Thức ăn đường phố sau Tháng an toàn thực phẩm:

Vắng bóng nhà quản lý

Thứ Tư, 29/05/2013, 23:34

Nắng nóng trên 37 độ. Hơi nóng hầm hập phả vào người đi đường. Ai cũng nhanh nhanh chóng chóng trở về một nơi nào đó để tránh nóng. Nhưng lại có những người phải phơi mặt trên đường với đồ ăn thức uống phục vụ khách hàng bình dân. Người bán mồ hôi nhễ nhại. Thức ăn hứng bụi đường, không đảm bảo vệ sinh… gây nguy cơ cao cho sức khỏe người tiêu dùng trong những ngày nắng nóng.

Thực phẩm phơi giữa đường

11h ngày 27/5. Con phố nhỏ nằm đối diện Bệnh viện Da liễu Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã trở thành phố bán cơm bụi cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Những quán ăn san sát hai bên đường đã được bày kín thức ăn nấu chín. Một số quán để thức ăn trong tủ kính theo đúng quy định, nhưng một số quán khác có tới một nửa thức ăn để ngoài tủ kính, thịt, rau, trứng, cá… phơi ra trước cái nắng, cái bụi bặm của các phương tiện qua lại.

Chị Hoàng Thị Phiến khoác chiếc áo chống nắng kín mít hướng từ Bệnh viện Bạch Mai đi ra mua thức ăn. Đôi mắt nheo lại vì ánh sáng chói chang, chị cho biết, chị từ huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La về chăm sóc em điều trị tại Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới Trung ương. Đã nhiều ngày nay, ngày nào chị cũng lang thang tìm mua cơm ở ngoài cổng viện, lúc chọn quán này, lúc quán khác. Giơ hai hộp cơm bụi giá rẻ ra cho tôi xem, chị giới thiệu: “Chỉ 15.000đ/suất thôi. Giá rẻ nên thức ăn ít”. Tôi hỏi chị: “Thức ăn có đảm bảo không? Có sợ đau bụng không?”, chị trả lời: “Không biết”. Bởi không biết và không có sự lựa chọn nên chị Phiến cứ nhắm mắt mà ăn cho qua ngày.

Trước cổng Bệnh viện Nhi, chúng tôi gặp không ít ông bố, bà mẹ đến các hàng ăn ở đây mua cháo. Cháo cho trẻ nhỏ thường là cháu xay cùng các loại rau, củ nên có màu đặc trưng của từng loại. Cầm cốc cháo xay vừa mua 20.000đ, anh Nguyễn Văn Tuân, quê ở Hưng Yên than vãn: “Chẳng biết chất lượng thế nào nhưng vẫn phải mua...”. Nỗi lo về chất lượng thức ăn đường phố luôn canh cánh, nhất là vào lúc nắng nóng.

Các loại bánh, cơm bụi di động phơi ra giữa nắng nóng, bụi đường vỉa hè Hà Nội.

Thế nhưng, vì “sảy nhà” phải ăn... ngoài đường nên mọi người đều phải chấp nhận, kể cả người ốm. Quan sát hàng nước mía trước cổng Bệnh viện Nhi TW, chúng tôi thấy ngán ngẩm khi mía được phơi ra vỉa hè, mà vỉa hè thì lúc này cũng có hàng trăm người, xe đi qua lại. Loại mía này không chỉ bị nhiễm bụi mà còn “ăn” cả khói, xăng... Với đôi tay trần, người ta cho mía vào ép, bốc thêm vài cục đá nữa là thành thứ nước mát có cả trăm vạn con vi trùng...

Tại chợ Linh Lang, quận Ba Đình, Hà Nội trưa 27/5, chúng tôi bắt gặp các bà, các chị “hạ hỏa” bằng những cốc chè. Thạch, đậu đen, đậu xanh, trân châu... phơi ra trên những cái khay. Mùi chợ vốn dĩ đã rất đặc trưng rồi, lại gặp buổi trưa nắng càng khó ngửi. Thế nhưng, hàng chè vẫn đắt khách. Người ta nói nhiều đến các loại phụ gia làm cho chè ngọt, nhanh nhừ, có mùi thơm... và hẳn những thực khách kia cũng từng nghe đến. Ấy thế nhưng nắng nóng khiến nhiều người “bất chấp” mọi khuyến cáo nên sẵn sàng gọi cho mình những cốc chè...

Nhân nhắc đến đá, tôi lại cảm thấy sợ. Đợt nắng nóng cách đây một tuần, “cháy” đá trên diện rộng. Các xưởng đá chạy hết công suất nhưng không đủ cung ứng cho thị trường nên có nơi, người ta nghiền cả đá ướp thực phẩm thành đá bào để bán cho các hàng giải khát. Thế mới biết, nắng nóng góp phần đẩy sức tiêu thụ của một số mặt hàng lên cao, trong đó có đồ ăn thức uống. Nắng nóng cũng khiến thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, nếu không đảm bảo chất lượng dễ khiến người ăn bị ngộ độc...

Vi phạm tràn lan, thiếu người xử phạt

Khảo sát trên nhiều tuyến phố trong ngày 27/5, chúng tôi nhận thấy phổ biến tình trạng rửa dụng cụ bán hàng như bát đĩa, cốc chén không đảm bảo vệ sinh, thậm chí là quá bẩn thỉu. Chỉ với hai xô nước, người bán mía, bán chè dùng để rửa vài chục cái cốc trong cả một buổi trưa. Những cây mía đã róc vỏ cũng được bày vô tư giữa đường phố dưới ánh nắng, khói bụi.

Ở các điểm nóng về thức ăn đường phố, những suất cơm bụi phục vụ người lao động, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trước cổng các bệnh viện ở Hà Nội đều cùng có một điểm chung là người bán cho canh nóng vào cốc nhựa mỏng. Cách đựng thức ăn như trên đã được cảnh báo là vô cùng độc hại. Thế nhưng, do sự tiện lợi nên người ta vẫn lạm dụng hình thức này để bán hàng, vô cùng nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.

Tháng 4 hàng năm được chọn là Tháng Vệ sinh an toàn thực phẩm, rất nhiều chỉ tiêu đánh giá được đưa ra. Tuy nhiên, những gì chúng tôi ghi nhận được cho thấy, thức ăn đường phố vẫn đang trong nguy cơ mất an toàn cao. Các cơ quan quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm chắc chắn sẽ không thể quản lý hết được những gánh hàng rong, cơm bụi di động vỉa hè hay những điểm bán “mía sạch” mọc lên liên tiếp lẫn trong khu dân cư.

Bộ Y tế đã tăng cường quản lý thức ăn đường phố bằng Thông tư số 30/2012/TT-BYT, có hiệu lực thực thi từ ngày 20/1/2013 quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Trong đó quy định người chế biến, bán hàng ăn phải đeo găng tay, thức ăn để trong tủ kính cách mặt đất 60cm… Thế nhưng, những ngày nắng nóng như thế này, tình trạng vi phạm diễn ra khắp nơi mà người xử phạt thì chẳng thấy. 

Bác sỹ Trần Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời tiết nắng nóng khiến cho việc bảo quản thức ăn khó hơn, người dân dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Bởi vậy, người dân cần biết lựa chọn thức ăn đảm bảo vệ sinh, kiên quyết tẩy chay những điểm bán hàng mất an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính mình

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.