Văn minh hàng không: Khách “lỡ tay”, an ninh báo động

Thứ Ba, 03/12/2019, 07:50
Từ đầu năm đến nay, Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đã phải chi gần 1 tỷ đồng để bổ sung gần 600 chiếc dây đai an toàn bị thất lạc. Bên cạnh đó, là việc hư hỏng, mất áo phao, tự ý mở cửa thoát hiểm, hay  khách lỡ tay vứt “vật thể lạ” xuống hệ thống toilet… cũng khiến hàng loạt chuyến bay bị ảnh hưởng, thậm chí phải dừng khai thác.


Bởi dây an toàn, áo phao… dù chỉ là vật dụng nhỏ song theo quy định, để đảm bảo an toàn hàng không, chuyến bay sẽ không được phép cất cánh nếu thiếu các đồ này ở bất kỳ ghế ngồi nào, kể cả của tiếp viên.

Khách “vui tay” lĩnh ngay… giấy phạt

Cách đây chưa đầy 1 tuần, tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong quá trình kiểm tra máy bay, nhân viên kỹ thuật kiểm tra máy bay Airbus A321 số đăng ký VN-A605 đã phát hiện thiếu 1 seat belt (dây thắt an toàn) dành cho trẻ em.

Ngay sau khi phát hiện sự cố trên, máy bay đã phải tạm dừng hoạt động để hãng bổ sung dây thắt an toàn còn thiếu theo đúng quy định. Đại diện của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines chia sẻ, đây không phải trường hợp đầu tiên trong năm nay dây thắt an toàn “biến mất” sau chuyến bay.

Dây an toàn trên máy bay là vật dụng vô cùng quan trọng.

Dù giá trị mỗi dây an toàn dành cho trẻ em chỉ khoảng 1,6 triệu đồng, song hệ quả đi kèm như chuyến bay phải tạm hoãn hay thậm chí là tạm dừng hoạt động mới thực sự đáng lo ngại. Điều này  đôi khi do khách hàng “vô tình” gây ra song hãng hàng không phải chịu hoàn toàn thiệt hại. Tính từ tháng 1 cho đến hết nay, VNA đã phải chi tới gần 1 tỷ đồng để bổ sung 600 chiếc dây thắt an toàn bị “thất lạc”.

Không chỉ là vấn đề dây thắt an toàn, mới đây, trên chuyến bay từ Liên Khương về Hà Nội, an ninh sân bay phát hiện 1 nữ hành khách lấy trộm áo phao trên chuyến bay trước đó. Cụ thể, khi kiểm tra an ninh soi chiếu người và hành lý xách tay, an ninh sân bay Liên Khương mới đây phát hiện trong hành lý 1 nữ hành khách có chiếc áo phao chuyên dụng trên máy bay.

Nữ hành khách lấy trộm là Dương Thị D, dự định đi chuyến bay VJ408 từ Liên Khương về Hà Nội. Nhìn thông tin ghi trên áo phao, an ninh sân bay nhanh chóng xác nhận, chiếc áo phao này do nữ hành khách “chôm” trên chuyến bay VJ783 từ Hà Nội đi Cam Ranh mà khách này bay trước đó.

Vụ việc được bàn giao cho nhà chức trách hàng không tại sân bay, xử lý theo quy định. Với hành vi trên, nữ hành khách Dương Thị D sẽ bị xử phạt theo Nghị định 162 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không do có hành vi trộm cắp, chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép đồ vật, thiết bị trên máy bay. Mức phạt từ 7-10 triệu đồng.

Đại diện một hãng hàng không chia sẻ, trường hợp khách “cầm nhầm” áo phao dù đã được cảnh báo nhiều lần song dường như nhiều khách hàng vẫn rất vô tư. Chính vì thế, có lần hy hữu nhà chức trách đã phát hiện trên một chuyến bay hơn chục áo phao bỗng không cánh mà bay.

Hành động dù nhỏ nhưng hành khách không biết rằng, áo phao trang bị trên máy bay, hành khách chỉ được sử dụng khi có yêu cầu của tiếp viên chuyến bay, trong trường hợp phải hạ cánh khẩn cấp xuống nước. Mọi hành vi lấy áo phao ra khỏi vị trí khi không có yêu cầu của tiếp viên là vi phạm quy định về an toàn bay, uy hiếp an toàn cho chính hành khách đó và hành khách khác.

Vô tư thả “vật thể lạ” vào bồn cầu trên máy bay

Đêm ngày 11-10-2019, máy bay Airbus A350 số đăng ký VN-A890 đã phải dừng tàu qua đêm tại sân bay TSN để thực hiện tháo đường ống, làm sạch chất thải gây tắc đường ống.

Cùng thời điểm này, một  máy bay A350 khác có số đăng ký VN-A893 dự kiến bay chuyến VN384 chặng HN – Haneda (Tokyo) cũng không thể khai thác do toilet hút yếu. Để đảm bảo hành khách vẫn bay đúng giờ, Vietnam Airlines đã phải điều máy bay khác (VN-A889) để khai thác. Trong khi đó, VN-A893 bị dừng bay để làm sạch đường ống bị tắc do khăn ăn, giấy vệ sinh cuộn.

Điều đáng chú ý, đây không phải là những trường hợp hãn hữu. Thời gian vừa qua, các kỹ sư của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) liên tục ghi nhận các trường hợp hệ thống toilet của máy bay không sử dụng khi đang trên độ cao 16.000 ft mà nguyên nhân được xác định là do các vật ngoại lai như khăn lau mặt, cuộn giấy ăn, thậm chí cả bỉm trẻ em...

Để thông tắc đường ống toilet máy bay, các kỹ sư bảo dưỡng phải thực hiện nhiều giải pháp ngâm hóa chất để làm giảm, mềm cặn cứng, đồng thời dùng vòi nước áp suất cao để làm sạch cặn đường ống. Việc thực hiện xả, ngâm đường ống bằng hóa chất với đá bào có thể mất tới 7 ngày nhằm giảm cặn và chống đóng cặn trở lại.

Sự cố này xảy ra không chỉ đơn giản là gây tắc hệ thống vệ sinh trong chuyến bay mà còn khiến máy bay buộc phải dừng khai thác để bảo dưỡng tiến hành sửa chữa, làm sạch. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng khai thác máy bay, gây thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là trong mùa cao điểm hiện nay.

Trên thực tế, một số chỉ dẫn ở nhà vệ sinh trên máy bay nhiều khi bị hành khách bỏ qua. Những chỉ dẫn này cũng tương tự chỉ dẫn của nhà vệ sinh bình thường, song với điều kiện trên máy bay, cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Trong hệ thống buồng vệ sinh máy bay luôn có những hướng dẫn cụ thể trên mỗi thiết bị.

Cụ thể từ hướng dẫn việc nhấn nước ở đâu, bỏ giấy vào chỗ nào, lau tay xong khách nên để giấy lau vào thùng rác như thế nào… cho đến những lưu ý về chỗ như thay bỉm cho em bé hay hong khô tay… Tuy diện tích rất nhỏ hẹp nhưng nhà vệ sinh trên máy bay luôn có tấm bàn nằm phía trên chỗ vệ sinh để có chỗ thay bỉm cho bé.

Khi sử dụng nhà vệ sinh trên máy bay, hành khách không được hút thuốc, gọi điện hay nghịch các đồ vật khác trong buồng vệ sinh. Sau khi đi vệ sinh xong, cần ấn nút để xả nước để giữ vệ sinh cho toàn chuyến bay. Sau khi rửa tay và dùng khăn giấy, hành khách cần nhớ bỏ vào đúng nơi quy định. Các chuyến bay đều là chuyến bay không hút thuốc, tại nơi bỏ khăn giấy có ký hiệu rõ về việc không bỏ đầu mẩu thuốc lá vào...

Đồng thời, hành khách cần lưu ý trước khi vào nhà vệ sinh hay bất cứ bộ phận nào trên khoang máy bay, cần đọc kỹ những hướng dẫn cụ thể để đảm bảo đúng quy định, không có những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Nhật Uyên
.
.
.