Vẫn nóng chuyện thành lập ồ ạt nhiều trường đại học mới

Thứ Năm, 22/10/2009, 12:56
Thông báo rằng, 11 năm qua, có 31 trường ĐH thành lập mới, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nhận định, các trường ĐH mới thành lập, ngay lập tức không thể có cơ ngơi ổn định như Kinh tế quốc dân, Bách Khoa…. Họ cũng gặp khó khăn trong việc tuyển cán bộ và giảng viên.

Chiều 21/10, Bộ GD & ĐT đã tổ chức họp báo thông báo kết quả kiểm tra thực hiện nhiệm vụ năm học tại 11 cơ sở giáo dục đại học và 11 Sở GD & ĐT.

Tâm điểm của buổi họp báo chính là Trường ĐH Phan Thiết (thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh đây là trường ĐH "3 không", chưa đủ điều kiện thành lập trường…) và các vấn đề liên quan nảy sinh như: điều kiện mở mã ngành đào tạo ĐH, tiêu chí để đảm bảo môi trường sư phạm của trường ĐH, gần đây có quá nhiều trường ĐH mới thành lập trong điều kiện còn non yếu về cơ sở vật chất…

Về trường ĐH Phan Thiết, ngay sau khi dư luận phản ánh, Bộ GD & ĐT phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức đoàn thanh tra trong 2 ngày 18, 19/10. Đoàn Thanh tra cũng đã có báo cáo riêng về trường ĐH này, trong đó kết luận: số giảng viên cơ hữu của trường có trình độ thạc sỹ trở lên chiếm 68,25% so với tổng số giảng viên, đảm bảo thực hiện khối lượng giảng dạy đối với các ngành đào tạo đã mở và quy mô tuyển sinh; cơ sở vật chất cũng đảm bảo quy mô đào tạo theo chỉ tiêu đã xác định…

Đoàn Thanh tra kiến nghị, trường phải khẩn trương hoàn thiện các công trình đang xây dựng để sớm đưa vào sử dụng, tiếp tục bổ sung đội ngũ giảng viên, sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng trường theo đúng cam kết của dự án (hiện nay, ĐH Phan Thiết đang tận dụng cơ sở làng cổ Mũi Né, một địa điểm du lịch để triển khai các hoạt động nhà trường). Dư luận cho rằng, cơ sở "tạm thời" này vốn là nơi tham quan thắng cảnh sẽ khó có đủ điều kiện về môi trường sư phạm?

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc, Trường ĐH Phan Thiết có số lượng giảng viên ĐH thỉnh giảng đông hơn giảng viên cơ hữu thì có đảm bảo chất lượng đào tạo không, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD& ĐT cho rằng, giảng viên ĐH có trình độ ĐH trở lên, có chứng chỉ sư phạm là có thể giảng dạy ĐH được.

Hiện nhìn chung, giáo dục ĐH đang có phần tăng cường đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ, đẩy chuẩn giáo viên này cao hơn nữa, vì vậy, trong các mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục đã đặt ra, giáo dục ĐH phải đạt 25% giảng viên có trình độ tiến sỹ trở lên vào năm 2010…

Liên quan đến vấn đề vì sao nhiều trường ĐH mới được thành lập "ồ ạt", bà Hà cho hay, từ năm 1998 đến nay, có 31 trường ĐH thành lập mới, trong đó có 2 trường công lập là Học viện phát triển chính sách và ĐH Việt Đức và 29 trường dân lập.

Số trường thành lập nhiều là sau khi có Quyết định số 14 về tổ chức đào tạo hoạt động của ĐH tư thục năm 2005. Trước 2005, hồ sơ thành lập trường ĐH gửi Bộ rất nhiều nhưng không có cơ chế để thành lập, do chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng của các đơn vị bảo trợ. Vì vậy, sau Quyết định 14, số trường được thành lập mới nhiều như vậy (2006 có 6 trường, 2007 có 9 trường mới hoàn toàn).

Cũng theo bà Hà, các trường ĐH mới thành lập, ngay lập tức không thể có cơ ngơi ổn định như Kinh tế quốc dân, Bách Khoa…. Họ cũng gặp khó khăn trong việc tuyển cán bộ và giảng viên. Năm 2006, có 3/6 trường mới thành lập, phải tuyển sinh tại cơ sở đi mượn, không phải địa điểm trong hồ sơ thành lập trường. Nhiều trường còn phải thuê địa điểm. Nhưng Bộ quy định rõ, các trường phải cam kết hoàn thành các mục trong hồ sơ xin thành lập trường. Sau 3 năm, Bộ sẽ rà soát, đánh giá, nếu không đảm bảo điều kiện cam kết, Bộ sẽ xử lý theo chế tài…

Quy định mở trường mới, theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cho biết, điều kiện mở trường (theo Quyết định 07) đòi hỏi cao hơn như vốn pháp định là 50 tỷ (trước chỉ yêu cầu 15 tỷ đồng). Bộ cũng đang rà soát lại quy trình mở mã ngành mới!

Về tên gọi "quốc tế" đang được "lạm dụng" trong xây dựng tên trường ĐH, theo bà Trần Thị Hà đây đúng là vấn đề cần xem xét. Vì theo quy định, các trường chỉ được lấy tên gọi của danh nhân văn hoá đặt tên trường, tên ngành mình đào tạo, tên địa danh, không có chữ "quốc tế".

Thu Phương
.
.
.