'Vàng tặc" huỷ diệt rừng già, sông suối

Thứ Năm, 24/06/2010, 11:28
Suốt mấy tháng nay, người dân huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị lại đổ ra lòng sông Đakrông cào quấy, lọc tìm vàng cám - thứ vàng giữa đất đá của đại ngàn Trường Sơn bị đào xới khốc liệt, trôi dạt về đây mỗi mùa lũ lụt. Cái giá của vàng đã không chỉ dừng lại ở sự lao lực của người dân ngụp lặn…

Ngay sau Công văn 1412 của UBND tỉnh Quảng Trị gửi Cục Địa chất Khoáng sản, nội dung đồng ý cho Công ty cổ phần phát triển khoáng sản 4 được gia hạn giấy phép thăm dò vàng gốc tại A Vao và đề nghị Cục sớm gia hạn cấp phép thăm dò vàng gốc cho công ty này tại đây, rừng già, núi đá ở Đakrông lại tiếp tục bị rung chuyển dữ dội bởi hoạt động nổ mìn phá núi tìm vàng.

Ở các điểm quặng vàng khe Ho, khe Poóc, khe Kluông đã hình thành nên những đại công trường mới, vô cùng khốc liệt. Những đội quân đào vàng giăng lán trại khắp nơi, nhưng không ở ven triền núi, khe suối như trước đây, mà ở ngay trong lòng núi - những nơi đã qua hàng chục năm bị nổ mìn phá núi, lấy đá, vận chuyển ra bên ngoài để xay lọc lấy vàng - tạo nên những cái hang rộng và dài hun hút.

Người dân ngụp lặn, mót vàng sa khoáng trên sông Đakrông.

Các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đakrông làm nhiệm vụ truy quét, đẩy đuổi vàng tặc ở đây đã ví von những cái hang núi này chẳng khác nào những đại công trình địa đạo kiên cố. Dọc các khe suối của núi rừng A Vao, mùi hôi xông lên nồng nặc và thật khó gọi rạch ròi tên chúng - bởi chúng là mùi hôi của nhiều thứ tạp chất, hóa chất trộn lẫn vào nhau.

Thỉnh thoảng người đi đường bắt gặp xác của động vật ở những đoạn suối đã kiệt nước. Ông Côn Lui, ở xã A Vao giải thích: Những con thú này đã bị kiệt sức đến chết trên đường đi tìm nguồn nước. Chúng chết ngay ở đoạn suối mà trước đây chúng thường tìm đến để uống nhưng nay đã bị đất đá từ trên những đồi cao đổ xuống bồi lấp.

Theo thống kê của ông Côn Lui, núi rừng A Vao vốn có 17 con suối lớn chảy ra các khu dân cư trên địa bàn toàn xã. Bao đời nay, người dân lấy đó sử dụng cho việc ăn, uống, sinh hoạt và sản xuất. Nhưng nay, chỉ còn 5 con suối lớn, tất cả chúng đều đã bị ô nhiễm trầm trọng do hoạt động khai thác vàng. Từ hơn 15 năm nay, các vùng rừng già đầu nguồn Đakrông đã không còn đúng như tên gọi của ngành Kiểm lâm - các tiểu khu, phân khu, các loại lâm sản quý hiếm… bởi tất cả chúng đều đã bị biến thành những đại công trường vàng.

Phải cứu lấy rừng và sông suối, trách nhiệm đó trước hết thuộc về các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị

Phan Thanh Bình
.
.
.