gì bình dân hơn, mang phong cách "rất SV" thì trong cơn bão vật giá, nó đang trở nên "xa xỉ hoá". Hầu hết các loại mì gói đều tăng gấp rưỡi. "Có thể nói đây là thứ tăng ghê nhất" - Quân (ĐH Bách Khoa) đúc kết.

Nhiều cái không tăng giá nhưng số lượng bị giảm đi, như 1 bó rau 1.000đ, giờ còn "vài sợi". Phần đông sinh viên tỉnh lẻ về TP trọ học mỗi người có một hoàn cảnh riêng, đa phần không khá giả gì.

Hỏi ra ai cũng lắc đầu khi mà thu nhập hàng tháng từ gia đình cũng như trước, tức là họ đang phải gồng mình lên để chi tiêu hợp lý mà không ảnh hưởng đến việc học hành. Gia đình ở Đồng Nai chỉ ở mức đủ ăn, Minh Thu không có ý định xin thêm tiền mà sẽ cố gắng để tự mình lo liệu.

Ở gần chợ Văn Thánh, Hải (Khoa Báo chí & Truyền thông) tâm sự: "Mình đi chợ cho 5 bạn cùng phòng, dè sẻn lắm mà mỗi ngày cũng hết 50 nghìn đồng chưa kể tiền gạo, muối…".

Làng Đại học Thủ Đức lâu nay có tiếng về chi phí sinh hoạt phù hợp với túi tiền SV, bây giờ chỉ còn "hư danh". Giá cả đồ ăn thức uống ở đây không thua trong nội thành là bao.

Ngọc Tưởng (ký túc xá ĐHQG) nói đùa: "Sống ở đây kém gì sống giữa lòng thành phố".

Một số SV nữ của Trường KHXH&NV mua 1 hộp cơm ăn trưa ở trường không hết, để dành đến tối (!). Đây là chuyện có thật dù nói ra ngay chính các bạn cũng thừa hiểu sẽ hại tới sức khỏe như thế nào, nhưng vì "tình thế bắt buộc".

Và lời của bà Sáu cũng có cơ sở khi SV bữa chính còn phải nhịn huống chi là… bữa phụ, ăn vặt. Khánh Linh, SV Sư phạm văn, buổi sáng nấu ăn tiện thể cho cả ngày. Xong rồi, bạn đạp xe từ quận 8 qua trường. Hàng tuần, Linh về nhà lấy gạo lên cho rẻ, "đỡ được đồng nào hay đồng ấy".

Có một bộ phận SV gia đình ở thành phố, hay khá giả không bị ảnh hưởng, nhưng số này không nhiều.

Đa phần SV ở mức bình thường khoảng 1 triệu/tháng đều cảm thấy ngày càng áp lực. Nhưng bạn đọc sẽ không khỏi chạnh lòng khi biết hoàn cảnh của Tâm, SV Khoa Chính trị (Sư phạm TP Hồ Chí Minh).

Gia đình rất nghèo không thể chu cấp, bạn phải đi dạy kèm được 500.000đ/tháng. Rất nhiều khoản chi tiêu về sách vở, giáo trình đến nỗi trước tình trạng đồ ăn đắt đỏ, có tuần Tâm chỉ tiêu 20.000đ tiền ăn, bằng cách ăn cơm không với nước mắm, nhiều bữa chỉ ăn rau(!).

Vân, SV kinh tế lại khác. Bạn cùng 3 bạn cùng lớp nữa rủ nhau thuê nhà ở tít Cát Lái, khu vực này giá cả đỡ hơn so với nội ô TP. Nhưng hàng ngày nhóm bạn này phải đạp xe gần chục cây số, vượt cầu Sài Gòn để đi học (quận 3). Và lại một kiểu triết lý dí dỏm rất SV: "Cái gì cũng có cái giá của nó". Đúng, đó là những cái giá khá đắt trong thời vật giá có biểu đồ tăng dần…

Còn rất nhiều SV vốn đã kham khổ vẫn đang phải quặn mình trước cái thang không giới hạn mà vật giá vươn tới. Và hệ quả tất yếu - người thì xin thêm tiền nhà, người thì phải tích cực làm thêm.

Rồi quy về một mối là điểm chung: ăn tiêu tiết kiệm. Điều này sẽ gây tác hại không nhỏ đến sức khoẻ, trong khi SV là đối tượng luôn cần được ăn uống đầy đủ, có điều kiện tốt nhất cho học tập, vui chơi giải trí…

Thành Đạt
.
.
.