Ghi ở các chốt kiểm dịch động vật thời điểm bệnh tai xanh bùng phát:

Vẫn "lọt" thịt chưa kiểm dịch

Thứ Sáu, 14/05/2010, 10:26
12 chốt kiểm dịch của Hà Nội được huy động hết công suất trong những ngày bệnh lợn tai xanh bùng phát. Mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ hàng chục tấn thịt lợn, trong đó nguồn thịt chủ yếu ở các tỉnh khác đưa về, có nhiều địa phương đang là trọng điểm của dịch lợn tai xanh.

Vậy làm thế nào để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng Thủ đô khi Hà Nội có rất nhiều đường ngang, ngõ tắt để lợn bệnh được vận chuyển "chui"? Thịt lợn chưa qua kiểm dịch vẫn được trà trộn, lén lút bán cho người tiêu dùng.

Trốn kiểm dịch, đi đường tắt

Chúng tôi có mặt tại chốt kiểm dịch động vật Ngọc Hồi - Thanh Trì lúc 5h30' sáng 13/5. Đây là "giờ vàng" - thời điểm mà các xe chở động vật từ các tỉnh đổ về Hà Nội để vào các lò mổ và đi đến các chợ, đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến, chốt kiểm dịch Ngọc Hồi - Thanh Trì khá vắng vẻ, không hề có biển hiệu hay bảng thông báo chốt kiểm dịch.

Theo quy định, các chốt kiểm dịch phải trực 24/24h với 2 cán bộ thú y, 1 cán bộ quản lý thị trường và 1 chiến sỹ Cảnh sát giao thông. Thực tế, lúc này lại chỉ có một nhân viên Quản lý thị trường đang ngồi trong chốt. Khoảng 5 phút sau, tiếp tục xuất hiện một cán bộ thú y. Lý giải về việc vắng người đột xuất vào đúng "giờ vàng", cán bộ Quản lý thị trường xua tay: "Anh em vừa nghỉ 1 tý về ăn sáng, đánh răng rửa mặt. Tý nữa lại ra đây bây giờ".

Theo cán bộ thú y trực tại chốt, đây là cửa ngõ vận chuyển hàng từ Thanh Hóa và một số huyện của Hà Tây cũ về Hà Nội. Tuy nhiên, rất ít thịt lợn được chuyên chở qua đây, đặc biệt là những ngày dịch lợn tai xanh đang hoành hành. Điều khó tin nhưng có thật, mỗi ngày chỉ có từ 2 đến 3 xe chở lợn qua chốt.

Như ca trực từ 22h ngày 12/5 đến 6h sáng 13/5 chỉ có hai xe chở thịt lợn vào trung tâm thành phố, một xe từ Thanh Hóa chở ra, một xe chở từ huyện Mỹ Đức. Các xe đều có giấy tờ đầy đủ. "Rất có thể, các xe chở lợn đã chạy theo QL1B và vào thẳng các lò mổ mà không đi qua đường này" - cán bộ thú y ở đây giải thích.

Theo quan sát của chúng tôi, từ các xã như xã Liên Ninh, Vĩnh Quỳnh, thị trấn Văn Điển, cách chốt kiểm dịch chừng 500m, các xe máy vận chuyển thịt lợn sống để nguyên con lợn phơi trần trên xe rất mất vệ sinh, ngang nhiên chạy vào nội thành mà không hề thấy bóng dáng của một cơ quan chức năng kiểm dịch nào.

Theo anh Hoàng Minh, người dân xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, việc các xe chở thịt lợn chạy đường tắt tránh các chốt kiểm dịch là điều rất dễ nhận ra. Nếu không có Đội kiểm dịch lưu động thì nguy cơ lợn bệnh tràn vào nội đô là điều khó tránh khỏi.

Theo Chi cục Thú y Hà Nội, từ đầu tháng 5/2010 đến nay, các đội kiểm tra liên ngành và lực lượng thú y đã phát hiện, xử lý tiêu hủy 1.800kg thịt lợn bệnh. Tại các chốt kiểm dịch liên ngành đã kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y được gần 13.000 con lợn, hơn 1.000kg sản phẩm động vật, tiêu độc cho hơn 1.000 phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật.

Ban Quản lý chợ phải vào cuộc

Sáng sớm 13/5, chúng tôi có mặt ở chợ Bưởi, một trong những chợ bán buôn thịt lợn lớn của quận Tây Hồ. Các phản thịt đều đầy ăm ắp, thịt đang được lọc ra để bán buôn. Cán bộ Trạm Thú y Tây Hồ Lê Thị Thu Phương đang kiểm tra từng con lợn bằng cách xem xét kỹ dưới hõm tai và bụng con lợn. Theo chị Phương, nếu lợn bị bệnh tai xanh thì dưới hõm tai và bụng sẽ bị xuất huyết.

Tuy nhiên, từ khi tiếp nhận quản lý địa bàn đến nay được gần 1 tháng, chị chưa phát hiện hộ kinh doanh nào ở chợ Bưởi bán thịt lợn bị bệnh tai xanh. Sau khi kiểm tra, bằng cảm quan thấy thịt lợn đảm bảo, cán bộ thú y đã đóng dấu lên đầu, bụng và cuối con lợn. Nếu con nào đã lọc rồi thì đóng dấu lên từng miếng thịt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy đang ở giữa mùa dịch, nhưng rất ít người tiêu dùng đi chợ lại hỏi dấu kiểm dịch được đóng trên bì lợn. Chợ tạm trên đường Kim Mã với gần chục quầy thịt lợn, nhưng rất ít cửa hàng người tiêu dùng nhìn thấy thịt được đóng dấu kiểm dịch.

Một chủ hàng khi chúng tôi hỏi dấu đã lật hết phản thịt mà không tìm thấy. Có chủ hàng hỏi dấu thì lại chìa ra giấy kiểm dịch… Việc người kinh doanh trà trộn thịt không rõ nguồn gốc, thịt bệnh vào bán là điều rất có thể xảy ra.

Theo khuyến cáo của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người tiêu dùng chỉ mua thịt lợn khi thịt đó đã được kiểm dịch. Vậy làm thế nào để người tiêu dùng biết được đâu là thịt đã được kiểm dịch? Theo ông Nguyễn Trung Việt, Trạm trưởng Trạm Thú y quận Tây Hồ thì thịt lợn được kiểm dịch phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của địa phương nơi con lợn đó xuất chuồng và trên thân thịt phải được đóng dấu kiểm dịch.

Trên thực tế thì người bán cũng như người tiêu dùng ít quan tâm tới vấn đề này. Bằng chứng là việc cán bộ thú y đến kiểm tra đóng dấu lên thịt lợn, một số chủ hàng tỏ vẻ không bằng lòng hoặc họ sợ người mua chê bẩn đã cạo đi.

Để kiểm soát bệnh lợn tai xanh và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thành phố nên thành lập các tổ kiểm dịch lưu động, có thể đi lại trên các tuyến phố thì mới không bỏ sót lợn dịch, lợn bệnh.

Có nơi một cán bộ thú y lại kiêm nhiệm quản lý tới 2 đến 3 chợ sẽ không kiểm soát được hết nếu người bán trà trộn lợn bệnh. Do vậy, Ban quản lý chợ phải phối hợp với ngành Thú y cùng kiểm tra, giám sát, để hạn chế tối đa thịt lợn chưa qua kiểm dịch trà trộn vào bán cho người tiêu dùng.

Cục Thú y có công văn yêu cầu Chi cục Thú y các địa phương nghiêm cấm việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch khống cho chủ hàng, hoặc cấp giấy chứng nhận cho chủ hàng khi không kiểm tra trực tiếp.

Trần Hằng - Nguyễn Hương
.
.
.